Đã 70 tuổi, tóc bạc trắng nhưng còn nhanh nhẹn, bà Nguyễn Thị Chính hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ quan họ Nhị Hà và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tri âm tri kỷ tại Hà Nội - nơi gặp gỡ, giao lưu của những người yêu văn hóa truyền thống.
Bà Chính kể, năm 10 tuổi, bà theo gia đình về sơ tán ở Tiên Du, Bắc Ninh. Những đêm trăng sáng, khi chúng bạn mải mê vui chơi ngoài sân kho thì bà lại bị thu hút bởi những câu hát của các cụ. Thế rồi cứ lân la, nghe mãi không biết chán, bà yêu quan họ lúc nào không hay. “Vì được sống trong cái nôi quan họ nên dường như có thể “đi nhanh” với câu ca. Khi được gặp các nghệ nhân thì “đi đến đâu được các cụ dìu đến đấy” - bà Chính nói.
Dù có 5 năm tuổi trẻ gắn với đoàn văn công của Tổng cục Hậu cần, tuy vậy, sau khi ra quân, bà Chính lại chuyển sang công việc giảng dạy ở Trường dạy nghề Bộ Nội thương (cũ), nay là Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công thương Trung ương, sau đó được đi học tập ở Liên Xô (cũ) 4 năm. Vào những năm đó, bà đã hát một số làn điệu quan họ để giới thiệu cho bạn bè nước ngoài cùng nghe. Năm 1979 trở về nước, bà dành nhiều thời gian để tìm hiểu, học hát quan họ. Hồi đó còn đi dạy học, dù bận công tác nhưng cứ chiều cuối tuần bà lại đạp xe về các làng Diềm, Ngang Nội, Hữu Chấp… để học hát quan họ, sáng thứ hai lại đạp xe lên Hà Nội đi làm. Sau khi nghỉ hưu, bà thường đi xe máy về Bắc Ninh. Bà kể, khi internet chưa phát triển, điện thoại còn chưa có, mỗi lần về Bắc Ninh bà đều thu âm giọng hát các cụ qua đài cát sét. “Phải cùng ăn, cùng ở, trực tiếp nhìn và nghe các cụ ca thì mình ca theo, ghi theo. Mỗi bài phải ghi nhiều lần bởi mỗi lần các cụ hát thì tùy theo cảm xúc, trí nhớ mà sẽ có những câu, ca từ hơi khác nhau” - bà Chính kể.
Nói đến quan họ thì không thể không nhắc đến những canh hát đối đáp. Nói cách khác, quan họ sống trong đời sống, trong lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày của người dân, đắm say, da diết. Tuy vậy, muốn tham gia canh hát quan họ thì phải thuộc rất nhiều câu hát, để thay lời nói bằng câu ca. Khoảng năm 2000, bà Chính đã có thể ngồi hát canh với các cụ, các liền anh, liền chị quan họ. Theo bà Chính, bảo tồn quan họ cũng chính là bảo tồn những canh hát, phải giữ được nét sinh hoạt văn hóa vô cùng độc đáo của vùng Kinh Bắc. “Người quan họ thường có câu nói cửa miệng: “Yêu nhau cái nết, trọng nhau cái tình và say nhau ở giọng hát câu ca”. Quan họ đâu chỉ để nghe, mà có tinh mới tường - tức là có chơi thì mới hiểu được người quan họ. Mỗi câu hát đều cho thấy ý tứ của người hát, mỗi ánh mắt, nụ cười đâu chỉ là làm duyên, mà còn ẩn ý bao điều muốn nói” - bà Chính cho biết.
Là học trò của bà Chính, anh Phạm Văn Trình, cán bộ Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) vẫn thường gọi “cô giáo” với cái tên “u Chính” thân thuộc. Anh là người đồng hành đi điền dã và học hát quan họ với bà ở các làng cổ Bắc Ninh từ 3 năm trước. Anh cho biết: “Khi được chứng kiến và biết về những gì u Chính đã làm, đặc biệt là khối tư liệu khổng lồ của bà trong nhiều năm qua mới thấy được sự công phu như thế nào. Đi về Bắc Ninh, hai cô trò thường quên ngủ, quên ăn”. Anh kể, một lần về Bắc Ninh, trên đường đi bà Chính nhận được tin cụ Ngô Thị Lịch, nghệ nhân quan họ làng Diềm qua đời. “U Chính là người mạnh mẽ nhưng lúc nghe các liền anh, liền chị hát “Chuông vàng gác cửa Tam Quan - Người ơi người ở đừng về” để truy điệu cụ Lịch thì tôi thấy u khóc nấc lên. Trước đó, tôi chưa thấy u khóc bao giờ”. Có lẽ vì thế, với một người trẻ như anh Trình, về với quan họ, không chỉ được học các làn điệu mà còn thấy được cái sâu xa, ý tứ trong đường ăn nết ở: “Tiếc thay cành quế non vời/ Những lời quan họ nói biết đời nào quên/ Dẫu rằng lở núi Tản Viên/ Cạn sông Tô Lịch không quên nghĩa người/ Nghĩa người em để trong cơi/ Nắp vàng đậy lại để nơi mình nằm/ Một ngày ba bảy lần thăm…”.
Trong suốt 40 năm gắn bó với quan họ, tư liệu mà bà Nguyễn Như Chính có được là hàng nghìn băng ghi âm, video cũng như ghi chép về lời quan họ cổ. Bà tâm niệm “kho báu” ấy để truyền lại cho những ai thực sự muốn học, thực sự yêu quan họ. Gần đây nhất, bà cùng với Câu lạc bộ Tri âm tri kỷ tổ chức thi hát quan họ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, hỗ trợ nhóm Chèo 48h tổ chức workshop về quan họ. Khi chứng kiến nhiều bạn trẻ có niềm say mê văn hóa truyền thống, bà không ngại ngần chia sẻ những hiểu biết của mình. Ngoài ra, bà còn dạy hát quan họ bằng cách kết nối với nhiều câu lạc bộ, đến các trường học, di tích lịch sử…
“Quan họ là lội suối, trèo non” - bà Chính thường nói như vậy. Hà Nội về Bắc Ninh khoảng 30 cây số, nếu đi đến cuối tỉnh thì khoảng 45 - 50km. Bà thuộc làu các con đường, hàng quán, cây xăng ở Bắc Ninh. Ngày nào cũng vậy, sáng đi Bắc Ninh, chiều về lo việc nhà, việc câu lạc bộ, tối dạy học, đi hát, đi diễn... “Đam mê trước hết là thỏa mãn mình, thứ hai là đam mê của mình có ý nghĩa. Mình được các cụ truyền lửa vô điều kiện. Nếu như mình không khẩn trương thì các nghệ nhân sẽ đi mất. Nên mình phải “guồng” chân lên!” - bà Chính tâm niệm.