Ngàn năm sóng lụa tơ tằm

Hoài Hương| 11/06/2023 06:35

(HNMCT) - Lụa nhẹ mà quấn quýt, lụa nặng nhưng không tuột khỏi tay, lụa mềm mại cho uyển chuyển gót sen ai, lụa mỏng manh để người thương kẻ quý, lụa mong manh để luôn được gượng nhẹ yêu chiều, lụa kín đáo thâm trầm thanh khiết, lụa thướt tha e ngại xôn xao, lụa kiêu hãnh sánh ngang cao sang, lụa dịu dàng tan chảy bao mạnh mẽ..

Minh họa: Công Quốc Hà

Tôi lại như mê như đắm trong một không gian có chút huyền hoặc của lụa Việt giữa Thăng Long thành ngàn tuổi. Như lạc vào vườn kỳ hoa dị thảo với những dải lụa tràn chảy bồng bềnh mê mải, được in các hoa văn theo cảm hứng bất tận từ cây cỏ hoa lá thiên nhiên, lóng lánh ngũ sắc biến ảo từ màu lục, lam, cam, hồng, tím, hư hư thực thực trong ánh sáng như màu tơ óng. Chợt thấy mình như ngược thời gian để đắm trong huyền thoại lụa.

Chiếu theo thần tích làng Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) thì nghề chăn tằm, ươm tơ đã có từ thời vua Hùng thứ 6 do công chúa Thiều Hoa khởi xướng, tạo nghề, phát nghiệp - trở thành “Tổ nghề” lụa Việt. Rồi từ đó, lụa tơ tằm được truyền bá khắp vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu màu mỡ, hợp thành những làng nghề truyền thống với bề dày cả ngàn năm tuổi.

Còn ở Đàng Trong là câu chuyện “bà chúa tằm tang” Đoàn Quý phi - Hiếu Chiêu Hoàng hậu triều Nguyễn đã khuyến khích dân chúng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, để suốt dải sông Thu Bồn, nghề tằm tang phát triển rực rỡ, thành một phần “con đường tơ lụa” trên biển của xứ Đàng Trong và có một “văn hóa tơ lụa” vang bóng một thời ở đất Quảng Nam - Hội An hôm nay.

Dọc dài theo hình chữ S, những vùng tơ lụa Việt như gấm như hoa làm thao thiết trong miền ký ức. Những địa danh nổi tiếng về lụa ở miền Bắc như Hà Đông (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định) đến lụa Hội An, Mã Châu ở miền Trung, vào đến đất cao nguyên Lâm Đồng hay miền sông nước Nam Bộ có thương hiệu lụa Bảo Lộc, lụa Tân Châu, lụa lãnh Mỹ A đã đi vào huyền thoại...

Không hổ danh tinh xảo và tinh tế, từ sợi tơ tằm, rất nhiều loại vải lụa được chế tác qua tay nghệ nhân dệt thành Trừu, Nái, Đũi, The, Sa, Lượt, Xuyến, Băng, Cấp, Lương, Nhiễu, Kỳ cầu, Lãnh, Đoạn, Vóc, Vân, Gấm... Ngàn năm áo mũ Việt cũng từ đây mà ra, để lại một di sản văn hóa: “Một ngàn năm, một vạn năm/ Con tằm vẫn kiếp con tằm giăng tơ/ Ai ơi chín đợi mười chờ/ Chờ ai, ai đợi, ai chờ, đợi ai”.

Câu ca dao xưa đâu đó từ ngàn dâu xanh ngắt cổ tích bên bờ sông Hồng, nương theo gió xuân, vượt qua những hàng cây phố xanh mướt mầm non xanh, len qua tiếng ồn ào phố Hà Nội một cách bí ẩn, dừng lại không gian dập dờn sóng lụa, để tôi chợt bừng tỉnh, thấy mình đang thong thả vuốt ve bằng mắt những óng chuốt của lụa nõn, mơn man từng ngón tay chạm nhẹ vào những huyền mị ẩn hiện trên lụa nõn, một vẻ đẹp phi thời gian hiện hữu ngàn năm.

Có khoảnh khắc mơ màng, ướm mảnh lụa lên người, soi vào tấm gương trong suốt, như một chớp mắt ảo diệu, biến thành ngọc nữ xiêm áo diễm lệ quyến rũ kỳ lạ. “Người tốt vì lụa”, có phải vì lụa đã tôn vẻ đẹp mỹ nhân xưa nay, để mỹ nhân với lụa trở thành mối gắn kết tương ái mỹ miều tú lệ.

Có khoảnh khắc ngỡ ngàng, đưa tay chạm vào lụa để xem hư thực, bởi giống như ảo ảnh huyền hoặc, các hoa văn trên lụa phát sáng lộng lẫy… Sắc lụa hòa vào nhau như vũ trụ ngũ hành thu nhỏ, như có một sự chuyển động thần bí, rất động mà tĩnh, mang thông điệp thời gian, nhân gian, để lụa cũng là một triết lý sống chân - thiện - mỹ.

Tôi là một “fan” của áo dài, và cũng vì thế mà tôi si mê kỳ lạ với lụa Việt. Không lụa bất thành “Áo Dài”. Như một giao kết âm thầm thuộc về sở thích, mỗi lần ra Hà Nội, tôi lại dành chút thời gian để đắm vào thế giới lộng lẫy huyền ảo, mềm mại quyến rũ của ngàn năm sóng lụa tơ tằm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngàn năm sóng lụa tơ tằm