Hà Nội 360

Mùa đông phố hôm nay

Nguyễn Ngọc Tiến 21/01/2024 - 15:00

Xưa, người Hà Nội sợ mùa đông hơn mùa hè. Nhưng ngày nay thì ngược lại, nhiều người sợ mùa hè hơn mùa đông.

638404988210306637-1.jpg
Hồ Gươm mùa đông.

Mùa hè Hà Nội dường như không có ký ức buồn, chỉ là thoáng qua dù có những đợt nóng kinh hoàng. Thời bao cấp, không phải nhà ai cũng có quạt điện, mà có thì nhiều khi cũng như không vì thiếu điện. Ngày bị cắt điện vài ba lần, mỗi lần vài ba tiếng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Điện "yếu như kẻ đói ăn", các nhà cuối ngõ chỉ đỏ sợi dây tóc bóng đèn, quạt lờ đờ. Vào ngày trời đứng gió, không khí oi nồng, sông hồ đông đúc người bơi, phố xá như hội. Gia đình ở nhà mặt phố kê ghế ra cửa, ông bà, con cháu ngồi phe phẩy quạt nan. Từng đoàn xe đạp diễu hành trên đường, nhiều người kéo nhau tìm đến các hồ để hóng gió. Nhưng mùa hè không phải ngày nào cũng nóng, xen vào những ngày oi ả có ngày trời mát, lại có mưa rào, đám học trò hả hê đội mưa ra đường, về sau thành kỷ niệm đáng nhớ. Nóng, nhưng người Hà Nội xưa không sợ mùa hè.

Người Hà Nội sợ mùa đông không phải vì trước kia mùa đông lạnh hơn, mà vì thể chất người Việt bé nhỏ, sức yếu. Thời bao cấp, điều kiện các nhà sàn sàn nhau, vật chất thiếu thốn, gạo mậu dịch để kho lâu ngày hết chất, ăn xong bữa bụng đã ngót. Tiêu chuẩn vải mỗi người chỉ 4 - 5m/năm. Những năm nhiệt độ xuống thấp, cá hồ Bảy Mẫu, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm chết cóng nhưng phụ nữ bên ngoài chỉ có tấm áo sợi, áo len cũ. Cái khăn sợi quàng đầu thì hở cổ, ấm cổ thì lạnh đầu. Đàn ông chỉ có tấm áo bông, không tất, không găng. Trời chưa tối phố đã vắng, chỉ có những người công nhân đi làm ca tối rướn người đạp xe trong gió hun hút, dưới bóng đèn đường đỏ quạch. Sáng sớm, quán phở đầu phố ninh nước, gió đông bắc thổi, mùi nước dùng đánh thức cả phố, làm khổ nhà "không có điều kiện" phải rang cơm không mỡ nuốt vội rồi đi làm.

Thế kỷ XX, Hà Nội có hai mùa đông đau buồn. Tháng 12-1946, thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Hà Nội. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Xe tăng Pháp lăn bánh xích nghiền nát những con đường, nổ súng bắn vào những nơi nghi có chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Dân phố nháo nhác, vội vàng vớ những thứ cần thiết, dắt nhau đi như chạy trong đêm xa nơi chiến sự, mặc gió lạnh buốt. Nhiều gia đình phải ăn Tết Đinh Hợi 1947 trên đường tản cư. Với những người ở lại, có lạnh thì cũng không dám đốt củi sưởi vì sợ lính Pháp bắn. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô bên ngoài chỉ có tấm áo trấn thủ nhưng nhanh nhẹn chuyển từ phố này sang phố kia bắn tỉa quân thù. Không có con số thống kê cụ thể, chỉ biết rằng số người Hà Nội chết trong mùa đông năm 1946 được chôn chồng lên nhau kéo dài suốt con đường dài 200m từ phố Hai Bà Trưng sang Lý Thường Kiệt ngày nay. Sau năm 1954, chính quyền Hà Nội đã cất bốc hài cốt họ đưa vào nghĩa trang, đặt tên con phố ấy là phố 19-12.

Mùa đông cuối năm 1972, lại thêm một lần Hà Nội đổ nát và chết chóc. Từ đêm 18 đến đêm 29-12, không quân Mỹ huy động tổng lực máy bay B52 với hàng trăm lượt xuất kích đánh bom miền Bắc và Hà Nội. Từ ga Giáp Bát qua làng Tám, Phương Liệt, Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên, ga Hà Nội, khu An Dương..., nhà cửa tan tành vì bom. Đau đớn nhất là phố Khâm Thiên, trận bom lúc 10h đêm ngày 26-12 san phẳng hơn một nửa con phố đông dân. Bom dứt là vang lên tiếng gào thét xé lòng bên miệng hố bom. Trong đêm tối mù mịt, sợ máy bay quay lại đánh tiếp, mẹ tìm con, con tìm cha trong bóng tối gió rét ù ù. Xác người thâm tím vì gió lạnh. Trận bom kinh hoàng đã giết hại 278 người vô tội, trong đó có 55 trẻ em, 290 người bị thương, khiến 178 trẻ mồ côi cha mẹ. Trước đó, rạng sáng ngày 21-12, máy bay B52 Mỹ đã trút hơn 600 quả bom xuống khu lao động An Dương, cướp đi 171 sinh mạng, gây thương tích cho 151 người, phá hủy hàng trăm nhà ở, trường học... Những ký ức đau thương của hai mùa đông ấy sẽ không bao giờ quên với người Hà Nội.

Ngày hôm nay, mùa đông phố không còn xám xịt, ảm đảm. Ban đêm, ánh đèn màu từ các biển quảng cáo, trang trí nghệ thuật trên các con đường dường như xua đi cái lạnh. Phố đêm đông đúc như phố ngày. Người ta đi uống cà phê, đến phố đi bộ trong bộ quần áo chống rét đủ màu sắc, kiểu dáng. Đám trẻ ngày nay được ăn uống đủ dinh dưỡng nên thể chất tốt hơn xưa, gió lạnh nhưng chúng vẫn phong phanh thong dong đạp xe dọc các con phố thoang thoảng mùi thơm. Và, “ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng” (ca khúc “Ru đời đi nhé” của Trịnh Công Sơn) quả là đúng với phố Hà Nội.

Ngược lại, phố mùa hè bây giờ nóng hơn trước vì nhiệt độ cao hơn, một phần do biến đổi khí hậu, phần lớn do chính con người gây ra. Thành phố trùng điệp nhà bê tông cao tầng, loại vật liệu hấp thụ nhiệt và tỏa nhiệt rất chậm. Các công trình lại sử dụng quá nhiều kính, gây ra “hiệu ứng nhà kính” nên nhiệt độ ở thành phố cao hơn hẳn vùng quê. Nóng, nên chẳng ai muốn ra đường nếu không có công việc. Trong nhà có quạt, có máy điều hòa.

Mùa đông Hà Nội năm nay không lạnh sâu nhưng cũng đủ để người Hà Nội khoe áo mới. Lại chợt nhớ tới mùa đông năm nào cùng nỗi sợ mùa hạ hiện tại...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa đông phố hôm nay