Xưa và nay

Bình yên Hiển Quang tự

Thủy Hương 20/01/2025 - 06:11

Hiển Quang tự là tên chữ của chùa thôn Trung thuộc xã Dương Hà (nay là xã Thiên Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Tương truyền, chùa được khởi dựng từ thời Lý. Và vị sư đầu tiên trụ trì chùa Hiển Quang là Huyền Trang đại sư, được người dân dựng bia phụng thờ. Trên tấm bia bốn mặt có khắc dòng chữ Hán ghi tên sư trụ trì và niên đại Lý Thái Tông, tức là đầu thế kỷ XI.

chua-co.jpg

Trải qua những thăng trầm lịch sử, chùa Hiển Quang bị phá hủy và bỏ hoang trong một thời gian dài. Năm 2001, chùa được sư trụ trì cùng nhân dân thôn Trung khởi công xây dựng lại với quy mô bề thế, khang trang, gồm các hạng mục chính như tam quan, tam bảo, lầu Bồ tát, nhà thờ Mẫu, nhà khách...

Tam quan chùa được xây kiểu “tam cửa tứ trụ” cùng hai cột trụ biểu ở hai bên. Cửa chính giữa hình vòm, gồm 2 tầng 8 mái, bên trên đắp nổi hình hổ phù. Hai cột hai bên khắc chữ Hán. Phần mái được xây bằng xi măng kiểu ngói giả ống. Trên tầng 2 có gắn hai con kìm chầu nguyệt. Hai cửa phụ nối liền với cửa chính, có diện tích nhỏ hơn. Ngoài cùng là hai cột trụ biểu kiểu lồng đèn.

Qua tam quan là khoảng sân rộng. Cạnh đó có một hồ nước, chính giữa là lầu Bồ tát, bên trong được làm bằng gỗ, cửa ra vào kiểu bức bàn. Mái lầu được làm kiểu 2 tầng 8 mái, lợp ngói mũi hài. Trên các mặt của thân lầu ở tầng mái thứ 2 có khắc chữ Hán, đỉnh đắp hình búp sen. Hàng rào xung quanh lầu nối liền với cây cầu uốn cong dẫn vào sân chùa dài khoảng 4m được làm hoàn toàn bằng đá.

Sau khoảng sân gạch là tam bảo có kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, gồm 5 gian. Mái lợp ngói mũi hài, trên nóc gắn hai com kìm chầu vào bức cuốn thư khắc chữ Hán. Trước thềm tam bảo đặt lư hương và hai tấm bia đá hình trụ. Dẫn lối lên tam bảo là 5 bậc thềm, hai đầu đặt hai cột trụ biểu kiểu lồng đèn. Hiên nhà rộng, có 6 cột đá khắc chữ Hán. Cửa ra vào kiểu cửa bức bàn. Cấu trúc bên trong gồm khung mái gỗ được làm kiểu giá chiêng. Các gian có cửa võng sơn thếp vàng.

Bên phải tòa tam bảo là nhà Mẫu rộng 7 gian, xây kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, trên nóc có tấm trụ biểu dạng cuốn thư khắc chữ Hán. 3 gian giữa đặt tượng thờ Mẫu, Đức thánh Trần; được xây tường tách biệt với các gian khác. Mỗi gian có các cửa võng sơn thếp vàng, bên trên treo các bức hoành phi, câu đối.

Trong chùa Hiển Quang hiện còn bảo tồn nhiều di vật có giá trị cao như hệ thống tượng cổ cùng các đồ tế khí mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX; 10 tấm bia đá, đặc biệt là tấm bia có niên hiệu Chính Hòa đời Lê Hy Tông (1671 - 1675); 1 quả chuông đồng...

Năm 1993, chùa Hiển Quang đã được xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bình yên Hiển Quang tự