Hà Nội văn

Thảo thơm mùi khói bếp ngày xuân

Quỳnh Anh 20/01/2024 - 06:23

Bây giờ về quê hiếm hoi lắm mới thấy bếp củi, nhà nào ít người, không phải đun cám cho lợn đều nấu bếp gas hay bếp điện cho sạch sẽ, lại tiện lợi. Chẳng phải lo mưa thâm gió bấc, củi mùn ướt hết, chị em lại phải thay nhau phùng mang trợn má mà thổi lửa, khói cứ thế hun cho mắt mũi cay xè.

Ngày đông, trời hanh, chỉ nấu một bữa cơm thôi hai má cũng ửng hồng, môi toác ra vì nẻ. Cô gái mới lớn cứ áp hai bàn tay lên mà xuýt xoa, mong cho cái hanh hao sớm qua đi để lấy lại làn da mịn màng.

z5072688904950_6c40f85715d4.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà

Tôi nhớ ngày xưa, ai cũng ngại ngồi canh bếp lửa, thế nhưng Tết đến thì căn bếp trở thành chốn ấm cúng, rộn rã tiếng cười mà ai cũng muốn ghé qua. Mấy ngày giáp Tết, căn bếp liên tục đỏ lửa. Nào đun nước làm thịt lợn, gói giò lụa, giò xào, nào luộc măng khô, luộc bánh gai, nào sên mứt... Bao nhiêu là việc! Thế nên cái kiềng bếp lúc nào cũng nóng rẫy như vừa lấy ra khỏi bễ lò rèn.

Ngồi bên bếp lửa, tay đảo đều như múa, xoay xở với chảo mứt dừa đầy, mấy chị em gái tranh thủ trò chuyện cùng nhau, từ chuyện áo quần diện ngày mùng Một, mùng Hai, đến chuyện mùng Ba hẹn đi chơi với bạn bè. Đang rôm rả, tự nhiên cô em nhớ ra đến tháng Hai chị lấy chồng, thế là năm sau còn mình em đảo mứt. Một mình hì hụi làm mứt và gói bánh thì buồn lắm, chẳng biết bao giờ mới xong, nghĩ đến đó thôi hai mắt đã đỏ hoe, không biết vì khói bếp hay vì những thương nhớ cứ cuộn lên trong lòng.

Ngày luộc bánh chưng, luôn là ngày tất bật nhất. Nhà nào bếp chật, đành phải lấy mấy viên gạch, dựng một căn “bếp dã chiến” ở góc sân, hay ngoài vườn. Trẻ con xúm xít quanh cái nồi to, háo hức không biết bao giờ bánh chín. Đứa nào cũng hăm hở đi kiếm củ khoai lang, hay vài bắp ngô nếp để nướng trong lúc trông bánh chưng. Nhà không có khoai lang, thì khoai tây nướng lên chấm đường cũng ngon nghẻ lắm. Có năm, mấy đứa trẻ chúng tôi còn lấy cả khoai sọ ra nướng. Vần củ khoai giữa những cục than đỏ, đứa nào cũng băn khoăn ăn khoai sọ nướng có ngứa hết mép miệng lên không? Lo lắng là thế, nhưng khi khoai chín đứa nào cũng hăm hở hít hà, ăn miếng khoai bùi thơm trong niềm háo hức.

Những ngày nóng nực, đứa nào cũng ước mai mốt nhà khá giả hơn, kiểu gì bố mẹ cũng mua bếp gas, bếp điện, đỡ phải gò lưng thổi lửa làm gì cho mệt. Nhưng vào những ngày giáp Tết thế này, thấy yêu căn bếp đầy bồ hóng và muội khói này vô ngần. Không có khói bếp làm sao củ khoai thơm và ngọt bùi đến thế. Bà tôi cứ quả quyết rằng bánh chưng nhà làm ngon hơn vì luộc bằng củi nhãn, lửa liu riu suốt đêm, như thế, nếp mới rền và dẻo, không dễ bị lại gạo. Chè lam nấu dưới bếp củi, quyện mùi khói ăn cũng khác, như có một mùi thơm hăng hắc, đầm đầm khó diễn tả bằng lời.

Tiếng nước sôi ùng ục, tiếng dao thớt, nồi xoong va vào nhau leng ca leng keng, tiếng người í ới chuyện trò... tất cả những náo động ấy tạo nên thanh âm tuyệt diệu, đầm ấm của ngày cuối năm.

Ngày thường, hàng xóm đến chơi sẽ lên nhà, uống chén nước chè, kể dăm ba câu chuyện. Những ngày giáp Tết, xóm giềng chạy sang nhà nhau là tạt xuống bếp, hỏi chuyện sao giờ này còn chưa luộc bánh, năm nay gói mấy cây giò... Nhà ai mới có chuyện buồn, lòng đang ngổn ngang bao nhiêu là nỗi, không còn tâm trí nhen lên chút lửa ấm cuối năm. Thế là chòm xóm lại chạy qua chạy lại, người cặp bánh chưng, người chục bánh gai, rồi giò nạc, giò mỡ... đùm bọc nhau để ai cũng có Tết.

Chiều ba mươi Tết, khi những tất bật lo toan của năm cũ sắp qua, người ta lại hăm hở hít hà cái mùi thơm nồng ấm, dịu dàng của nồi nước lá mùi già. Nhớ ngày bé, chiều cuối năm, bà lại đun một nồi nước lá mùi tắm rửa cho mấy đứa cháu, giờ lưng bà đã còng, hai chị em lại tỉ mẩn tắm rửa, chải đầu thay quần áo mới cho bà. Bà mân mê tà áo mới, móm mém cười rồi nói: “Đẹp thế, con nhỉ!”.

Người xa quê, mong nhất là Tết được về nhà, sum vầy bên người thân vài ngày thôi cũng đủ ấm lòng. Đi tới đầu làng, nhìn ngọn khói nhà ai bay lên, chẳng hiểu sao lòng thấy ấm áp kỳ lạ. Chỉ cần mẹ cha vẫn ở đó, bên căn bếp nhỏ, dù xa đến mấy cháu con cũng tìm về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảo thơm mùi khói bếp ngày xuân