''Nó bom vào xênh phách hãm hát Khâm Thiên''

Nguyễn Ngọc Tiến| 23/12/2022 06:22

(HNMCT) - Đó là một câu trong bài viết về phố Khâm Thiên sau trận bom cuối năm 1972 của nhà văn Nguyễn Tuân đăng trên Báo Hànộimới ngày 7-1-1973.

Cảnh đổ nát ở phố Khâm Thiên sau trận đánh bom B52 của Không quân Mỹ đêm 26-12-1972. Ảnh: Tư liệu

Phố Khâm Thiên bao gồm các làng cổ mà nay là 26 ngõ: Tương Thuận, Trung Tiền, Trung Tả, Thổ Quan, Lệnh Cư, Văn Chương, ngõ Chợ... Ngõ Lệnh Cư có di tích Bãi Trận và nơi gõ lệnh tiến quân theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa mùa xuân năm 40. Ngõ Thổ Quan có ngôi đền thờ ba chị em họ Đào là nữ tướng của Hai Bà Trưng.

Thời Lý, vua Lý Thái Tông đã cho xây Tư Thiên Giám (nay là ngã năm ở cuối phố Khâm Thiên) có nhiệm vụ theo dõi thời tiết, thiên văn và nghiên cứu lịch pháp. Đây được coi là đài khí tượng đầu tiên của Việt Nam. Tư Thiên Giám tồn tại đến thời Hậu Lê. Năm 1802, vua Gia Long chuyển kinh đô vào Huế thì Tư Thiêm Giám xuống cấp rồi đổ nát. Sau này, khi làm đường, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của đài khí tượng này. Ngõ Văn Chương là nơi vua Lê Thánh Tông đã từng sống với mẹ những ngày còn thơ ấu. Ở ngõ Chợ còn có nơi thờ tổ của giáo phường ca trù Khâm Thiên. Hằng năm, vào ngày giỗ các nghệ nhân tập trung về đây hát dâng.

Nhưng Khâm Thiên còn là nơi diễn ra một sự kiện đặc biệt; Ngày 17-6-1929, tại ngôi nhà 312, 20 đại biểu các tổ chức cộng sản ở Bắc Kỳ đã họp ở đây và quyết định thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuộc họp cũng thông qua tuyên ngôn, cương lĩnh, điều lệ và bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm các đồng chí: Ngô Gia Tự, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc...

Cuối thế kỷ XIX, vùng đất cổ này hình thành phố Khâm Thiên, tuy nhiên, phố vẫn là con đường đất, hai bên có nhiều nhà lá xen với ao hồ. Đầu thế kỷ XX, đường sắt bắc qua đầu phố, sau đó xuất hiện cơ sở của hãng Shell (còn gọi là Sở Dầu), dân đầu phố đông hơn song thực sự Khâm Thiên phát triển khi các nhà hát ca trù chuyển từ Thái Hà sang. Các nhà hát ca trù này trước đó ở phố Hòe Nhai, Hàng Giấy, vì tiền thuê nhà quá cao và cảnh sát Pháp gây khó cho khách khi hát về muộn nên họ chuyển xuống Thái Hà (thuộc tỉnh Hà Đông). Ở đây, các nhà hát bị đám côn đồ bắt nộp tiền bảo kê, chòng ghẹo ca nương nên đã chuyển sang thuê ở Khâm Thiên. Cuối những năm 1920, Khâm Thiên đã có nhiều nhà hát ca trù và trong những năm 1930 thì tăng lên gần 40 nhà hát cùng với 6 sàn nhảy. 

Xã hội thay đổi, số nhà hát theo kiểu truyền thống giảm dần. Phần lớn chuyển sang bán rượu chai và thuốc phiện (thời kỳ đó, chính quyền cho bán và hút thuốc phiện). Ca nương ăn mặc tân thời chỉ thuộc vài bài, khi có khách muốn nghe ca trù hát theo lối cổ thì chủ “đi mượn” ở các quán khác. Khâm Thiên là bức tranh tương phản của đô thị khi đó, mặt phố phấn son thơm nức nhưng trong các ngõ là dân lao động khốn cùng. Tối tối, khách tấp nập, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ và các nhà văn làm báo đến đây nghe  đàn hát, uống rượu và hút thuốc phiện. Có tối ham vui họ còn kẻ vẽ ma két tại quán. Sau năm 1954, Khâm Thiên không còn nhà hát, tiệm nhảy, tiệm thuốc phiện, phố không còn sôi động, lặng lẽ như bao con phố khác ở Hà Nội.

Tháng 4-1972, Mỹ quay lại đánh bom miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Nhiều con phố nội thành, các làng ngoại ô không có doanh trại quân đội, không có nhà máy xí nghiệp, xa cầu  cống, không phải là mục tiêu của máy bay Mỹ nhưng cũng trúng bom. Đỉnh cao của tội ác là 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, bom B52 rơi xuống các khu dân cư Giáp Bát, Tương Mai, làng Tám, Phương Liệt, Bệnh viện Bạch Mai, An Dương, Cổ Loa... Tàn  khốc nhất là phố Khâm Thiên. Đêm ngày 26, bom B52 đã giết hại 278 người, 290 người bị thương và đau đớn là 178 trẻ mồ côi, có trẻ mồ côi cả cha lẫn  mẹ. 

Ngay sau ngày tang tóc, nhiều bài viết lên án tội ác của Mỹ đăng trên các ấn phẩm, trong đó có bài “Phố Khâm Thiên, một mục tiêu quân sự hàng đầu của Tổng thống Tổng tư lệnh Hoa Kỳ” của nhà văn Nguyễn Tuân.

Nguyễn Tuân có một thời gian quen thuộc với phố này, ông gọi Khâm Thiên xưa là “Khu lao động nghệ thuật của các danh sĩ, danh kỹ”. Và Nixon “đã bom vào tiếng hát ả đào của dân tộc, nó bom vào xênh phách hãm hát Khâm Thiên”. Ông điểm lại những người ông biết trong thời gian đến đây hát cô đầu cùng các văn sĩ và lo lắng cho bà Thành bán trầu cau, bà Hành chuyên đưa bánh giò cho vợ ông và sau 1954 là bà Doanh đổi chổi lúa lấy nước gạo nhà ông về nuôi lợn nái, không biết họ còn sống hay chết bom. Ông vào ngõ Chợ và biết nghệ nhân có giọng hát vàng Quách Thị Hồ còn sống vì bà đi sơ tán. Nhà bà “cổng khóa, nhưng trong vườn vẫn kiều diễm một luống thược dược tổ ong màu huyết dụ”. Các bà hát ca trù vang danh một thời là “bà Bốn, bà Năm, bà Phúc Hậu, các bà Tích Tâm Niệm không sao”, còn bà Tình thì “sôi lên như mỡ chả cá trên than hoa”.

Nửa thế kỷ đã qua, Khâm Thiên ngày nay đã khác, đâu đó có thể quên nhưng với người dân Khâm Thiên, nỗi đau dù có nguôi ngoai nhưng chẳng ai quên và không bao giờ quên vì ngày 26-12-1972 đã đi vào lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Nó bom vào xênh phách hãm hát Khâm Thiên''