Xưa và nay

Văn hóa trong Tết Nguyên đán

Nguyễn Ngọc Tiến 02/02/2025 07:19

Tết Nguyên đán có nhiều thủ tục nhưng ăn là quan trọng nhất nên mới nói “ăn Tết”. Cách nói như vậy hoàn toàn đúng với ngày xưa vì trong mâm cỗ Tết có nhiều món mà ngày thường không có.

Ngày nay, nếu nói “ăn Tết” xem ra không còn phù hợp bởi các món ăn chỉ Tết mới nấu trước kia, nay đã có thể mua ở ngoài hàng. Tết là tập hợp các tệp giá trị văn hóa với những cấu phần: Phong tục truyền thống, ẩm thực, tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo...

tien-xuan-nguu.jpg
Tái hiện lễ Tiến xuân ngưu - một trong những phong tục Tết cổ, tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Giang Nam

Cổ xưa, Tết Nguyên đán với các nghi thức do con người quy ước mang đậm màu sắc tâm linh, tín ngưỡng, có tính triết lý. Đến Tết, nhà nào cũng vạch vôi trắng hình cái cung ở sân với ý nghĩa xua tan bóng tối, ngăn chặn thế lực hắc ám. Ngày Tết, người ta trồng cây nêu (hay còn gọi là “cây mặt trời”) làm chỗ đậu cho ánh sáng vào sáng sớm đầu năm mới. Khi chưa xuất hiện pháo, người xưa đánh trống để “khu tà trục quỷ” nên Tết bí hiểm, linh thiêng. Dần dà, Tết Nguyên đán tiếp nhận các giá trị của Phật giáo, Nho giáo, đặt ra các tục mới, đồng thời lược bỏ những nghi lễ, phong tục không còn phù hợp. Dù là ngoại sinh nhưng Tết Nguyên đán đã hội nhập hoàn toàn vào cấu trúc văn hóa Việt nên nó là Tết Việt.

Cây nêu ảnh hưởng của Phật giáo khi trên ngọn cây nêu treo mảnh áo của đức Phật với ý nghĩa xua đuổi quỷ dữ. Tục treo câu đối đỏ ở ngoài cửa, treo tranh là ảnh hưởng của Nho giáo. Đi lễ chùa, đình, đền đầu năm mới chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo. Tính bao dung, hòa hiếu của người Việt cũng xuất hiện trong Tết. Thời Lý - Trần, 30 Tết, ngày cuối cùng của năm cũ, trai gái nhà nghèo thương nhau không có tiền hỏi cưới được cha mẹ hai bên cho về ở với nhau và làng xóm cũng không chê trách. Cuối năm, nếu trong gia đình, họ hàng, làng xóm trước đó có hiềm khích, mâu thuẫn, người ta sẽ gặp nhau để giải quyết, chữa lành. Thế kỷ X, khi Việt Nam là quốc gia tự chủ, triều đình cũng đặt lệ, ngày ông Công ông Táo về trời (23 tháng Chạp), cơ quan công quyền đã đóng ấn, nhà tù không nhận tù nhân cho đến ngày hạ cây nêu (mồng 7 tháng Giêng) mới mở cửa hoạt động trở lại.

Trong thang giá trị phương Đông, màu đỏ tượng trưng cho may mắn, sự sống nên màu đỏ là màu chủ đạo những ngày Tết. Pháo quấn bằng giấy đỏ, xôi gấc, phong bao mừng tuổi màu đỏ, mâm ăn cơm màu đỏ (mâm son), đũa cũng màu đỏ (đũa son). Có nhà bọc thêm lá dong xanh bên ngoài bánh chưng đã luộc chín sau đó buộc lạt nhuộm màu đỏ. Người Việt đã bỏ đào phù (hay bùa đào), một phong tục ngoại sinh thay bằng hoa đào vừa có dương khí mùa xuân lại vừa mang ý nghĩa xua đuổi ma quỷ hoành hành khi vũ trụ tâm linh vô chủ từ ngày 23 tháng Chạp đến giao thừa.

Tết Nguyên đán hàm chứa nhiều giá trị văn hóa và một trong những giá trị cốt lõi là tính đoàn viên. Đoàn viên không chỉ là gặp gỡ giữa người còn sống mà độc đáo ở chỗ là cuộc gặp giữa người sống và người đã khuất, tức là âm dương gặp nhau. Trước Tết, các gia đình ra mộ thắp hương, khấn vái mời người âm về ăn Tết. Xưa có tục đặt cây trúc làm cầu cho người từ âm phần trở lại dương thế. Người ta sẽ để đôi dép bên cạnh vại nước cho người âm rửa chân, kê cái giường cho người âm nghỉ. Rồi sau đó thay đoạn trúc bằng cây mía có vài cái lá khiến trong nhà có màu xanh của mùa xuân và hết Tết ăn mía cho mát ruột cũng là ăn lộc. Con cháu còn làm mâm cơm cúng với đầy đủ các món mời tổ tiên “ăn trước” rồi sau đó mới thụ lộc.

Gặp gỡ âm - dương là sự ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo. Phật giáo quan niệm con người có nhiều kiếp, còn Nho giáo đề cao đạo đức hiếu lễ - thờ cúng tổ tiên. Điều này phù hợp với văn hóa truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Nhớ ơn công lao sinh thành, dưỡng dục biết ơn người dạy chữ, dạy nghề nên ngày Tết thế nào cũng phải: “Mồng một Tết ở nhà cha/ Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy”. Thời phong kiến, các triều vua còn tổ chức nghi lễ cúng vong ghi công và biết ơn những người đã hy sinh bảo vệ xã tắc.

Tết không chỉ có các nghi lễ, thủ tục, kiêng kỵ, mà còn có ăn, “phi cỗ bất thành lễ Tết”. Mâm cỗ Tết của người Việt ngoài theo quy luật tương hòa, tương hợp còn có tính cộng đồng rất cao. Phải có sản vật của miền núi gồm: Măng, mộc nhĩ, nấm hương, lá dong gói bánh chưng, có sản vật đồng bằng là gạo, rau, thịt gia súc, gia cầm và sản vật của miền biển là vi cá và nước mắm.

Tết là đón năm mới và hy vọng đổi mới. Tục cúng giao thừa ngoài ý nghĩa chuyển tiếp năm cũ sang năm mới còn được huyền thoại hóa đất trời phối ngẫu, âm dương giao hòa và đón ông Táo mới xuống hạ giới làm chủ nhà - bếp - đất trong năm mới. Mừng năm mới, đón năm mới nên mọi thứ phải mới, từ quần áo, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa đến thanh toán nợ nần năm cũ, tắm nước lá mùi tẩy trần. Sáng mồng một, các thành viên trong nhà đoàn viên ăn bữa cơm đầu tiên của năm mới rồi chúc nhau và mừng tuổi. Sau đó sang xóm giềng, đến nhà họ hàng chúc những lời lẽ đẹp đẽ. Với nhà nước, xưa triều đình tổ chức cúng lễ ở Khâm thiên giám (cơ quan khí tượng thủy văn), tổ chức nghi lễ tịch điền, tiến ngưu mong thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu.

Xã hội phát triển, dân trí mở mang, tính thiêng được giải nên nhiều phong tục đã mai một, thậm chí biến mất một cách đáng tiếc như tục hòa giải mâu thuẫn. Có ý kiến cho rằng, Tết ngày nay nhạt. Thực ra, Tết vẫn vậy dù đơn giản hơn, nhạt là do thái độ ứng xử của mỗi người. Từ “ăn Tết” nay chuyển dần sang hưởng thụ, chơi Tết. Điều này phù hợp với xã hội công nghiệp, và người lao động được nghỉ dài hơn theo quy định của luật pháp. Và những giá trị văn hóa tinh thần quan trọng của Tết thì không thể thay thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa trong Tết Nguyên đán