Hà Nội văn

Thợ đóng giày

Vũ Đảm 27/05/2024 - 06:18

Dù đã có thâm niên mười hai năm trong cái nghề đặc biệt - nghề đóng giày cho những bệnh nhân phong, nhưng Công cũng phải cười dở khóc dở khi mà đám trẻ vừa nghe anh hỏi thăm đường vào nhà một người bệnh phong đã ù té chạy, hét toáng lên: “Hủi chúng mày ơi! Chạy đi, chạy đi kẻo lây!”.

Thế là cả làng già trẻ, trai gái đổ xô ra nhìn Công. Họ tưởng anh là "con hủi", đến khi anh vén chân tay, vạch cả áo lên cho mọi người xem, họ thấy anh lành lặn mới không xua đuổi.

z5458021799144_38e5762cadd35cc077a20dcbf760af07.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Một người hỏi:

- Anh tìm ai?

- Dạ, cháu nghe nói ở bản có một gia đình có hai người bị bệnh phong nên đến đây để đóng giày cho họ.

- Ồ, thế thì họ ở cái bản bên kia!

Công cảm ơn rồi lên xe máy, tìm đường sang bản bên. Con đường sau mưa trơn trượt làm anh phải đi thật chậm.

Đúng thật là không có cái nghề nào giống cái nghề của anh, đi tìm bệnh nhân để gặp, để thuyết phục họ đồng ý đóng giày miễn phí rồi lại trực tiếp hay gửi ai đó mang giày đến tận nhà cho họ. Những ngày đầu mới vào làm việc ở xưởng đóng giày của bệnh viện phong, thấy vất vả, gian nan mà đồng lương lại thấp nên anh đã bỏ nghề. Một lần gặp lại đồng nghiệp cũ, Công được nghe câu chuyện về một bệnh nhân được đóng cho đôi giày mới đi hết đau, không còn cọ xát ứa máu như khi mang đôi giày cũ nữa, đã khóc rưng rức cảm ơn người đóng giày, biếu hẳn con gà mái hoa mơ, thế là Công lại lân la quay về xưởng. Thấy ba người thợ đang cật lực đóng cả một đống giày cho đủ các loại kích cỡ chân, cái cao, cái thấp, cái cụt cả bàn chân, cái cụt ngón, cái cụt lên cả đầu gối, anh sà vào làm giúp, rồi từ đấy quay lại với nghề cũ.

Công nhận thấy, hóa ra những đôi giày không chỉ giúp cho bệnh nhân phong đi vững vàng hơn trên mặt đất, không bị trầy xước, vật nhọn đâm vào chân mà còn giúp họ bớt tự ti với bệnh tật. Những đôi giày không bình thường được các thợ giày gửi gắm cả mồ hôi, công sức, tâm hồn của mình được bệnh nhân phong chào đón.

Nhiều bệnh nhân phong do mặc cảm đã che giấu đôi chân thương tật bằng cách đi chân đất mặc quần chùng trùm lên hoặc đi những đôi giày kín mít, không vừa với kích cỡ chân nên dễ gây thương tật, làm cho các vết lở loét nặng lên. Bây giờ đã có giày do chính những người thợ đo tỉ mỉ kích cỡ bàn chân rồi làm khuôn, đóng giày nên rất vừa ý họ.

***

Xế trưa thì Công tìm đến đúng nhà của bệnh nhân phong. Đôi vợ chồng ở cách xa bản, ngay dưới chân một quả núi. Người chồng bị phong ăn cụt hết nửa bàn chân trái, bàn chân phải còn lại hai ngón, còn người vợ thì chân phải bị cụt đến gần đầu gối, mắt phải bị ăn hõm vào. Trước khi vào nhà, Công đã hỏi thăm qua trưởng bản, được biết họ có một người con trai hiện đang làm công nhân mãi trong Nam.

Một lần người con trai dẫn người yêu về ra mắt bố mẹ, dù đã nói trước với cô gái về hoàn cảnh gia đình nhưng tận mắt chứng kiến căn bệnh phong của bố mẹ người yêu, cô gái không dám ở lại ăn cơm, nằng nặc đòi đi ngay trong ngày rồi nói lời chia tay. Vợ chồng họ khuyên con trai hãy đi biệt tích khỏi làng, đừng trở về nơi này nữa để không ai biết mình có bố mẹ là bệnh nhân phong thì mới có thể hy vọng lấy được vợ. Người mẹ còn nói, tốt nhất cứ bảo bố mẹ đã chết, thế là xong.

Công giới thiệu mình là người của bệnh viện phong trên tỉnh đến để đo chân, đóng giày cho hai người. Người chồng từ chối bảo chúng tao đi chân đất quen rồi, nay đi giày sẽ đau. Công giảng giải về lợi ích của việc đi giày sẽ làm giảm thương tật, vệ sinh hơn, ít bị nhiễm trùng. Vợ chồng người bệnh phong bảo:

- Chúng tao nghèo, chả có tiền mà đóng.

- Ồ không, đóng giày không mất tiền hai bác ạ!

- Thế mày cho tiền chúng tao đóng giày à?

- Dạ, tiền do tổ chức nhân đạo nước Hà Lan tài trợ ạ!

Công thuyết phục mãi hai vợ chồng vẫn không chịu đóng giày, cuối cùng đành dùng kế sách sụt sùi khóc, bảo rằng "cấp trên giao cho cháu nhiệm vụ đến đây để đóng giày cho hai bác, nếu không hoàn thành sẽ bị trừ lương hoặc buộc thôi việc". Sợ anh bị đuổi việc nên họ đồng ý đóng giày. Công mừng lắm, lấy thước đo ra đo, ghi chép tỉ mỉ vào cuốn sổ, rồi lấy cả điện thoại di động ra chụp ảnh đôi chân của vợ chồng người bệnh. Xong việc, Công xin phép ra về, hẹn hai tuần sau sẽ mang giày đến cho họ.

***

Công trực tiếp đóng giày cho vợ chồng bệnh nhân phong, đôi giày của người chồng thật đơn giản so với tay nghề của anh nhưng đôi giày của người vợ thì phức tạp hơn, anh phải làm thêm một ống chân giả cho người vợ. Anh làm cẩn trọng từng chi tiết, mong muốn giúp cho hai vợ chồng người bệnh có được một đôi giày thoải mái, an lành. Họ thật tội, vì mặc cảm mà phải dọn ra chân núi để sống trong ngôi nhà tuềnh toàng, không có điện, gia tài lớn nhất là mấy cái xoong cũ.

Đóng xong giày, Công lại đi xe máy gần 70km để đem giày cho vợ chồng họ. Người chồng xỏ giày, vừa vặn, đi đi lại lại mấy bước rồi ra hiệu cho Công cầm đôi giày của người vợ đi theo ông. Công nghĩ chắc vợ ông đang đi ra con suối để giặt giũ nên ông muốn dành cho vợ một sự bất ngờ. Nào ngờ chính Công lại là người bất ngờ. Người đàn ông đặt đôi giày của vợ lên một gò đất nói với Công:

- Vợ tao đang nằm ở dưới đó!

- Trời ơi, bác gái mất rồi?!

Người đàn ông rơm rớm nước mắt:

- Miệng lưỡi thiên hạ thật độc ác. Bà ấy chống nạng đi vào bản mua muối, họ bảo bà ấy bị hủi, đứng xa ra kẻo lây sang họ. Trên đường về bà ấy lao đầu xuống suối.

Công định giải thích bệnh phong không bị lây nhưng thấy người đàn ông khóc nức nở nên thôi. Một lúc, ông đưa Công trở lại ngôi nhà, còn ít rượu trong chai, ông rót ra hai cái ly sứt sẹo mời Công uống rượu suông.

- Mày là người tốt, đã đóng giày cho không chúng tao lại còn mang đến tận nơi.

- Đây là nhiệm vụ của cháu mà.

- Ờ, uống đi, tao biết mày sẽ đến nên tao đợi mày. Giờ thì tao yên lòng mà ra đi rồi.

Công nghĩ ông lại bỏ nơi này đi tìm nơi ở mới nên khuyên ông trở về ngôi nhà cũ trong bản mà ở. Người đàn ông bảo ngôi nhà đó để cho con, khi nào đất khách không còn cưu mang được nó nữa, nó sẽ trở về. Công móc ví, còn lại sáu trăm ngàn đồng đưa biếu người đàn ông nhưng ông từ chối, hỏi nếu có bật lửa thì cho ông một cái chứ bật lửa của ông mới bị hỏng bật mãi không lên lửa. May quá Công hút thuốc lá nên lúc nào cũng mang theo bật lửa, anh đưa chiếc bật lửa ga cho người đàn ông.

- Bao nhiêu tiền, tao trả?

- Thôi có đáng là bao, để cháu tặng bác!

- Ờ, mày có cái bụng biết thương người!

Uống xong ly rượu, tiễn Công ra về, người đàn ông trở vào trong ngôi nhà. Công dự tính sẽ đi vào trong bản, mua cho ông ít gạo, muối, rau, thịt rồi quay trở lại nhưng vừa đi được một đoạn ngắn, ngoái lại thì thấy căn nhà bắt đầu bùng cháy. Công vứt chiếc xe máy đổ ra đường rồi chạy lại ngôi nhà đang cháy, lao vào bên trong bế người đàn ông chạy ra. Người đàn ông gào lên:

- Đừng, hãy để tao chết! Tao muốn đi theo bà ấy!

Người đàn ông giãy giụa hòng thoát khỏi bàn tay của Công để chạy vào ngôi nhà đang cháy nhưng bị Công ôm chặt quá nên bất lực. Công bảo:

- Bác ra xe để cháu chở về thành phố!

- Để làm gì?

- Bác về ở với cháu, bác còn đôi tay, bác có thể học nghề và làm công việc đóng giày như cháu!

- Không, tao muốn theo bà ấy!

- Bác phải thương lấy con trai bác, rất có thể nó cũng sẽ chết khi thấy bố mẹ nó chết một cách thảm thương.

Công nhắc đến tình cha con làm cho người đàn ông nghĩ ngợi, rồi ông xiêu vẹo đi về phía chiếc xe máy của Công đang đổ kềnh ven đường. Tóc và quần áo của ông đã bị cháy sém vài chỗ nhưng đôi giày mới đóng thì vẫn còn nguyên vẹn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thợ đóng giày