Xưa và nay

“Phố Tây” đầu tiên của Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến 19/05/2024 - 15:30

Năm 1882, thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai. Sau khi chiếm đóng Hà Nội, họ quy hoạch lại khu vực phố cổ, xây khu phố mới theo kiểu châu Âu. Năm 1885, việc xây dựng phố Hàng Khảm hoàn thành.

Đường được mở rộng, trải đá dăm, hai bên có cống thoát nước, có vỉa hè dành cho người đi bộ được trồng cây, có cột đèn thắp sáng bằng dầu hỏa. Hàng Khảm là “phố Tây” đầu tiên của Hà Nội.

638509718362361263-pho-trang-tien4.jpg
Phố Tràng Tiền. Ảnh: Linh Tâm

Trước đó, phố Hàng Khảm chỉ là con đường đất hẹp, bắt đầu từ khu vực Đồn Thủy đến cuối phố Hàng Khay ngày nay. Hai bên đường là nhà lá, rải rác có cửa hàng bán đồ khảm trai nên người Pháp gọi là phố Thợ Khảm (Incrusteurs). Năm 1890, đốc lý Hà Nội đã lấy tên Thống sứ Bắc kỳ Paul Bert mất cuối năm 1886 đặt cho phố này. Cũng trong năm này, Bá hộ Kim, người làng Cựu Lâu tặng thành phố tấm biển tên phố bằng khảm trai, trên là chữ Pháp, dưới là chữ Hán. Và Paul Bert là phố đầu tiên ở Hà Nội được gắn biển. Ngày 1-12-1945, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Trần Duy Hưng đã ký quyết định chia Paul Bert thành hai, gồm phố Tràng Tiền (từ Nhà hát Lớn đến ngã tư Đinh Tiên Hoàng ngày nay) và Hàng Khay (từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng đến đầu phố Bà Triệu ngày nay). Trước khi thành “phố Tây”, năm 1883, Tràng Tiền đã xuất hiện quán cà phê đầu tiên ở Hà Nội. Chủ quán là người phụ nữ Pháp tên Beire.

Khi làm con đường quanh hồ Gươm và xây dựng phố mới ở phía đông và nam hồ, chính quyền chủ trương biến khu vực này thành khu trung tâm. Tràng Tiền được xác định là con phố sang trọng, là "trung tâm của trung tâm". Ngay khi hoàn thành, phố đã xuất hiện các quán rượu, cửa hàng thực phẩm bán bánh mì, pa tê, bơ, sữa, phô mai, giăm bông... Năm 1898, bách hóa lớn nhất miền Bắc được xây dựng ở vị trí đất từng là xưởng đúc tiền đầu thế kỷ XIX của nhà Nguyễn. Bách hóa khánh thành năm 1902 với tên Godard.

Năm 1960, Godard công tư hợp doanh đổi tên thành “Cửa hàng Bách hóa quốc doanh Tràng Tiền”, người Hà Nội gọi tắt là Bách hóa Tràng Tiền. Trong những năm 1960, nó được gọi bằng cụm từ đầy tự hào: “Pháo đài thương nghiệp xã hội chủ nghĩa”.

Đối diện với cửa hàng Godard là tòa nhà Credit Foncier (tín dụng địa ốc) chiếm 3 mặt phố, khánh thành năm 1934. Đây là tòa nhà cho thuê đầu tiên ở Hà Nội. Tầng hai có Lãnh sự quán của Đức, có phòng khám bệnh của bác sĩ Hoàng Cơ Bình và văn phòng các hãng; tầng một cho thuê bán đồ trang sức, quần áo, trưng bày hàng mẫu và có bar rượu Hoàng gia (Taverne Royale). Tại quán rượu này có các nhạc công người Việt chơi đàn. Bên ngoài, dưới mái hiên bán cà phê. Khu đất này trước đó là khách sạn Terminus cao 2 tầng và một số cửa hàng. Sau 1954, nó trở thành trụ sở của nhiều cơ quan như Bộ Công Thương, Bưu điện, Bộ Văn hóa.

Nhưng điểm nhấn quan trọng về kiến trúc của Tràng Tiền và của cả Hà Nội là Nhà hát Lớn ở đầu phố. Nhà hát khởi công năm 1901, khánh thành năm 1911. Ngay khi dự án rục rịch, báo chí ở nước Pháp và Đông Dương đã phản đối: “Không cần phải phung phí tiền bạc để xây dựng một nhà hát quá lớn ở một nước thuộc địa”. Tuy nhiên, Toàn quyền Đông Dương khi đó là Paul Doumer đã bỏ ngoài tai những phàn nàn và quyết tâm xây dựng. Nhà hát và quảng trường là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, trong đó có cuộc mít tinh lớn vào ngày 19-8-1945. Cuộc mít tinh này đã được Việt Minh và quần chúng biến thành cuộc tuần hành giành chính quyền.

Vì là phố trung tâm nên trước năm 1954, phố có 3 khách sạn hạng sang, 3 ngân hàng gồm 2 ngân hàng ở đầu phố bên dãy số chẵn, trong đó có HSBC. Ở góc Tràng Tiền - Ngô Quyền là Ngân hàng Pháp - Hoa (Banque di Franco Chinois) khánh thành năm 1925 với phong cách kiến trúc Art deco (Nghệ thuật trang trí). Năm 1907, ông trùm tư bản ngành in ấn và báo chí Henry Schneider đã xây Nhà in Viễn Đông (Imprimerie d’Extrême Orient - IDEO) ở giữa phố Tràng Tiền. Thập niên 1920, IDEO bị đập đi xây mới và hoàn thành năm 1928. IDEO mới có 3 khối nhà, khối giữa 6 tầng, chiều cao là 24m, hai khối hai bên cao 5 tầng trở thành tòa nhà cao nhất thành phố chỉ sau Cột cờ trong Thành (tính cả chân đế là 33,4m). Tràng Tiền có rạp chiếu bóng hạng sang ở giữa phố là Palace, khánh thành năm 1924 (năm 1947 đổi thành Eden, sau 1954 đổi thành rạp Công Nhân). Vì là phố đầu tiên lại là trung tâm nên Tràng Tiền có nhiều dịch vụ đầu tiên như quầy bán sách báo, cửa hàng bán kem ly; cuối thế kỷ XIX, Hà Nội có 3 hiệu thuốc tây đều nằm ở phố này.

Năm 2024, tròn 70 năm giải phóng Thủ đô, Thành phố Hà Nội đã làm một việc ý nghĩa là chỉnh trang phố Tràng Tiền. Trải qua 139 năm, phố có nhiều thay đổi, một số công trình mới mọc lên, hy vọng lần chỉnh trang này sẽ giữ lại và làm nổi bật những nét xưa cũ của “phố Tây” đầu tiên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Phố Tây” đầu tiên của Hà Nội