Nét cổ kính của ngôi đình Phú Đa, Phú Lễ

Ngọc Quỳnh| 31/03/2023 18:00

(HNMO) - Xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) đang xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với thực hiện nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, làng quê. Đặc biệt, dù trải qua nhiều thăng trầm, thời gian, song 2 ngôi đình làng Phú Đa và Phú Lễ vẫn giữ được những nét cổ kính và cùng thờ các vị thành hoàng thời vua Hùng và ngài Tân kỳ vương Nguyễn Kính.

Trầm mặc nét cổ kính

Đến thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm cảm nhận đầu tiên là nét thanh bình, yên ả của một làng quê, ngôi đình làng nằm khiêm nhường bên bờ sông Tích vẫn giữ được nét trầm mặc. Cụ Tạ Kiến Sâm, một người dân ở làng Phú Đa, dù ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng vẫn nhớ như in lịch sử hình thành, sự thăng trầm của ngôi đình làng gắn bó với mình gần 1 thể kỷ. Cụ Sâm cho biết, từ thời vua Hùng thứ 18 (cách đây khoảng 2.000 năm) có 3 vị từ phủ Thiên Trường - Nam Định lên vùng này ở lại, sống với nhân dân Phú Đa. Sau đó 3 vị đã lên kết nghĩa cùng Thánh Tản Viên, rồi sang Bạch Hạc - Kinh đô của vua Hùng để giúp đánh giặc Thục Phán đến xâm chiếm. Sau khi dẹp xong Thục Phán, vua Hùng gả con gái cho Thánh Tản Viên và phong 3 vị chức Đại Tướng quân, rồi cả 3 vị về xây dựng cơ đồ ở Cần Kiệm. Khi mất cả 3 vị đều được nhân dân 3 làng (Phú Đa, Phú Lễ, Yên Lạc) tôn làm thành hoàng, thờ ở điện chính của đình làng.

Đình làng Phú Đa

Ngoài thờ 3 vị thành hoàng, là: Trung Công, Hoằng Công và Dũng Công - các vị tướng của Tản Viên Sơn Thánh, giúp vua Hùng đời thứ 18 đánh giặc, bảo vệ bờ cõi đất Văn Lang, Đình còn phụng thờ ngài Nguyễn Kính, một danh thần nổi tiếng nhà Mạc, quê ở xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất. Trong đình Phú Đa còn lưu giữ 16 đạo sắc phong có giá trị từ thời vua Tự Đức. Hiện tại, ở điện chính có 3 cỗ long ngai cổ cùng 3 bản kim tiên và 1 mũ nạm vàng lưu giữ từ lâu đời.

Người dân thôn Phú Đa còn rất đỗi tự hào khi vào tháng 12-1946 đình làng được bác Tôn Đức Thắng về mít tinh và đọc lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các cụ cao tuổi giới thiệu bia tưởng niệm nơi bác Tôn Đức Thắng về mít tinh và đọc lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

Cũng giống như đình làng Phú Đa, đình làng Phú Lễ, xã Cần Kiệm nằm nép mình bên bờ sông Tích. Cụ Nguyễn Văn Tăng người làng Phú Lễ nhớ lại: Đình xây dựng vào khoảng năm 1690-1692, mang kiến trúc đặc sắc thời Hậu Lê. Năm 1948, thực hiện khẩu hiệu “Vườn không nhà trống” để kháng chiến, đình làng Phú Lễ bị đốt cháy ngày 30-12 năm Đinh Hợi (tức mùng 2 tháng 1 năm 1948). Đến năm 1953, nhân dân làm đình mới, đình tuy không đồ sộ như ngày xưa, nhưng vẫn giữ được nét cũ. Thời kỳ chống pháp, chống Mỹ, đình được hợp tác xã sử dụng làm kho và trường học, nhân dân rước các ngài ra quán đầu làng thờ phụng. Đến năm 1989, đình được sửa lại, và từ đó người dân rước các vị thành hoàng làng về thờ ở đây. Năm 1999, đình được xây dựng, tu bổ lại như ngày nay. Đình Phú Lễ cũng thờ 4 vị thành hoàng làng như ở đình Phú Đa. T

Giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử

Trân trọng quá khứ để xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, nhân dân thôn Phú Đa và Phú Lễ vẫn luôn giữ mối quan hệ gắn bó keo sơn từ đời xưa cho đến ngày hôm nay. 

Đình làng Phú Lễ

Cụ Kiều Văn Pha, Trưởng ban khánh thiết đình làng Phú Đa cho hay, đình có 2 điện thờ thành hoàng, nên đã hình thành 2 lễ hội hằng năm. Lễ hội điện chính thờ 3 vị đại vương là tướng của vua Hùng sẽ mở vào 3 ngày 11,12,13-5 âm lịch. Phần lễ vào ngày 11-5, nhân dân thôn Phú Đa tổ chức rước thánh sang từ đường trên núi Miễu của xã Cần Kiệm. Lễ vật để tế thần có gà thờ, ván xôi, trầu cau được phân công chuẩn bị kỹ lưỡng từ đầu năm; tế thần xong tổ chức hát ca trù, rồi mới rước về đình. Ngày 12-5, tế chính tiệc vào buổi sáng, chiều và tối 12-5 là ca hát do các chiếu chèo giữ cửa đình đến phục vụ. Ngày 13-5 là tế tạ và cúng chúng sinh, sau đó mới đóng cửa đình. Đối với lễ hội điện ngang diễn ra vào 3 ngày: 11,12, 13 tháng Giêng để tưởng niệm Tân kỳ vương Nguyễn Kính.

Theo cụ Nguyễn Văn Tăng, người làng Phú Lễ, để luôn nhắc nhớ cho con cháu đời sau về nguồn cội, lễ hội được nhân dân hai làng Phú Đa và Phú Lễ thờ ngài Nguyễn Kính tổ chức rước vào ngày 11 tháng Giêng. Ngay từ sáng sớm ngày 11 tháng Giêng, nhân dân hai làng chuẩn bị kiệu long đình, các trai làng mặc quần áo dài thắt lưng đỏ khiêng kiệu. Ngoài kiệu long đình còn có 1 hương án rước gà thờ sang từ đường để tế thần. Những năm làng mở hội lớn, kéo dài 3 ngày, thì buổi chiều hai làng thường tổ chức đấu vật và đấu gậy, kết thúc giải mới rước kiệu về...

Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, thời gian, song lễ hội đình làng Phú Đa, Phú Lễ (xã Cần Kiệm) vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, với đời sống tâm linh của người dân ở vùng quê.

Phó Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Kiều Văn Tưởng cho biết, bên cạnh việc cùng chung tay, chung sức bảo vệ, tôn tạo, tu sửa đình làng, người dân 2 thôn còn chú trọng giữ gìn và phát huy nét đẹp nghệ thuật kiến trúc, nét đẹp hội làng truyền thống, nét đẹp kết nối và gắn bó cộng đồng của đình làng… Đặc biệt, những giá trị lịch sử gắn với đình làng trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, quê hương luôn được các thế hệ người dân trong xã lưu giữ cẩn thận. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét cổ kính của ngôi đình Phú Đa, Phú Lễ