Hà Nội văn

Thương sắc tàn phai

Ngọc Anh 07/04/2025 06:02

Mùa đến mùa đi như hẹn ước hằng năm. Tháng Tư, bằng lăng Hà Nội đã đỏ lá mà gió còn se sắt từng cơn.

Trong lòng tôi lại nhói lên một cảm xúc rưng rưng khó tả về một đời cây, hay một đời người, hay vì nỗi lo sợ mất mát trước thời gian chảy trôi quá nhanh.

minh-1.jpg
Minh họa: Nguyên Sa

Nhà tôi ở trong một con ngõ nhỏ ở Hà Nội. Giữa ngõ là cây bằng lăng đã nhiều tuổi. Từ ngày chuyển về sống ở con ngõ này tôi đã thấy cây bằng lăng lừng lững ở đó, thân cây rắn rỏi, cành lá xanh đầy sức sống.

Những ngày hè không phải đến trường, lũ trẻ con chúng tôi khi ấy lại ngồi dưới gốc cây chơi ô ăn quan, bắn chun hoặc nghe các bà các mẹ kể chuyện ngày xưa. Người lớn đăm chiêu mơ màng nhìn về quá khứ, mấy đứa nhóc thì miệng há hốc, nghệt mặt ra ngồi nghe với sự tò mò, lạ lẫm. Đó là câu chuyện thời kỳ kháng chiến đầy hào hùng hay những ngày gian khó nghèo đói trong giai đoạn đầu kiến thiết lại đất nước.

Có những tối mất điện, trong nhà nóng nực, chẳng ai bảo ai mà nhà nhà đều ra ngồi dưới gốc cây bằng lăng hóng gió. Quạt nan phe phẩy cùng làn gió đu đưa qua kẽ lá cuốn theo những tiếng cười, tiếng nói loang xa trong không gian về miền ký ức tuổi thơ đầy màu sắc.

Năm tháng trôi đi dần đã làm bong tróc lớp da sần sùi trên thân cây bằng lăng. Cây ngày một yếu đi, có cành mục ruỗng, có cành lại giòn gãy thiếu sức sống, cây bị sâu bệnh bào mòn từng chút một. Dù đã dùng nhiều cách, nhưng có lẽ đời cây cũng có giới hạn của mình. Cây bằng lăng ấy đã bị cưa đổ vào mùa đông năm nay. Thi thoảng, người dân trong ngõ vẫn như thói quen, lại đứng dưới chỗ gốc cây ngày xưa, ngước mặt lên nhìn, xòe tay đón những bông hoa nắng lập lòe. Nhưng hoa nắng không còn, trên đầu chỉ là khoảng trời trống trải.

Ngôi nhà có cây bằng lăng trước cửa là nhà của bác hàng xóm mà tôi yêu quý nhất. Bác là người Hà Nội gốc nên nói chuyện rất nhẹ nhàng, điềm đạm. Bác cũng rất khéo tay khiến lũ trẻ con chúng tôi luôn mê mẩn nhìn đôi tay của bác mỗi khi bác tỉa quả bưởi thành bông sen dịp Trung thu, hay lúc tay thoăn thoắt gấp lá, buộc lạt gói bánh chưng mỗi dịp Tết. Bác còn gấp cho tôi rất nhiều hạc giấy và vô số những ngôi sao xinh mỗi dịp tết thiếu nhi hoặc sinh nhật.

Nhưng giờ bác không còn nhanh nhẹn như xưa. Tay bác đã run run, nhăn nheo, lớp da mỏng bao bọc lấy bàn tay đầy gân xanh. Một năm hai ba lần bác phải nhập viện vì các vấn đề sức khỏe. Không chỉ bác đã già rồi mà những người dân sống trong con ngõ này cũng đã không còn dáng vẻ thanh xuân của những ngày xưa nữa. Họ đều đã qua tuổi trung niên, có người đã mừng thọ tuổi chín mươi, có người đã vĩnh viễn ở một thế giới khác.

Ngõ nhà tôi giờ hầu như chỉ còn người già và thi thoảng có tiếng trẻ con ríu rít mỗi cuối tuần hay dịp nghỉ hè khi những đứa nhỏ theo bố mẹ về thăm ông bà hoặc được gửi lại một thời gian. Lớp thanh niên trưởng thành chuyển dần ra khỏi ngõ đến những căn chung cư nơi có đủ loại dịch vụ tiện ích phù hợp với nhịp sống hiện đại.

Đôi khi tôi bần thần nhớ con ngõ của ngày xưa. Vẻ đẹp của thời gian phải chăng là vẻ đẹp của sự từng trải? Thời gian làm cho mắt người thêm sâu, cho tóc thêm bạc, cho lớp vôi tường dãy nhà tập thể bong tróc, bám đầy rêu. Tôi mê đắm trước vẻ đẹp mang màu hoài cổ ấy, vẻ đẹp của sự vật sắp đi đến chặng đường cuối. Nhưng trong lòng cũng đầy sự tiếc nuối, sợ sự chia ly vào một ngày không báo trước, như cây bằng lăng thân thuộc trong con ngõ nhỏ của tôi.

Cuộc đời thật lạ lùng, khi ta biết trân trọng cuộc sống, biết nói cảm ơn sự hiện diện của mỗi con người trong cuộc đời mình thì cũng là lúc phải tập nói lời tạm biệt. Thương lắm và cũng trân trọng lắm sắc tàn phai!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thương sắc tàn phai