Hà Nội văn

Ngày đoàn tụ

Truyện ngắn của Lê Ngọc Sơn 02/05/2025 14:35

Những ngày cuối tháng Tư năm 1975, tin tức thất thủ từ khắp nơi dồn dập báo về. Viễn đứng trên chiến hạm, mắt nhìn xa xăm, lòng không ngừng suy tư. Chiều hôm qua, trong cuộc họp toàn đơn vị, thuyền trưởng đã thông báo: “Tàu sẽ rời bến di tản vào sáng mai. Những ai muốn đi thì ở lại tàu”.

Tháng trước, tàu của Viễn đã đón hàng nghìn người di tản từ Đà Nẵng vào Nam. Viễn đau lòng khi chứng kiến cảnh tượng đám đông đứng trên bờ, gào thét gọi với theo. Những ánh mắt đầy tuyệt vọng khi tàu rời bến mà không thể mang họ theo. Một số người lao xuống biển, cố gắng bơi ra phía con tàu đang nhổ neo. Thuyền trưởng đã ra lệnh đẩy hết chiến cụ xuống biển mà vẫn không còn chỗ trống. Người ken đặc, đứng ngồi chật kín boong. Thương binh, tử sĩ ngổn ngang; quân phục, súng ống vương vãi khắp nơi. Cảnh tượng cực kỳ hỗn loạn khi sự sụp đổ đã không thể tránh khỏi.

Viễn hai mươi tám tuổi, chưa vợ con. Nghe người ta nói, nếu ở lại, những người lính sẽ phải đối mặt với sự trả thù tàn khốc từ phía bên kia. Nhưng ở nhà, Viễn còn người cha già đang đợi anh về và hai người em cũng chưa biết sống chết ra sao. Cả ba anh em đều đi lính. Trớ trêu thay, hai người anh của Viễn lại là lính Bắc Việt. Rất có thể họ có mặt trong đoàn quân giải phóng đang từ các hướng như cơn lốc tiến vào Sài Gòn. Đã 21 năm rồi Viễn chưa gặp các anh.

Hiệp định Genève năm 1954 chia cắt đất nước thành hai miền, cũng đồng thời chia cắt gia đình Viễn thành hai nửa. Hai anh Viễn là bộ đội Việt Minh theo lệnh tập kết ra Bắc. Ngày đi, các anh muốn mang Viễn theo nhưng má đã giữ lại, vì lúc đó Viễn còn quá nhỏ, mới 7 tuổi. Ba Viễn cũng là bộ đội tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1949 ông bị bệnh phổi nặng, phải về thành phố chữa bệnh nhưng vẫn tiếp tục hoạt động kinh tài cho tổ chức. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm từ chối thi hành Hiệp định Genève, ước mong về ngày thống nhất hai miền, gia đình đoàn tụ trở nên mờ mịt. Ít lâu sau, ba Viễn bị bắt giam. Gia đình Viễn sa sút nặng nề. Má phải đi ở đợ để kiếm tiền nuôi con, còn Viễn và các em thì người gánh nước mướn, người bán cà rem dạo. Buổi tối, cả nhà phải ngủ nhờ ở chái nhà thương thí. Dù vậy, ba anh em vẫn luôn cố gắng học thật giỏi. Ít lâu sau, má Viễn thôi ở đợ, có chút vốn liếng nhờ dành dụm cộng với chút tiền nhà chủ cho, má bèn mở tiệm tạp hóa, buôn bán qua ngày, nhờ vậy cuộc sống dần cũng đỡ khó khăn.

Năm 1967, Viễn bị bắt đi lính, nhờ thành tích học tập tốt nên được chuyển làm giám lộ trên tàu hải quân. Ít lâu sau, các em Viễn học xong đại học cũng lần lượt bị bắt lính, nhờ má lo lót nên em kế được làm nhân viên kỹ thuật sửa chữa máy bay, còn em út trở thành y sĩ tại một bệnh viện quân đội. Ba Viễn được ra tù, dù các con đều là lính Cộng hòa nhưng ông vẫn làm cơ sở cách mạng, hoạt động trong nội thành. Viễn biết điều này nhưng anh chỉ nhắc ba: “Ba nên kín đáo, tình hình ngày càng ác liệt”. Viễn vẫn nhớ lời ba khuyên các con: “Nếu phải đi quân dịch thì cũng phải cố gắng làm kỹ thuật, đừng cầm súng ra chiến trường”. Hai anh trai Viễn vẫn còn ở phía kháng chiến. Ba Viễn tin rằng dù sao rồi cũng sẽ có ngày anh em Viễn gặp lại nhau.

***

Sau Hiệp định Paris, tình hình thay đổi theo chiều hướng có lợi cho cách mạng. Ba Viễn được cơ sở kết nối đưa ra căn cứ thăm anh Minh - anh ba của Viễn, lúc đó đang làm Tham mưu phó Tỉnh đội Long Châu Hà. Biết tin Viễn và hai em bị bắt đi quân dịch, anh Minh thức suốt một đêm để viết một bức thư dài gửi ba mang về cho Viễn. Khi đọc thư, Viễn đã khóc rất nhiều. Anh Minh không hề trách móc Viễn và các em, mà chỉ nhắc lại những kỷ niệm thời nhỏ, khi anh em yêu thương, đùm bọc nhau như thế nào. Cuối thư, anh khuyên anh em Viễn giống như cha từng khuyên: “Thôi, thời cuộc đưa đẩy các em phải đi lính, thì cố gắng làm lính kỹ thuật, đừng cầm súng chĩa vào anh em, đồng bào mình”. Đêm đó, Viễn xúc động đọc đi đọc lại lá thư dài mấy ngàn chữ, trong đó chỉ toàn là tình yêu thương ruột thịt và những lời khuyên nhủ chân thành.

Cuối năm 1974, má Viễn ốm nặng. Trên giường bệnh, Viễn nắm lấy đôi bàn tay gầy gò chỉ còn da bọc xương của má. Đôi mắt anh rớm nước. Anh không thể quên lời má trăn trối: “Má chỉ có một ước nguyện, dù các con ở chiến tuyến nào, cũng mong có một ngày đoàn tụ và yêu thương. Đứa nào cũng là con của má”. Nói rồi, má ra đi. Khi ấy, má đâu có biết hòa bình chỉ còn cách một gang tay. Các em của Viễn đứng vây quanh khóc nức nở. Má về miền mây trắng mà chưa một lần gặp lại các anh. Hai mươi năm trời, má chưa được gặp lại các anh. Chiến tranh, người mẹ Việt Nam dù ở miền Nam hay miền Bắc cũng đau thắt lòng vì thương những đứa con cầm súng ra trận. Nỗi đau của mẹ tưởng chừng làm cong mòn những ngọn súng, hòn đạn.

***

Đêm 29-4, phi pháo đan thành những vệt sáng phủ kín bầu trời, tiếng súng vang rền khắp thành phố. Trong đêm tối, nơi chiến hạm đang thả neo, có mấy bóng người từ boong tàu lặng lẽ theo thang dây tụt xuống con thuyền nhỏ. Viễn cùng ba người đồng đội quyết định quay trở về. Khi con thuyền vừa cập bến thì chiến hạm cũng rẽ sóng, rời khỏi đất nước. Viễn đã quyết định ở lại. Anh còn cha già ở nhà, các em chưa biết sống chết ra sao, và cả các anh nữa. Và còn đó lời má dặn trước khi đi xa, mong ước các con có ngày đoàn tụ.

Khi Viễn đẩy cánh cửa bước vào nhà, anh run lên vì xúc động. Cha đang đứng bên bàn thờ, cắm những nén hương cho người vợ quá cố. Có lẽ ông đang cầu mong bà phù hộ cho các con ai cũng được bình an.

Trưa ngày 30-4, hai cha con mừng tủi ôm chầm lấy nhau khi trên đài phát thanh vang lên lời kêu gọi đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. “Hòa bình rồi, hòa bình rồi!” - hai cha con cùng reo lên. Hai tiếng “hòa bình” ngắn ngủi thôi mà ba Viễn đã phải đợi gần hết cuộc đời. Viễn thấy mắt ông đỏ hoe, giàn giụa nước.

Đất nước bước sang một trang sử mới. Từ đáy lòng Viễn không thể nào quên được cảm giác của ngày hòa bình đầu tiên. Thực sự lòng anh ngổn ngang lo lắng, nhưng cùng với đó là tràn ngập niềm vui hân hoan. Đã từng chứng kiến đạn bom, máu đổ khắp nơi, ngày đầu tiên không còn tiếng súng, không còn người phải chết, lòng Viễn bỗng yên ả, ấm áp lạ thường.

Mấy hôm sau, theo dòng địa chỉ ba ghi trên giấy, Viễn xuống ngay Long Xuyên để tìm anh Minh. Viễn xin phép anh bộ đội gác cửa để được gặp thủ trưởng Minh. Khi nhìn thấy bóng dáng thân thuộc, Viễn mừng rỡ nhưng chưa dám chạy ra nhận anh. Đã quá lâu rồi... Viễn gọi: “Anh Minh!”. Hai tiếng thôi mà sao quá đỗi thân thương, như tiếng gọi anh hồi Viễn còn là một đứa trẻ. Anh Minh cũng chạy lại, ôm chầm lấy Viễn: “Viễn hả? Đúng là em của anh đây rồi!”.

***

minh-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Phải đến hai tháng sau Viễn mới có dịp ôm lấy anh Trực, anh hai của mình. Trước đó mấy năm anh đã bị thương trong một trận đánh và phải ra Bắc điều trị. Sau ngày đất nước thống nhất, anh em Viễn được đoàn tụ nhưng rồi mỗi người lại đi theo một hướng vì công việc hậu chiến còn ngổn ngang. Sau ít ngày học tập cải tạo, Viễn và các em được trưng dụng vào những vị trí chuyên môn, kỹ thuật mà chính quyền mới đang thiếu. Viễn tham gia điều khiển chiếc dương vận hạm để vận chuyển tù chính trị từ các đảo về, rồi tiếp tục chở lương thực, máy móc từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Người em kế được tiếp tục công việc sửa chữa máy bay, còn em út vẫn làm y sĩ...

Ngày giỗ đầu tiên của má Viễn vào tháng Tám âm lịch năm 1975. Đúng như ước nguyện của má, cả gia đình Viễn được đoàn tụ bên nhau, dưới một mái nhà. Vẫn trọn vẹn tình yêu thương ruột thịt như má mong muốn. Đám giỗ hôm ấy giống như nhiều đám giỗ khác ở miền Nam sau cuộc chiến tranh tàn khốc. Những người ngồi chung bàn dù từng ở hai phía chiến tuyến nhưng đều bỏ qua chuyện cũ để hồ hởi nói về tương lai. Họ cùng thắp nén nhang lên bàn thờ má và thủ thỉ tâm sự với má rằng, dù ở phía bên nào thì các con cũng chỉ mong có ngày hôm nay. Ngày của đoàn tụ, ngày của tình thương yêu...

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày đoàn tụ