Hà Nội văn

Trốn Tết

Truyện ngắn của Bích Ngọc 16/02/2024 - 06:08

- Xin phép ban giám đốc, tôi nghỉ việc! Mặt đỏ phừng phừng, Hoài đứng phắt lên tuyên bố rồi đi ra, bỏ lại bầu không khí ngột ngạt căng thẳng tràn ngập phòng họp cơ quan.

Trở về phòng trọ sau một ngày lang thang, những uất ức trong lòng Hoài nguôi đi phần nào. Khi bình tĩnh trở lại, cô thấy hơi hối hận về quyết định bột phát sáng nay của mình. Cô nghỉ việc thì chỉ có trưởng phòng nhân sự hả hê. Mấy tuần nay phải đối phó với bà ta, Hoài vẫn nhẫn nhịn để khỏi ảnh hưởng đến khoản thưởng Tết, định ra giêng mới nộp đơn xin nghỉ việc. Nhưng "cây muốn lặng gió chẳng đừng", buổi họp hôm nay đánh giá thi đua cuối năm, bộ phận kế toán của Hoài bị bà ta công kích ác liệt. Nếu không phải do Hoài ít tuổi hơn chắc chắn cô đã lao vào cuộc đấu khẩu với người đồng nghiệp chua ngoa.

Suy tính một hồi Hoài quyết định mặc kệ. Dù gì cũng đã định ra Tết nghỉ việc, chỉ là đẩy nhanh tiến độ một chút. Điều khiến cô đau đầu hơn là chuyện về quê ăn Tết. Công ty có đứa em họ làm cùng, chuyện Hoài cãi nhau rồi bỏ việc hôm nay hẳn đã bay về đến quê. Nghĩ tới cảnh về nhà bị họ hàng lôi ra khuyên bảo, cô chỉ muốn đi đâu cho qua mấy ngày Tết. Nào là hai chín ba mươi rồi mà vẫn chưa lập gia đình, con gái chứ có phải đàn ông con trai đâu mà thích bay nhảy. Nào là tính tình nóng nảy, thời buổi này việc làm tốt đâu có dễ kiếm mà bảo nghỉ là nghỉ luôn... Không hiểu sao người ở quê cứ thích xen vào chuyện nhà người khác như thế. Nghĩ đến đây Hoài lấy điện thoại gọi về thông báo với bố mẹ Tết này không về nhà, cô muốn đi du lịch cho khuây khỏa. Bố mẹ Hoài vốn tâm lý, chưa bao giờ nặng lời hay phàn nàn về công việc của cô, cũng không giục cô chuyện lấy chồng. Nhưng cô không chịu nổi mấy người họ hàng, láng giềng nhiều chuyện.

***

Nghe Hoài thông báo Tết không về mà đi du lịch, bố mẹ cô lờ mờ cảm nhận được con gái có chuyện phiền lòng. Tuy buồn nhưng ông bà không ai dám nói ra, sợ khiến Hoài áp lực. Thương con, ông bà chỉ có thể nhắc con chú ý an toàn, không phải lo chuyện ở nhà, cứ việc đi chơi cho thoải mái đầu óc...

Hai ông bà đều là giáo viên đã nghỉ hưu. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc vườn tược ao cá, hễ rảnh rỗi bố Hoài lại lên mạng đọc tin tức rồi thảo luận cùng vợ. Càng gần cuối năm, tin chỗ này chỗ kia có người nhảy cầu tự tử rồi tỷ lệ người trẻ mắc bệnh trầm cảm gia tăng càng khiến ông bà thấp thỏm không yên. Ông bà còn lo con gái một mình bươn chải trên thành phố, tính khí ngay thẳng dễ mất lòng người khác. Vẫn biết tuổi trẻ phải phấn đấu và bay xa nhưng nhà có mỗi một mụn con nên nhiều khi ông bà chỉ muốn con về quê làm việc cho gần gũi. Từ lúc nghe con nói không về ăn Tết, ông bà chẳng còn tâm trạng nào mà lo bánh trái, chuẩn bị món này món kia. Không khí gia đình cũng trở nên ảm đạm.

Thỉnh thoảng họ hàng qua nhà chơi hỏi chuyện Hoài nghỉ việc đều bị ông bà nhắc khéo: “Nó có năng lực thì sợ gì không kiếm được việc. Làm việc muốn lâu dài cũng phải chọn môi trường tốt, đồng nghiệp tốt. Còn chuyện cả họ còn mỗi mình nó chưa lấy chồng, tôi biết mọi người lo cho nó, nhưng duyên chưa tới thì có muốn cũng không được. Miễn sao nó khỏe mạnh, vui vẻ. Mình già rồi, không giúp được gì thì để bọn nó yên tâm làm việc trên thành phố thôi”. Nghe ông bà nói vậy chẳng ai nói thêm gì nữa rồi lại chuyển sang chuyện hôm qua hai vợ chồng cô Hoa xóm trên cãi nhau ném bát ném đĩa, con trai nhà ông Bình làm ăn thua lỗ, chủ nợ kéo đến kín nhà...

***

Bảy giờ sáng hai bốn Tết, Hoài kéo vali ra đầu ngõ đón taxi đi sân bay cho kịp chuyến vào Đà Lạt khởi hành lúc mười giờ. Dọc đường, sắc đào hồng thắm trong tiết trời lạnh giá mang không khí Tết tràn về khắp phố phường. Bình thường như mọi năm tầm này cô đang chạy nước rút với đống hồ sơ thanh toán để gửi cho đối tác khách hàng kịp lấy tiền về. Rồi lương thưởng cuối năm của mấy trăm nhân sự ở công ty. Phải đến chiều hai bảy Tết, khi lệnh chuyển tiền được chuyển sang ngân hàng trơn tru và hết ngày hôm sau không còn ai khiếu nại thì Hoài mới yên tâm đón xe về quê vào sáng hai chín. Từ hồi đi làm, giáp Tết luôn là khoảng thời gian bận rộn của phòng kế toán nên việc phụ bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa Tết như ngày xưa với cô là điều xa xỉ. Bất giác cô thấy mình bất hiếu với bố mẹ khi ích kỷ đi chơi xa vào dịp Tết như thế này.

Tình cờ trên máy bay, ngồi ghế bên cạnh Hoài lại là Tùng, bạn học thời cấp một, cấp hai của cô. Gia đình Tùng đã chuyển ra thành phố khi cậu vào cấp ba. Từ đó bạn bè trong lớp không còn liên lạc. Trong cái rủi có cái may, không ngờ nhờ chuyến đi “xả stress” này Hoài gặp lại cậu bạn mà cô từng thầm thương trộm nhớ suốt năm học lớp chín.

Suốt gần hai tiếng bay, hai người bạn lâu năm gặp lại cười nói tíu tít. Đôi má Hoài ửng hồng dưới ánh đèn đọc sách, trông cô đáng yêu và ngọt ngào như cô gái mới lớn rung rinh trước mối tình đầu. Tùng kể tại sao anh lại đi Đà Lạt vào dịp ai cũng lo về quê đoàn tụ gia đình. Tùng đi xa để chạy trốn khỏi hiện thực Tết này nhà đã không còn hơi ấm của mẹ, trong khi ba của anh cũng đã mất cách đây mấy năm. Tùng đi để hy vọng sự yên bình của Đà Lạt sẽ giúp anh thôi dằn vặt bản thân khi nhiều năm qua ít quan tâm tới mẹ, không nhận ra mẹ mình đang ngày một gầy và xanh xao. Anh tự trách bản thân không sắp xếp công việc đưa mẹ đi khám định kỳ, để mẹ bị căn bệnh ung thư giai đoạn cuối cướp đi mạng sống.

Không khí bỗng nhiên chùng xuống. Liếc sang đôi mắt đỏ ngầu của Tùng đang nhìn bầu trời ảm đạm qua ô cửa kính nhỏ, tim Hoài nhói đau, lồng ngực nghèn nghẹn như thể cảm giác mất mát của Tùng đè sang cả cô. Trong từng lời Tùng nói, Hoài cảm nhận anh như đang cố nuốt nỗi đau vẫn ứ đầy lồng ngực. Hoài khẽ đưa tay nắm chặt lấy bàn tay đang run lên của Tùng.

Nghe chuyện của Tùng lòng Hoài nặng trĩu. Cô không dám kể với Tùng mình đi Đà Lạt vì muốn trốn Tết, vì không muốn bị họ hàng làm phiền. Bởi nếu kể ra thì chẳng khác nào giày xéo thêm nỗi cô đơn không còn người thân của Tùng. Hoài chợt hiểu rằng so với người bạn đang ngồi cạnh mình cô còn may mắn biết bao khi vẫn còn bố mẹ đang đợi cô ở nhà, còn những người họ hàng dù nhiều chuyện nhưng thật lòng quan tâm tới cô. Tự nhiên Hoài thấy nhớ quê, nhớ bố mẹ, nhớ những ngày còn nhỏ háo hức cùng mẹ đi chợ phiên ngày Tết, nhớ bếp lửa bập bùng nấu bánh chưng tối hai chín, nhớ những sáng mùng một họ hàng, hàng xóm sang nhà chúc Tết mừng tuổi cho cô. Một nỗi sợ từ đâu dâng lên trong lòng mà Hoài chẳng dám gọi tên. Cô sợ sẽ có ngày mình như Tùng hiện tại, cô đơn và tuyệt vọng. Nghĩ đến đây bất chợt Hoài ngỏ lời mời Tùng về nhà ăn Tết, vì cô chẳng nỡ để anh một mình gặm nhấm nỗi cô đơn trong tiết trời cao nguyên lạnh giá.

Ba ngày ở thành phố hoa, Hoài và Tùng kè kè bên nhau như cặp đôi mới chớm yêu đương. Ngày nào hai người cũng thuê xe máy chở nhau đi khắp các điểm đến nổi tiếng như ga Đà Lạt, thung lũng Tình yêu, làng hoa, hồ Tuyền Lâm... rồi đi lùng từng quán ăn ngon. Dường như cái lạnh của đất trời ở đây đã đẩy hai trái tim cô đơn lại gần nhau hơn.

***

Sáng ngày hai tám Tết, sau khi trả phòng hai người hẹn nhau đi ăn trưa rồi đón xe giường nằm về Hà Tĩnh. Gần hai mươi tiếng ngồi xe, sớm hôm sau cả hai về tới nhà Hoài. Thấy bố mẹ đang cắm cúi gói bánh chưng trong sân, Hoài quên luôn Tùng đang bên cạnh, chạy như bay sà xuống ôm chầm cả bố và mẹ đang ngồi quay lưng ra phía cổng. Hai ông bà bất ngờ chẳng nói lên lời, có lẽ chẳng có niềm vui nào sánh được. Gặp lại cậu học trò gương mẫu năm nào, hai chữ “song hỷ” như hiện rõ trên khuôn mặt bố mẹ Hoài. Mừng vì con gái vui vẻ trở về lại dắt thêm “rể quý”, bố Hoài hớn hở chạy ra cửa hàng tạp hóa đầu làng ôm về một thùng bia ăn Tết.

Tối hôm ấy, khi cả nhà ngồi canh bếp lửa nấu bánh chưng ở góc sân, Hoài kể chuyện cô nghỉ việc. Chẳng mấy khi được con trải lòng tâm sự những áp lực công việc, bố mẹ khuyên Hoài hãy tự do sống theo ý mình vì cơ hội được sống đời trọn vẹn chỉ có một. Bố kể câu chuyện hồi mới yêu mẹ bị ông bà ngoại kịch liệt phản đối, chê bố là anh thầy giáo nghèo, dẫu vậy bố mẹ vẫn quyết tâm đến với nhau dù cuộc sống muôn vàn khó khăn. Câu chuyện Hoài đã thuộc làu nhưng vào lúc này cô lại thấy thật cảm động. Bố Hoài nói: “Con cần lắng nghe và đi theo chỉ dẫn của trái tim mình. Hãy nhớ rằng, dù bên ngoài khó khăn ra sao, bố mẹ vẫn luôn chờ con ở nhà. Con không cần đi đâu xa để trốn”.

minh-3.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Bên ánh lửa bập bùng, nồi bánh chưng bốc hơi nóng nghi ngút xua tan cái giá buốt của mùa đông. Bốn người đang quây quần bên nhau kể những câu chuyện ngày xưa thì tiếng thím Lan sang sảng từ đầu ngõ: “Cái Hoài về rồi đấy à? Nghe nói mang cả rể quý về cho bố mẹ phỏng?”. Nghe giọng thím Hoài lại thấy thân thương như ngày còn nhỏ, mùng một năm nào cũng được thím gọi ra nhận lì xì. Nhìn ngắm từng nụ cười ánh mắt, Hoài nhận ra Tết đã về rộn ràng, ngập tràn trong tim mỗi người, chẳng ai còn bận lòng phiền muộn chuyện hôm qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trốn Tết