Đại Áng là xã làm điểm xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội từ năm 2010. Phát huy thành quả đạt được, xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Hiện, trên địa bàn xã Đại Áng có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: Hợp tác xã Nón lá Vĩnh Thịnh; Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng với mô hình nuôi cá “sông trong ao”… Xã có 5 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố được đánh giá.
Ông Nguyễn Bá Ky, Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Thịnh cho biết: Thôn Vĩnh Thịnh có nghề làm nón đã được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống. Hiện, làng nghề tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập đạt 6-7 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế phát triển, người dân rất phấn khởi, chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Xã Ngọc Hồi nằm trong quy hoạch phát triển đô thị trung tâm của Thủ đô. Trên địa bàn xã có Cụm công nghiệp Ngọc Hồi thu hút hơn 40 cơ sở công nghiệp vào sản xuất. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã đạt hơn 1.551 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2021…
Theo Chủ tịch UBND xã Ngọc Hồi Nguyễn Viết Kiền, kinh nghiệm của địa phương là bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nghị quyết Đại hội Đảng các cấp để đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện ở địa phương mình. Quá trình triển khai, xã tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ lớn, khó, phức tạp, nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ…
Xã Ngũ Hiệp nằm trong quy hoạch phát triển đô thị của Thủ đô, có nhiều dự án lớn của trung ương, thành phố nằm trên địa bàn. Đến nay, cơ cấu kinh tế của xã nông nghiệp chỉ còn 2,2%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiến 27,4%; thương mại dịch vụ chiếm 70,45%. Trên địa bàn xã có 54 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả, giá trị sản xuất trên địa bàn đạt hơn 1.000 tỷ đồng…
Theo ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng Chuyên trách, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố, Trưởng đoàn thẩm định cho biết: Cùng với kết quả thực hiện 19 tiêu chí đạt cao, quá trình xây dựng nông thôn mới, cả 3 xã không nợ xây dựng cơ bản; không phức tạp về an ninh trật tự theo quy định của Bộ Công an; tỷ lệ hài lòng của người dân rất cao… Cả 3 xã trên đều đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ để thành phố xét, công nhận xã nông thôn mới nâng cao năm 2022. Tuy vậy, cả 3 xã cần hoàn thiện lại hồ sơ đầy đủ hơn để thành phố làm cơ sở xét, công nhận.
Tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Đoàn thẩm định thành phố, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban hỗ trợ các xã hoàn thiện báo cáo sắc và chắc, làm bật kết quả sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới.
Trước đó, tháng 12-2022, Đoàn thẩm định nông thôn mới của thành phố Hà Nội đã đánh giá tại 6 xã của huyện Thanh Trì là: Yên Mỹ, Duyên Hà, Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh. Kết quả, cả 6 xã đều đạt đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.