Mùa đông Hà Nội
Như các tỉnh miền Bắc, mùa đông Hà Nội cũng có mưa phùn gió bấc, lạnh thấu da cắt thịt, nhưng mùa đông Hà Nội có những điều khác lạ, từng có tuyết rơi và nước hồ Gươm huyền thoại đóng băng.
Hà Nội xưa có phố bán áo, chăn bông chống rét, có mùa đông năm 1946 “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Ít nhất hai lần tuyết rơi, nước hồ đóng băng
Vào mùa đông ở các vùng cao phía Bắc, nhiệt độ thường thấp hơn khu vực đồng bằng, có năm xuống rất thấp nên trên đỉnh một số ngọn núi cao xuất hiện băng tuyết. Thế nên chuyện Hà Nội nằm giữa vùng Đồng bằng Bắc Bộ mà có tuyết rơi, nước hồ đóng băng thì đúng là chuyện lạ. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép, thời nhà Lý, vào tiết lập xuân năm 1102 và 1114, “Thăng Long có tuyết rơi, đó là điềm lành”.
Theo tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vào thời Lê, nước hồ Hoàn Kiếm từng đóng băng. Cũng theo tài liệu lưu trữ ở đơn vị này, thời tiết năm 1955 ở Hà Nội rất lạnh, đỉnh điểm là ngày 12-1-1955, nhiệt độ đo được trong lều là 2,7oC, nghĩa là nhiệt độ ngoài trời sẽ thấp hơn khoảng 1 - 2oC. Ở nhiệt độ này, nước các hồ Hà Nội hình thành váng băng, tức là lớp băng mỏng.
Trong nửa cuối thế kỷ XX, có năm cá trong các ao hồ ở nội, ngoại thành chết cóng khá nhiều.
Ngày 24-1-2016, trên đỉnh Vua của núi Ba Vì cao 1.296m cũng có tuyết; trước đó, năm 1986, tại đỉnh núi này cũng có hiện tượng tương tự.
Phố Hàng Bông bán đồ chống rét
Các tài liệu xưa ghi chép về đồ chống rét của vua ban cho các quan, tuy không chi tiết, không rõ làm ở đâu nhưng cũng giúp người đọc hình dung ra áo, quần, hia, giày bằng chất liệu gì. Tuy nhiên, những ghi chép về việc chống rét của người dân rất sơ sài: “... đắp chăn bằng sợi gai, áo dệt bằng xơ đay, dân chúng không có thói quen đi giày dép trong mùa đông giá lạnh”.
Đến thời Nguyễn, việc ghi chép không tỉ mỉ song đầy đủ hơn. Ở vùng quê, tùy theo nhiệt độ, đàn bà con gái sẽ mặc ba áo hay bảy áo tứ thân để giữ ấm cơ thể, nên mới có câu: “Người thì mớ bảy mớ ba/ Người thì áo rách như là áo tơi”.
Sau đó, các loại chăn bông, áo bông do người làng Trát Cầu (huyện Thường Tín) sản xuất cũng trở nên phổ biến ở các vùng quê. Nhưng ở Thăng Long có phố Hàng Bông, từ đời Lê, phố này có gia đình chuyên bật chăn bông, làm đệm bông và các loại áo bông chần cho đàn ông đàn bà. Để làm áo bông chần (hay áo lót bông) dành cho đàn bà con gái, thợ phố Hàng Bông sẽ dàn mỏng sợi bông giống như làm chăn, song thay vì chần bằng vải xô, người ta dùng vải mộc đã nhuộm. Sau khi chần từng miếng theo kích cỡ, thợ sẽ khâu thành áo. Tuy nhiên, áo bông chần hở cổ, không có khuy nên các bà các cô thắt thêm dây lưng vừa giữ hai vạt khép lại, vừa làm duyên và dây lưng cũng để bọc tiền bên trong.
Thợ Hàng Bông cũng bắt chước các mẫu áo nhập từ Trung Quốc (gọi là áo bông Tàu), thêm hàng khuy cài bằng vải và áo ngũ thân lót bông vạt chéo, lớp ngoài bằng sa tanh trơn hay gấm hoa bán cho tầng lớp trung lưu. Phố Hàng Bông cũng có áo bông dành cho đàn ông nhưng khác với áo đàn bà là không có tay, múi chần cũng hình quả trám. Áo trấn thủ của bộ đội thời kháng chiến chống Pháp có xuất xứ từ áo bông này, có khác là áo trấn thủ cài khuy còn áo bông có dây buộc bên hông.
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm Hà Nội. Để người châu Âu sống ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chống đỡ cái rét tê tái vì độ ẩm trong không khí rất cao, các nhà buôn đã nhập khẩu chăn len, chăn sợi, chăn lông cừu, các kiểu quần áo rét từ châu Âu sang. Nhận thấy đồ chống rét châu Âu vừa sang, vừa ấm nên người Việt có điều kiện đã trút bỏ đồ cũ thay bằng đồ mới. Việc xuất hiện các đồ chống rét nhập khẩu đã đánh gục các sản phẩm của phố Hàng Bông.
Vì thế, đầu thế kỷ XX, hầu như không còn nhà nào ở phố này làm các sản phẩm truyền thống bằng bông. Thời bao cấp ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, các gia đình vẫn đắp chăn bông, chăn sợi. Các xí nghiệp quốc doanh còn sản xuất cốt áo bông với nhiều kích cỡ, sau đó người ta may thêm vỏ áo bằng vải nhuộm màu xanh công nhân để bọc bên ngoài. Cùng với áo đại cán, áo cốt bông là loại áo chống rét chủ yếu của đàn ông, đàn bà. Sau ngày thống nhất đất nước thì có thêm áo mút cổ lọ. Trong thập niên 1980, người đi lao động ở Đông Âu gửi về rất nhiều đồ chống rét.
Ngày nay, có rất nhiều thiết bị sưởi ấm, quần áo, giày tất chống rét nên người miền Bắc không còn cảm giác run rẩy khi đài báo gió mùa đông bắc như xưa nữa.