Sinh năm 1972 tại làng nghề truyền thống đan cỏ tế thôn Lưu Thượng - nơi được coi là cái nôi nghề cỏ tế của xã Phú Túc, như nhiều thanh niên làng nghề, anh May sớm tham gia buôn bán nguyên vật liệu, gia công cho các công ty xuất nhập khẩu lớn khu vực phía Bắc. Làm nghề từ những năm 1990 khi tuổi đời còn rất trẻ, trải qua khó khăn, vất vả ban đầu, với sự năng động, nhạy bén của anh May, cơ sở không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, sản phẩm khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Từ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ban đầu, năm 2004, anh thành lập công ty, đưa nghề cỏ tế Phú Túc nổi tiếng khắp thị trường trong và ngoài nước. Công ty TNHH mây tre đan Phú Tuấn do anh làm chủ là một trong những cơ sở mây tre đan đầu tiên của địa phương xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ.
Sản phẩm chính của Công ty Phú Tuấn hiện nay được sản xuất từ bèo tây, cói, mây, tre như thùng đựng quần áo, sọt rác, lọ lục bình trang trí… Công ty của anh đang tạo việc làm cho 20-25 nhân công làm việc tại xưởng cùng hàng nghìn lao động thời vụ trong xã và khu vực lân cận như huyện Mỹ Đức, tỉnh Hòa Bình, Hà Nam… Sản phẩm của Công ty xuất khẩu ổn định tại các thị trường Mỹ, châu Âu và nhiều nước ở châu Á...
Hôm nay, tuy đã thành công nhưng anh May chưa quên những ngày đầu bỡ ngỡ tại sân chơi quốc tế. Anh kể: "Tôi sinh ra từ làng, vốn liếng tiếng Anh và hiểu biết về thương mại quốc tế, nhất là quy định về xuất nhập khẩu rất hạn chế. Nhưng chưa bao giờ tôi đầu hàng khó khăn, chưa biết thì học hoặc thuê người trợ giúp. Ngay cả lúc khó khăn về vốn, thị trường, nhân công... nhưng vừa quán xuyến công việc tôi vừa tranh thủ tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn của Đại học Thương mại về xuất khẩu; học thêm tiếng Anh"...
Mỗi lần đi nước ngoài xúc tiến thương mại, dù được hỗ trợ kinh phí gian hàng từ các bộ, ban, ngành nhưng chi phí đi lại, ăn ở tiêu tốn của anh và gia đình vài trăm triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ, nhưng chưa khi nào anh nao núng hay từ bỏ con đường đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương ra "biển lớn" bởi anh cho rằng, nếu tiếp tục gia công cho các công ty, tập đoàn xuất nhập khẩu thì không có cơ hội bứt phá, phụ thuộc về đơn hàng. Đã có giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái, hàng loạt đơn hàng thị trường truyền thống như Nga, Đông Âu bị cắt giảm nhưng nhờ kinh nghiệm từng làm việc với nước ngoài, Công ty Phú Tuấn của anh vẫn trụ vững và ngày càng phát triển.
Không chỉ giữ nghề tại địa phương, trong những năm qua, Công ty còn nhân cấy nghề, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại các xã An Phú, An Mỹ của huyện Mỹ Đức… "Chúng tôi cam kết đào tạo đi đôi với đặt hàng nên bất kỳ địa phương nào khi chúng tôi đến làm việc đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương", anh May chia sẻ.
Vừa sản xuất - kinh doanh hiệu quả, Công ty Phú Tuấn vừa tham gia nhiệt tình các phong trào của địa phương từ xây dựng nông thôn mới, bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống đến ủng hộ hoạt động từ thiện xã hội… cho thấy phẩm chất tốt đẹp của người doanh nhân thành đạt không quên trách nhiệm đối với cộng đồng.
Nói về anh Nguyễn Văn May, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Túc Đặng Văn Tý chia sẻ, từ một thanh niên làng, chỉ học hết cấp 3, anh đã nỗ lực theo đuổi ước mơ, trực tiếp đưa hàng thủ công mỹ nghệ của địa phương ra quốc tế mà không phải qua bất kỳ công ty xuất nhập khẩu nào. Sản phẩm của Công ty cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn, tổng ty xuất nhập khẩu lớn, thắp sáng niềm tin cho nhiều thanh niên nông thôn..
Là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm của thành phố và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với những thành tích trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhân cấy nghề truyền thống, đóng góp cho hoạt động từ thiện của địa phương, trong những năm qua, anh Nguyễn Văn May được UBND thành phố Hà Nội, huyện Phú Xuyên, xã Phú Túc… tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen, danh hiệu Người tốt, việc tốt, Chiến sỹ thi đua.