Hà Nội 360

Nhớ một thời Hiệu sách nhân dân

Nguyễn Trọng Văn 12/08/2023 - 06:44

Hồi còn học cấp I, tôi có một “tật xấu” là cứ vào ngày chủ nhật là dành cả buổi sáng để tha thẩn trong Hiệu sách nhân dân. Cái tật này chỉ bị mất đi khi Hiệu sách nhân dân không còn tồn tại nữa.

hieu-sach.jpg
Hiệu sách nhân dân Ba Đình trên phố Quán Thánh giờ là một cửa hàng bán cà phê.

Cứ tầm 5h chiều hằng ngày, tôi lại ra vườn hoa Hàng Đậu để tập thể dục. Tôi thường chọn chỗ đối diện với Hiệu sách nhân dân Ba Đình cũ. Giờ thì hiệu sách ấy đã có “chủ mới”. Nghĩa là Công ty Cổ phần sách Hà Nội đã cho người khác thuê địa điểm để kinh doanh cà phê. Cách đây hơn mười năm, việc kinh doanh sách bắt đầu đi xuống nên ngoài sách, người ta đã bán thêm các mặt hàng phục vụ học sinh. Nào giấy bút, ba lô, nào đồ chơi trẻ em và cả đồng hồ treo tường. Dịp cuối năm còn bán thêm lịch năm mới.

Có bận, tôi ghé vào uống ly cà phê để nhớ lại thuở huy hoàng của hiệu sách - nơi từng là “thiên đường” của bọn trẻ thích đọc sách chúng tôi. Hồi đó, có lần tôi gặp một cậu bạn trạc tuổi nhưng trông khá bảnh chọe trong hiệu sách. Bạn đó tên là Minh, nhà ở phố Đội Cấn. Sáng ấy, Minh mặc quần soóc màu xanh, áo sơ mi trắng giắt trong quần, đi đôi ba ta trắng, đầu tóc gọn gàng, rẽ ngôi. Rõ là một thằng con nhà khá giả. Ban đầu tôi không ưa vì thấy Minh “sang” hơn mình, nhưng rồi thấy cậu ta cứ nghênh nghếch mắt ngó vào cuốn sách thì tôi dần có thiện cảm.

Vậy là chúng tôi quen nhau, hằng tuần hay gặp nhau. Có hôm, chúng tôi cùng đến hiệu sách Quán Thánh trùng khít giờ như hẹn vậy. Minh vẫn thế, vẫn ăn mặc bảnh chọe. Tôi thì lếch thếch, có gì mặc nấy. Minh bảo: “Mày còn trẻ con mà già như ông lão vậy”. Tôi vặn lại: “Mày bảo tao già ở điểm nào?”. “Thì đấy”, thằng Minh xì môi: “Mày toàn xem truyện người lớn. Truyện yêu đương nhăng nhít ấy”. Rồi nó nghiêm mặt: “Mày đọc sách ấy bố mẹ mày không cấm à?”. Tôi cãi: “Tao có xem sách yêu đương nhăng nhít đâu. Tao đọc sách văn học mà”. Minh không nói nữa, chìa cho tôi xem cuốn sách mà cậu vừa mua. Đó là cuốn “Chiếc đồng hồ mạ vàng” của Liên Xô. Bị chạm nọc, tôi nhờ cô bán sách lấy cho cuốn “Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia” của tác giả người Pháp Yan Larri. Tôi chìa cho nó xem. Minh gật gật đầu rồi bảo: “Tao với mày sang bên vườn hoa ngồi đọc đi”. Tôi đồng ý vì vẫn còn sớm, nhưng chủ yếu là muốn xem Minh đọc sách thế nào.

Chúng tôi cùng ngồi xuống chiếc ghế có tựa lưng, được làm bằng những thanh bê tông ghép lại, không ai nói với ai mà chăm chú đọc. Nửa tiếng rồi hai tiếng trôi vèo. Tôi bị cuốn hút vào câu chuyện kỳ lạ khi giáo sư Enotov nghĩ ra một loại thuốc làm con người trở nên bé tí khi uống phải. Hai cậu bé Karik, Valia vốn nghịch ngợm nên mò vào phòng thí nghiệm của vị giáo sư già để khám phá, vô tình uống phải thứ nước khiến người bé đến nỗi hai cậu có thể leo lên lưng một chú chuồn chuồn đậu bên cửa sổ. Chú chuồn chuồn bay đi và đưa hai cậu bé nghịch ngợm ấy xuống bãi cỏ.

Chợt tôi thấy giọng Minh hơi nghèn nghẹn, nói rằng mình rất thương nhân vật trong truyện. Rồi Minh đứng dậy, bảo: “Tao với mày đi tìm chiếc đồng hồ mạ vàng bị đánh cắp đang giấu đâu đó đi”. Tôi bảo: “Ơ, chuyện này ở tận Liên Xô kia mà?”. Thằng Minh quả quyết rằng chiếc đồng hồ mạ vàng ấy đang giấu ở dưới chân cầu trượt trong vườn hoa này. Mọi người không tìm thấy bởi vì tuyết đang phủ dày. Rồi Minh đi tới cầu trượt, kiên nhẫn ngó nghiêng tìm kiếm.

Tôi như bị “lây” Minh nên cũng đứng dậy chạy tới chỗ đám cỏ, nằm phủ phục, căng hai con mắt tìm Karik và Valia xem chúng nấp trong bụi cỏ nào. Chợt Minh cười ré lên sau lưng tôi, bảo: “Xem truyện phải như thế chứ”. Rồi nó giảng giải: “Bố tao là giáo viên dạy văn cấp 3 mà. Bố tao nói: Con đọc sách thì hãy tập trung vào từng trang sách. Tập trung như nhập vào nội dung ấy thì mới thấy hết ý nghĩa mà tác giả đã viết ra. Có coi mình cũng là một nhân vật nào đó trong truyện thì mới thấy hấp dẫn”.

Đúng là đọc sách không chỉ vì thích mà phải chăm chú và dành hết tình cảm thì mới thấy sách hay, có ý nghĩa. Cách đọc sách mà bố Minh dạy xem ra bây giờ vẫn còn đúng.

Tôi còn nhớ, có những buổi tha thẩn trong hiệu sách cả buổi mà không mua cuốn nào bởi hôm đó mẹ đi công tác nên không có tiền mua. Tôi đã nhờ cô bán hàng lấy cho một cuốn, rồi hơi lui về cạnh quầy để đọc “trộm”. Khi cô bán hàng nhắc, hỏi có mua không, tôi làm ra vẻ chưa ưng ý mà đưa trả. Còn những tháng năm đi sơ tán, cứ chủ nhật là tôi cuốc bộ vài cây số từ nơi sơ tán ra phố huyện rồi vào Hiệu sách nhân dân để mua hoặc đọc “trộm”. Cứ thế đến tầm cơm trưa lại cuốc bộ về nơi ở.

Vừa rồi, tôi vào quận Hà Đông thăm bà cô. Tôi như reo lên khi thấy trên phố Quang Trung có một cửa hàng có tấm bảng to dài đề dòng chữ “Hiệu sách nhân dân”. Tuy thất vọng vì nơi này đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác, họ cứ để tấm biển treo nguyên như thế “để chắn nước mưa hắt vào”, nhưng chỉ hàng chữ "Hiệu sách nhân dân" thôi cũng đủ đưa tôi trở về với tuổi thơ của mình...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ một thời Hiệu sách nhân dân