“Cái răng cái tóc là góc con người”
Theo “Lịch sử Việt Nam”, tập 1 (NXB Khoa học xã hội, 1971, tr. 48) thì “người Việt thời Hùng Vương - thời dựng nước buổi đầu tiên, ai cũng xăm mình. Ai cũng búi tó hoặc cắt tóc ngắn (cũng có người bỏ xõa tóc hoặc tết đuôi sam)”. Có tóc ngắn, tức là có cắt tóc, có dụng cụ làm tóc, dù còn thô sơ.
Truyện “Chim trĩ trắng” trong sách “Lĩnh Nam chích quái” chép: “Chu Công hỏi: Tại sao dân Giao Chỉ cắt tóc ngắn, để đầu trần, xăm mình, đi chân đất, như vậy là cớ làm sao? Sứ thần đáp rằng: Cắt tóc ngắn để tiện đi trong rừng. Xăm mình để giống hình Long Quân, bơi lội dưới sông loài giao long không phạm tới. Đi chân đất để tiện leo cây. Ău trầu cau để trừ ô uế cho nên răng đen”.
Cho đến đầu thế kỷ XX, đàn ông Việt vẫn búi tó, chít khăn. Phải đến năm 1905, phong trào Duy Tân ra đời, cuộc cách mạng về tóc mới bắt đầu diễn ra sôi nổi. Đây là cuộc vận động cải cách xã hội, “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” với tâm điểm là “đoạn tuyệt với các lạc hậu cũ”, hô hào đàn ông Việt Nam “bỏ búi tó và cắt tóc ngắn”. Dân chúng có lúc đã gọi những người tham gia phong trào này là “Giặc tông đơ phong trào húi hè!” hoặc “Giặc đồng bào”.
Phong trào “Bỏ búi tó, cắt tóc ngắn” khởi từ miền Trung, từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ra Huế và được dân chúng khắp nơi hưởng ứng nhiệt liệt. Thanh niên, học sinh từng đoàn, từng nhóm đứng trên mọi nẻo đường với chiếc kéo, chiếc tông đơ trên tay, ca vang bài “Húi hè!”: “Húi hè, húi hè! Bỏ cái ngu này, bỏ cái dại này. Ngày nay ta cúp, ngày mai ta cạo, Húi hè!”.
Chí sĩ Nguyễn Quyền (1886-1941), một trong những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục có bài thơ “Cắt tóc”: “Phen này cắt tóc đi tu/ Tụng kinh độc lập ở chùa Duy Tân...”.
Kim Liên - Làng nghề cắt tóc
Dù vẫn còn nhiều tranh cãi về thời điểm ra đời của “ngành tóc” ở Việt Nam nhưng các nhà tạo mẫu tóc và giới thợ tóc đều thống nhất coi làng Kim Liên (Hà Nội) là nơi phát tích của nghề làm tóc. Từ rất lâu, người dân làng Kim Liên đã đi khắp nơi hành nghề “vít đầu thiên hạ”. Có lúc, có đến 70% đàn ông trong làng làm nghề cắt tóc.
Giai thoại làng nghề Kim Liên còn truyền rằng, nghề “vít đầu vít cổ thiên hạ” của làng có được là do thầy địa lý Tả Ao yểm mạch ở Gò Sắp Ân. Nếu đúng như vậy thì nghề cắt tóc ở Kim Liên đã có lịch sử hơn 600 năm (?), vì thầy địa lý Tả Ao sống vào giữa thế kỷ XV.
Từ truyền thuyết ấy, cứ vào ngày 15, 16 tháng Ba hằng năm, dân làng Kim Liên cùng người làm ngành tóc lại tề tựu về đình Kim Liên để tri ân tổ nghiệp. Cũng đã thành truyền thống, cứ đến ngày 15 tháng Ba, Hội Làng nghề cắt tóc Kim Liên lại tổ chức Hội thi “Tay kéo vàng”. Ban đầu, hội thi chỉ dành cho những tay kéo là người làng Kim Liên, sau thì chào đón cả những thợ cắt tóc đến từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, năm 2016 có hơn 600 tay kéo về dự thi.
Nhiều người ở khắp đất Hà thành đến nay vẫn còn nhớ những câu thơ có ý tôn vinh người làm nghề cắt tóc: “Làm thân con gái chẳng biết lo/ Thợ tóc không lấy, lấy học trò/ Kéo lớn kéo to dăm bảy bộ/ Còn hơn kinh sử dăm bảy kho”.
Hai người thợ cắt tóc đặc biệt
Người viết bài này có duyên may được quen biết hai người thợ cắt tóc đặc biệt: Cụ Nguyễn Công Ích và anh Đào Xuân Tân.
Cụ Nguyễn Công Ích là chiến sĩ cảnh vệ của Bác Hồ những năm 1950, 1960. Do khéo tay nên cụ được đảm nhiệm luôn việc cắt tóc cho Bác. Mỗi lần cắt tóc xong, Bác Hồ đều tự múc nước gội đầu, còn cụ gom tóc của Bác lại, được 8 lọ, cất đi. Trong những năm làm nhiệm vụ bảo vệ phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Paris, cụ mang theo một ít tóc của Bác, để trong túi áo ngực như bùa hộ mệnh. Ngày Bác mất, cụ giở nhúm tóc của Bác ra nhìn, ngồi lặng lẽ khóc. Tám lọ tóc vô giá ấy hiện được cất giữ ở Bảo tàng Công an. Cụ Ích đã về “thế giới người hiền” theo Bác Hồ cách đây hai năm. Cụ mất được ba hôm thì cụ bà cũng theo chồng về cõi.
Anh Đào Xuân Tân là Cửa hàng trưởng Cửa hàng cắt tóc số 6 phố Tràng Thi. Bố anh, cụ Đào Xuân Đào đã từng phục vụ cắt tóc cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được chụp ảnh chung với Thủ tướng. Đến anh lại được chọn chuyên cắt tóc cho Thủ tướng. Mỗi khi tóc Thủ tướng đến cữ phải cắt, anh được nhân viên bảo vệ gọi điện mời đến. Vẫn bộ đồ nghề quen thuộc hằng ngày, chỉ có điều trước khi cắt đã được Tân dùng cồn sát trùng nhẹ rồi mới lách cách bấm tỉa. Con trai anh Tân theo nghề bố, là đời thứ tư trong gia đình này làm thợ cắt tóc.
Thời bao cấp, quanh Bờ Hồ có 5 hiệu cắt tóc quốc doanh: 51 Tràng Tiền, 36 Lê Thái Tổ, 15 Hàng Khay chuyên cắt tóc nam, 33 Hàng Khay chuyên cắt tóc nữ và 53 Đinh Tiên Hoàng. Đến năm 1979, hiệu cắt tóc 51 Tràng Tiền đổi chỗ cho Công ty Phát hành sách, chuyển về số 6 Tràng Thi. Sau hơn 40 năm, đến giữa năm 2021, cửa hàng cắt tóc mậu dịch duy nhất cũng giải thể, anh Tân mở hiệu cắt tóc riêng trong con ngõ bên cạnh cửa hàng cũ.
Ngày nay, hiệu cắt tóc mở ra khắp nơi, có hiệu trưng biển “Fashion Hair Academy” (Viện Hàn lâm Tóc thời trang) với kỹ thuật phục vụ khá cầu kỳ, tiền công ở mức “trên trời”. Nhưng đây đó vẫn có những hàng cắt tóc vỉa hè bám vào bờ tường, hàng rào mà “tác nghiệp” với giá bình dân. Dù ở cấp độ nào, những người thợ tóc vẫn nhớ câu chất lượng là hàng đầu. Nghề tóc không gian dối được, không làm đẹp được cho người thì đói.
Từ năm 2015 đến nay, Liên hiệp Các câu lạc bộ ngành tóc Việt Nam tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đã liên tiếp tổ chức Đại lễ tri ân tổ nghiệp.