Hà Nội văn

Tiếng khèn mùa xuân

Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên 12/02/2024 06:18

Chị Mủa lấy chồng Tây. Cái tin ấy làm xôn xao cả bản San. Lũ bạn Pàng và cả Pàng nữa ngày nào cũng bàn tán chuyện chị Mủa, cứ y như chị Mủa là người trong gia đình mình vậy. Chồng Mủa là khách du lịch, Mủa là hướng dẫn viên.

Trước vẻ đẹp giản dị của người con gái xinh đẹp nhất bản San, anh quyết tâm theo đuổi Mủa. Sau khi về nước anh vẫn liên lạc với Mủa qua mạng xã hội, đến hôm nay thì mối tình xuyên biên giới ấy kết trái ngọt thật rồi!

minh-hoa-1.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Nhìn gương mặt rạng rỡ của Mủa, Pàng ước được như chị. Mới ngày nào thôi hai chị em còn cùng nhau đi bán hàng rong dưới sân nhà thờ đá mà nay cuộc đời Mủa đã sang trang mới. Thật mừng cho chị ấy. Pàng cũng quyết tâm học thật giỏi tiếng Anh. Pàng đã giao tiếp được sơ sơ, nó muốn học thêm để viết được, giao tiếp được nhiều hơn với du khách nước ngoài.

Pàng nung nấu suy nghĩ sẽ là người kế tiếp theo chân Mủa lấy một người chồng ngoại quốc, sang trời Tây hưởng thụ một cuộc đời sung sướng, chẳng phải lo nghĩ về tiền bạc. Pàng tưởng tượng ra cảnh cùng chồng đi du lịch đó đây, sống trong nhung lụa, ăn sơn hào hải vị. Pàng chăm chỉ học, chăm chỉ đi bán hàng mặc trời mưa lạnh lẽo để tích cóp tiền bạc và kiến thức, chờ một chàng bạch mã hoàng tử tới rước đi.

***

Mẹ mất lúc Pàng mới ba tuổi, ít lâu sau thì bố lấy vợ mới. Từ lúc ấy cuộc đời Pàng sang trang khác. Pàng ngày ngày theo mẹ kế cuốc bộ xuống thị trấn để đi bán những chùm móc khóa với túi thổ cẩm. Lúc đầu mẹ kế rải tất cả lên một mảnh nilon để trước mặt Pàng ngay trên vỉa hè. Dần dần thấy ngồi một chỗ không bán được, mẹ kế buộc những món hàng đó lên người Pàng, xui Pàng chạy theo những người khách du lịch, níu quần áo họ, nói những lời khiến họ mủi lòng mua đồ cho, thậm chí cho thêm tiền vì hoàn cảnh đáng thương của mình.

Mẹ kế không để Pàng ra khỏi mắt mình. Mẹ kế ngồi trên chiếc ghế đá ở bên kia đường, giả vờ luôn tay khâu vá hoặc chuốt sợi lanh, thế nhưng khách nào mà Pàng để tuột mất bà đều biết. Ngày nào Pàng mang được nhiều tiền về thì cả nhà vui vẻ. Ngày nào không bán được nhiều thì mẹ kế đá thúng đụng nia, chửi Pàng, chửi bố. Thế nên Pàng sợ lắm, Pàng phải cố gắng chống chọi với cái rét buôn buốt, với sự cạnh tranh từ các bạn đồng trang lứa để bán được nhiều hàng.

Những ngày bán không hết số hàng mẹ kế giao là những ngày ám ảnh với Pàng. Pàng phải lê lết đôi chân mỏi nhừ đi khắp nơi để chèo kéo khách du lịch, thậm chí gần như van xin người ta rủ lòng thương. Những lúc ấy bụng đói, mắt lim dim buồn ngủ, nhưng cái sợi chão kiếm cơm nặng nề của người lớn cứ choàng lên cổ Pàng. Sương gió cuộc đời cứ tạt vào đôi má ửng đỏ nứt nẻ của Pàng. Xa xa mẹ kế che ô ngồi trên ghế đá, khuôn mặt to bè đang cắm cúi khâu vá, chốc chốc bà lại ngừng khâu, lướt qua người Pàng bằng ánh mắt sắc lạnh.

Pàng quen với Mủa từ những ngày chập chững đi bán hàng rong. Nhưng Mủa đi một dạo thì bỏ. Chị bảo với Pàng chị không đi bán nữa, chị xin bố mẹ cho chị đi học, chị sẽ tìm cách khác để kiếm tiền. Chị bảo Pàng cũng phải xin bố mẹ cho đi học, để cái đầu sáng sủa ra, không học thì đầu óc mình nó u tối như cái tiết trời thị trấn vào những ngày mưa rét ấy. Pàng đã xin bố mẹ cho đi học, nhưng mẹ kế đối xử với Pàng không tốt như bố mẹ chị Mủa. Pàng vẫn phải địu em nhỏ đi bán móc khóa, túi thổ cẩm vào mỗi buổi tối, vào cả ban ngày những hôm được nghỉ học.

Pàng cũng không nhớ nổi mình đã phải chống chọi với cơn buồn ngủ như thế nào mỗi khi tới lớp ngồi vào bàn học sau những đêm miệt mài đi bán hàng rong. Pàng đã vượt qua tất cả để học đến lớp cuối cấp hai như thế. Cuộc sống thực dụng với những đồng tiền manh mún kiếm được vào buổi tối. Cuộc sống vui tươi với sách vở, bạn bè, thầy cô vào ban ngày. Có lúc Pàng đã ước làm sao để buổi học cứ kéo dài mãi, để Pàng được hồn nhiên sống như bạn bè cùng trang lứa.

***

Mùa xuân về tự lúc nào. Trong hơi sương lạnh lẽo, từng nụ đào chập chờn bung nở một màu hồng hồng tươi tắn. Mặc tiết trời buốt giá, phiên chợ tình vẫn đông, từng điệu khèn mê hoặc làm bước chân du khách phải dừng lại cùng nghe, cùng đồng điệu với thanh âm dìu dặt ngọt ngào của người dân bản xứ. Pàng đã thân thuộc với tiếng khèn từ những ngày thơ bé. Những khi bán hàng rong, Pàng thường len lỏi quanh khu vực sân vận động nơi tổ chức chợ tình để vừa bán hàng vừa được nghe tiếng khèn như nghe thấy thanh âm của tổ tiên, nguồn cội.

Buổi chợ tình hôm nay, Pàng nghe thấy tiếng khèn khác lạ, lúc bay bổng, khi dìu dặt da diết như mời gọi. Người con trai thổi khèn cũng say sưa cùng điệu nhảy mê hồn. Pàng bị cuốn vào tiếng khèn, vào điệu nhảy của người trai ấy, tim Pàng cứ liên hồi đập, má Pàng ửng đỏ như quả đào vừa chín. Khi điệu khèn vừa dừng, người con trai ấy cũng kịp thấy Pàng đang nhìn mình đắm đuối. Pàng hấp tấp bỏ chạy. Xa khỏi chợ tình rồi mà lòng Pàng vẫn hồi hộp. Những ngày sau đó, hồn vía Pàng như bị người con trai gặp ở chợ tình buổi tối nọ bắt mất. Thi thoảng Pàng soi gương, tự ngắm nghía rồi cười một mình.

Thế rồi chuyện gì đến cũng mau đến, không để cho người trong cuộc kịp trở tay. Pàng đã lớn, không đi bán hàng rong được như xưa thì trong mắt mẹ kế, Pàng đã trở thành kẻ ăn hại. Từ lâu bà đã muốn tống khứ Pàng đi lấy chồng, đó là cuộc trao đổi có lợi nhất với bà vào lúc này.

Sau một buổi bắt vợ của người trai nọ, Pàng đã giã từ mọi mong ước ngây thơ khi trước là sẽ kế bước chị Mủa lấy một anh chồng mắt xanh, mũi lõ giàu có để bọn con gái trong bản phải xuýt xoa, lác mắt vì ghen tị. Cái ước mơ của Pàng, sự phấn đấu kiên cường của Pàng hôm nào tưởng là vững chắc mà chỉ một tiếng khèn mềm mại đã làm đổ vỡ tất cả.

Pàng xoay một bước đã làm vợ người ta. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, sự vui vẻ lúc đầu nhanh chóng qua đi. Nhà chồng cũng nghèo khó chẳng khác gì nhà Pàng. Hai vợ chồng trẻ con lại chẳng có nghề nghiệp gì bị đẩy ra sống riêng, khó khăn đủ đường, thường bữa ngô, bữa rau. Ngày ngày Pàng theo chồng lên nương làm việc, vất vả nhưng chẳng thấm tháp vào đâu. Cuộc sống túng bấn khiến Pàng lại mang đứa con nhỏ xuống thị trấn để bán hàng rong.

***

Con gái Pàng ba tuổi, hai má bầu bĩnh, xinh đẹp y như Pàng hồi nhỏ. Đứa con đang tuổi ăn tuổi chơi đã bị trao trọng trách kiếm tiền. Mấy ngày đầu đứa trẻ xinh xắn lơ ngơ trong trang phục truyền thống được khách du lịch cho khá nhiều tiền. Đến ngày thứ tư, trong một phút sơ sểnh, Pàng đã không tìm thấy con gái đâu. Pàng tá hỏa đi tìm con mọi ngóc ngách mà không thấy. Lúc này sự tuyệt vọng hiện rõ trên gương mặt Pàng, Pàng ân hận quá, tại sao lại để một đứa trẻ bé bỏng như thế lang thang một mình, nhỡ con gái có bị làm sao, Pàng biết ăn nói thế nào với chồng, với gia đình chồng, với lương tâm của mình đây?

Pàng đang thất thểu đi tìm con thì thấy một đám đông du khách xúm lại chỉ trỏ. Pàng chạy lại, rẽ đám đông đi vào. Con gái Pàng đang nằm vật ra vỉa hè để ngủ, tay vẫn còn nắm những chiếc móc khóa thổ cẩm, gương mặt thánh thiện của nó thiêm thiếp trên nền đất ẩm ướt lạnh lẽo làm Pàng thấy đau nhói trong lồng ngực.

"Trên địa bàn thị trấn trong ngày đông giá buốt có những trẻ thơ đang bị ép đi ăn xin và bán hàng. Đây là hành động trục lợi trên thân thể trẻ em, đang vi phạm pháp luật về quyền trẻ em...". Những lời tuyên truyền Pàng nghe từ sáng, bây giờ lại vang nên trong đầu Pàng. Tại sao Pàng lại u mê như thế. Pàng nhìn con như nhìn thấy chính mình khi còn bé bị mẹ kế ép buộc đi ăn xin, trong lòng trào dâng sự thương xót cho đứa con gái bé bỏng. Kẻ bị tổn thương lại muốn làm tổn thương người khác... Pàng địu con về, nước mắt rơi lã chã làm nhòe cả con đường đang đi. Pàng giận mình đã bị đồng tiền che mắt mà làm điều ác với đứa con bé bỏng.

Pàng về tới nhà, cả đêm suy nghĩ mãi không ngủ được. Sáng hôm sau Pàng bàn với chồng gửi con gái đi nhà trẻ, hai vợ chồng sẽ xuống thị trấn xin việc làm, mình sức dài vai rộng, chịu khó chăm chỉ thì cuộc sống sẽ ổn định thôi. Lúc này, Pàng mới thấy chị Mủa nói đúng quá, chỉ có học tập cái đầu mới sáng ra được. Chỉ có nỗ lực học tập Pàng mới thu lượm được nhiều kiến thức, mới thực hiện được mơ ước của bản thân, phát triển được kinh tế gia đình.

Hôm nay, những tia nắng ấm áp xuất hiện xua tan băng giá trên đỉnh Phan Xi Păng. Cả nhà Pàng đi chợ sắm Tết. Con gái Pàng xúng xính váy áo, tung tăng chạy nhảy... Đâu đó phía cuối chợ vẳng lại tiếng khèn dập dìu say đắm. Một mùa xuân mới đã về, hơi xuân ấm áp với sắc đào hồng hồng tươi thắm, với những nụ cười hạnh phúc của trẻ thơ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếng khèn mùa xuân