Nhà máy điện đầu tiên ở Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến| 26/02/2023 09:45

(HNMCT) - Sau khi chiếm được Hà Nội, năm 1884, Công sứ Pháp Bonal chủ trương làm đường xung quanh hồ Gươm, biến nơi đây thành khu trung tâm, quy hoạch lại khu vực “36 phố phường”, xây dựng khu phố mới phía đông và nam hồ Gươm theo kiểu đô thị phương Tây. Ngoài ra, ông ta đã tính đến việc xây một nhà máy điện.

Nhà máy đèn Bờ Hồ xưa. Ảnh: Tư liệu

Ngày 6-12-1891, Công ty Điện khí Đông Dương làm lễ khởi công xây dựng nhà máy điện đầu tiên trên khu đất vốn trước đó là Khách sạn Lữ gia (Hotel de la Brigade). Vì tiền đầu tư cho nhà máy rất lớn nên thành phố đã hỗ trợ công ty mỗi năm 10.000 franc trong thời gian 4 năm. Khi nhà máy gần hoàn thành, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra. Tác giả Claud Borrin kể lại trong cuốn “Bắc Kỳ xưa” (Le Vieux Tonkin 1890 - 1894) là Tết năm 1894, Toàn quyền Đông Dương De Lanessan (1891 - 1894) tổ chức nhiều trò chơi quanh hồ Gươm cho dân chúng giải trí. Lúc này, nhà máy điện chạy bằng dầu sắp hoàn thành nên Lanessan cho chạy thử một tổ máy phát để lấy điện chiếu đèn pha lên trời. Vệt sáng thẳng đứng trong bóng đêm hồ Gươm khiến dân chúng Hà Nội vô cùng kinh ngạc. Đầu năm 1895, nhà máy hoàn thành. Trong cuốn “Công cuộc thực dân của Pháp ở Đông Dương” (La colonisation Francaise en Indochine), Toàn quyền Đông Dương De Lanessan viết: “Ngày 5-1-1895, hôm trước của ngày tôi về nước,  tôi vui mừng chứng kiến việc thử lần cuối các máy móc, một vài ngày sau đó điện thắp sáng sẽ hoàn toàn đi vào vận hành”. 

Dân số Hà Nội năm 1897 chỉ có 30.000 người. Do công suất ban đầu của Nhà máy đèn Bờ Hồ khá thấp nên điện chủ yếu để cung cấp cho tòa đốc lý, ngân hàng, bưu điện, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, nhà riêng các quan chức trong đó có nhà của viên Phó Toàn quyền Đông Dương (nay là  trụ sở Báo Nhân Dân) và để thắp đèn đường. Ban đầu, cột đèn chôn giữa đường, sau khi có ô tô mới chuyển lên hè. Vì thấy điện để thắp đèn nên dân chúng gọi nôm na là Nhà máy đèn Bờ Hồ. Trước khi đèn đường được thắp bằng điện, đường phố Hà Nội đã có đèn dùng dầu hỏa. Sở Lục lộ cho dựng cột đúc bằng gang, trên đỉnh có hộp kính và để đèn trong đó. Xẩm tối, công nhân bắc thang đổ dầu và châm lửa, sáng lại đi tắt. Cùng với đèn dầu, một số tuyến đường chính còn thắp bằng khí metal, gọi là đèn hồ quang. Tối tối, công nhân cho đất đèn vào thùng sắt dưới chân cột rồi đổ nước, phản ứng hóa học xảy ra đẩy khí metal lên mạng kim loại nằm trong hộp kính. Sau đó họ châm lửa, ánh sáng đèn hồ quang tỏa ra trên diện tích rộng hơn đèn dầu. 

Trong phụ lục báo cáo “Tình hình Đông Dương 1897 - 1901 của Toàn quyền Paul Doumer” (P.Doumer.Situation de L’Indochine 1897 - 1901”, tính đến ngày 1-1-1897, Hà Nội có 55 đèn đường hồ quang và 584 đèn dầu hỏa ở một phần khu phố cổ và ngoại thành. Cũng tính đến ngày này, Hà Nội có 523 bóng đèn đường thắp bằng điện. Cột đèn làm bằng sắt thanh đan chéo tán rive, chân cột to hơn đỉnh cột và đỉnh cột có thanh sắt đua ra đường để lắp bóng đèn tròn. Sợ nước mưa làm nổ bóng, người ta gắn cái chụp hình tròn lên trên. 

Cũng trong báo cáo này, Paul Doumer tự hào viết rằng: “Đèn điện trong hệ thống chiếu sáng của nhiều thành phố lớn ở nước Pháp sẽ phải ghen tỵ với thủ phủ của Bắc Kỳ”. Sau đó, nhà máy có thêm 2 tổ máy phát điện, công suất lớn hơn nên có thể đáp ứng nhu cầu dân sinh. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ XX, điện chủ yếu vẫn dành cho công sở, khách sạn và Nhà hát Lớn cùng 2.665 người Pháp dân sự sống ở phía đông và phía tây hồ Gươm. Sau khi nhà máy nâng công suất lần thứ ba thì mới đủ cung cấp cho người Việt Nam. Lúc này, dân số thành phố là 120.000 người. Tàu điện không sử dụng điện của Nhà máy đèn Bờ Hồ, điện để vận hành phương tiện này là một trạm phát riêng đặt ở  Quảng trường Négrier (nay là tòa nhà Hàm cá mập). Năm 1925, nhà máy điện dùng than được xây dựng ở Yên Phụ. Năm 1928, hai tổ máy đã phát điện nên Nhà máy đèn Bờ Hồ dừng hoạt động.

Có người cho rằng, câu “nhà quê” mà ngày nay là thành ngữ ra đời từ năm 1930, khi một số nhà báo dựng nên nhân vật Lý Toét. Sau đó, nhân vật này xuất hiện qua các biếm họa, như biểu tượng của những thứ hủ lậu, phong kiến ngược hẳn với văn minh. Nhìn máy nước, ông ta hỏi: “Cái bia gì đây?”. Nhìn bóng đèn điện, Lý Toét phê phán: “Sao lại treo ngược?”. Tuy nhiên, thành ngữ này ra đời sớm hơn, từ cuối thế kỷ XIX, khi các nhà máy điện ở Hà Nội, Hải Phòng được xây dựng. Ban đầu, nó chỉ mang ý nghĩa phân biệt, thành thị có điện và nước máy, còn nông thôn thì không, chứ chưa mang ý nghĩa tiêu cực như quan niệm thời nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà máy điện đầu tiên ở Hà Nội