Sống đẹp

Băng Sơn - một đời văn thuộc về Hà Nội

Bình Nguyên Trang 09/10/2024 - 14:21

Người cầm bút ấy đã về miền mây trắng từ lâu, nhưng tinh thần của ông, tác phẩm của ông vẫn ở trong trái tim người Hà Nội.

Một Hà Nội của những điều đẹp đẽ, giản dị, đời thường nhưng không kém phần thanh lịch, cao quý. Chỉ cần bạn nhẩn nha một chút, cúi xuống ân cần một chút, nơi nào của Hà Nội thân thương bạn cũng có thể gặp những hình ảnh đẹp đã từng đi vào trang viết của ông. Băng Sơn mãi còn trong lòng Hà Nội, một đời văn thuộc về Hà Nội.

z5836268561122_f8378ec4bd593ac3e7024f2348bc483d.jpg
Cố Nhà văn Băng Sơn.

1. “Hà Nội như máu thịt tôi, không thể tách rời ra được nữa. Tôi chưa bao giờ sống xa Hà Nội quá một tuần. Hà Nội có gì thì trong con người tôi có cái ấy dù tôi không phải là bách khoa thư lưu trữ toàn bộ những thứ liên quan đến Hà Nội, nhưng gần một đời thâm nhập vào Hà Nội, tôi tự thấy mình quá hiểu Hà Nội lắm rồi". Câu nói này của nhà văn Băng Sơn lúc sinh thời có thể cho chúng ta thấy một tình yêu Hà Nội thấm đẫm trong ông.

Mặc dù không phải người gốc Hà Nội (Băng Sơn quê gốc ở Hà Nam, sinh ra và lớn lên ở Hải Dương), nhưng ông đã lựa chọn dành đời mình cho những trang viết về Hà Nội. Gần như tất cả các tác phẩm trong sự nghiệp của ông, ở các thể loại thơ, kịch, tản văn, tùy bút... đều xoay quanh đề tài Hà Nội, như một nhân duyên, như một món nợ, và như một niềm hạnh phúc lớn lao, một sứ mệnh.

Gần 15 năm ngày Băng Sơn đi xa, mỗi khi Hà Nội vào dịp lễ lớn, ngoái nhìn đời sống văn học nghệ thuật Thủ đô, luôn thấy có bóng dáng nhỏ bé, hiền hậu, nhẹ nhõm của Băng Sơn đứng đó. Ông là một phần hồn cốt của Hà Nội, là dư vị xao xuyến không thể thiếu cho những ai còn rung động trước một con ngõ nhỏ, một bóng hoa trên mặt hồ Gươm, một món ăn ngon vỉa hè, một tiếng rao đêm trên phố...

2. Những ngày thu Hà Nội đẹp tôi thường nhớ lại hình ảnh ông già tóc bạc hôm nào đạp xe rong ruổi khắp 36 phố phường. Những vòng quay bánh xe ngời lên trong nắng đưa người cầm bút có dáng người nhỏ nhắn ấy đến khắp các ngõ ngách để ngắm nhìn, tìm kiếm những vẻ đẹp còn mờ khuất đâu đây trong đời sống vội vã này. Không có điều gì trong Băng Sơn là bé nhỏ, dù là bụi rau sam mọc ở vách tường rêu, dù là một ô cửa sổ chiều, tiếng lao xao con trẻ trên cầu thang chung cư cũ, những đền nhỏ, chùa nhỏ, những món ăn dân dã... đều lưu dấu một giá trị văn hóa riêng của Hà Nội, khơi gợi cốt cách Hà Nội. Dưới ngòi bút của Băng Sơn, những điều ta có xu hướng quên đi vì thói quen lao về phía trước lại chở nặng tâm tư, nhói lên tiếng gọi của quá khứ khiến ta phải chậm lại, phải ngẫm ngợi, nghĩ suy, và đôi khi phải thay đổi hành động để giữ lại cho mình, cho Hà Nội những góc bình yên tinh tế.

Trong phòng văn xinh xắn của ngôi nhà giản dị của ông vào một năm nào đó đã xa, tôi được may mắn trò chuyện cùng ông. Hôm ấy nhà văn đã chia sẻ: “Đối với tôi, viết về bất cứ điều gì cũng chỉ nhằm hướng tới một mục đích là ca ngợi vẻ đẹp đất nước mình. Đồng nghiệp khác có thể quan tâm những vấn đề lớn hơn, nhưng tôi thì muốn ngợi ca những vẻ đẹp tưởng như đã bị chìm khuất. Tôi muốn mang cho độc giả một chút cảm nhận về cái đẹp từ những nơi, những thứ mà họ không ngờ tới. Mà cái đẹp cũng là cái thiện. Nghe một tiếng chim hót trong một buổi trưa, người ta không thể làm ác với con chim. Văn học cũng vậy, văn học phải nói cho con người, bất kể anh viết về thứ gì, lớn hay nhỏ”.

Băng Sơn như một sứ giả của văn hóa Hà Nội, kể với chính người Hà Nội và dĩ nhiên, với bạn bè trong nước và cả quốc tế, những câu chuyện chỉ Hà Nội mới có, bằng một tình yêu không khi nào vơi cạn, một bàn tay nâng niu và một tinh thần phụng sự. Mái đầu bạc cần mẫn bên chiếc máy chữ cũ kỹ, Băng Sơn đã viết không ngừng nghỉ. Ông từng kể lại rằng, một năm có 365 ngày thì ông viết khoảng chừng 300 bài dài ngắn ở thể loại tản văn, và hầu hết chúng đều được in trên khắp các mặt báo từ Bắc chí Nam. Một thời, cần trang viết về Hà Nội, anh em báo chí đã quen nếp nghĩ: Gọi cho Băng Sơn. Giới viết văn cũng một thời thừa nhận, Băng Sơn là một trong nhóm “ngũ hổ” có sức viết dẻo dai, bền bỉ nhất của Hà Nội (bốn người kia là nhà văn Phong Thu, nhà thơ Tạ Hữu Yên, nhà thơ Lê Bầu và nhà thơ Lữ Giang).

3. Băng Sơn vốn là nhà thơ. Ông đến với văn chương ban đầu bằng thể loại gieo vần. Nhưng rồi dần dà ông đi qua cả thể loại kịch để dừng lại ở tản văn, “cắm sào neo con thuyền văn chương” đời mình ở thể loại đó. Tản văn của Băng Sơn luôn đầy chất thơ, cứ nhè nhẹ như dòng suối trong, như hương hoa nhài buổi đêm thấm vào hồn người Hà Nội. Ông thuộc tên từng con phố, nhớ vị trí từng gốc cây, và dường như nhớ từng gương mặt người ông gặp, rồi bằng khả năng quan sát tỉ mỉ, tinh tế cộng với những chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống, ông đã phả vào những trang viết của mình một thiết tha tình người tình đời, làm xúc động trái tim của biết bao người đọc.

Thấy ông “lẽo đẽo” mãi trong thể loại viết ngắn, từng có nhà văn ái ngại nhắc khéo, lo rằng mấy thứ “lắt nhắt” như vậy thì rất khó có gì để lại cho đời. Một số người cầm bút quan niệm rằng, muốn lưu danh, nhà văn phải viết về những đề tài lớn, ở những thể loại “oách” hơn. Nhưng Băng Sơn không khi nào quan tâm người ta xếp mình chiếu nào trong văn chương, ông có lẽ cũng không cần ở chiếu nào cả. Ông cứ hồn nhiên với lựa chọn của mình, dốc ruột cạn lòng trên từng trang giấy, vui với niềm vui ngồi trước bàn viết kể cả sau đó người ta có thể xóa tên ông trong các cuộc bình chọn, xếp hạng. Nhưng trong văn chương làm gì có chuyện đề tài lớn đề tài nhỏ, chỉ có những tác phẩm đủ sức ám ảnh người đọc hay không mà thôi. Và đời sống cũng không phụ người tận tâm tận hiến như Băng Sơn. Ông luôn có một vị trí của mình, ngay cả khi ông đã đi xa. Người Hà Nội nếu đã từng yêu và nhớ một Bùi Xuân Phái trong hội họa, một Phú Quang trong âm nhạc, thì không thể nào quên một Băng Sơn trong văn học, nhất là thể loại tản văn.

Văn hóa Hà Nội không chỉ đầy ắp trong trang viết, mà cả trong lối sống hằng ngày của Băng Sơn. Sinh thời, ông luôn có ý thức gìn giữ từng lời ăn tiếng nói sao cho chỉn chu, thanh lịch. Ông dạy các con lối sống sao cho đúng với một người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhà văn không ủng hộ lối sống “học đòi” của lớp trẻ, ví dụ pha tiếng nước ngoài vào ngôn ngữ hằng ngày, ông muốn mỗi người Hà Nội hãy sử dụng tiếng Việt làm sao cho trong sáng, uyển chuyển, tinh tế nhất. Càng tiến sâu vào hội nhập, càng phải nâng niu, trân trọng, bảo vệ văn hóa truyền thống, vì đó là gốc rễ lâu bền, là nền tảng của phát triển.

Một người sống ở Hà Nội như thế, với tình yêu sâu đậm dành cho Hà Nội như thế, chắc chắn sẽ còn mãi trong chúng ta. Những trang viết của Băng Sơn đã trở thành một phần di sản văn hóa tinh thần Thủ đô mà mỗi chúng ta đều có thể tự hào về ông, học tập ở ông nhiều điều.

Nhà văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn, sinh năm 1932 mất năm 2010. Các tác phẩm tiêu biểu của ông chủ yếu ở thể loại tản văn, có thể kể như "Ngàn mùa hoa", "Con thuyền hoa", "Hương sắc bốn mùa", "Thú ăn chơi người Hà Nội" (4 tập), "Nghìn năm còn lại", "Bóng bảy màu", "Nước Việt hồn tôi", "Đường vào Hà Nội", "Hà Nội 36 phố phường", "Dòng sông Hà Nội", "Hà Nội rong ruổi quẩn quanh", "Những cánh buồm"...

Nhà văn Băng Sơn từng được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về thiếu nhi, 2 lần giành giải Cuộc thi viết "Cả nước cùng Thủ đô hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội" (Báo Hànộimới tổ chức), Giải bút ký của Hội Nhà báo Việt Nam, Giải thưởng văn học của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội... Đặc biệt, năm 2009 nhà văn Băng Sơn được nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Băng Sơn - một đời văn thuộc về Hà Nội