Món ngon “làng lúa làng hoa“
Đúng là “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài”, dù đã đi bất cứ nơi đâu thì về chen chân trong những ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà Nội, thực khách lại muốn tìm món xôi làng Phú Thượng. Xôi lạc dẻo thơm, xôi đỗ đen bùi ngậy, xôi ngô, xôi xéo đậm đà… Người dân phố cổ Hà Nội còn chưa quên hình ảnh bà bán xôi đầu chợ Hàng Bè, đủng đỉnh đơm xôi cho khách giữa ồn ào khu chợ sầm uất bậc nhất kinh kỳ, với đủ món ngon danh tiếng. Chẳng cần biển hiệu hay mời chào, người ta cũng biết bà cụ đó là người làng Phú Thượng với gánh xôi đã đi vào ký ức của bao người.
Mỗi lần được kể chuyện nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (ở số nhà 1/180, phố Phú Thượng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) lại hồ hởi. Dù mới gần sáu mươi tuổi, so với nghề làm xôi truyền thống của làng, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cũng được xếp vào lứa cầm “sổ hưu” khi đã gắn bó tới 45 năm với những gánh xôi theo nhau vào phố phường lúc sớm mai.
“Lên 7 tuổi, tôi đã được mẹ sai ngâm đỗ, ngâm lạc hoặc ngồi nhặt bỏ những hạt gạo lẫn. Lớn lên làm nghề thì thấy thực sự cần sự tỉ mẩn, nhẫn nại bởi đủ các công việc phải làm từ sáng sớm đến đêm khuya. Để có được những thúng xôi ngon dẻo, nóng hổi mỗi sáng, người nấu xôi phải dậy làm hàng từ 2-3h sáng. Khi bán hết thì lại phải bắt tay vào ngâm gạo, đỗ, lạc, chiều lại xóc gạo, rửa lá, đãi đỗ… cho kịp buổi hàng hôm sau. Mỗi loại xôi cần kỹ thuật riêng về ngâm gạo, trộn nguyên liệu, điều chỉnh lửa khi nấu. Thậm chí, vo gạo cũng cần kỹ thuật để gạo không bị vỡ. Những dụng cụ truyền thống để nấu xôi, ủ xôi cũng là bí quyết gia truyền”, bà Tuyến chia sẻ.
Làng Phú Thượng giờ đã thành phố, thành phường. Triền đê uốn quanh mềm mại thuở nào từ Chèm xuôi về Yên Phụ, Long Biên giờ thành đường lớn 4 làn xe. Nhưng trong nhịp đập của cuộc sống mới, len lỏi giữa những lớp nhà cao tầng vẫn giữ nguyên nếp làng nghề, nhà nhà đỏ lửa từ tinh mơ. Trong làn khói nghi ngút đượm mùi thơm gạo mới, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vừa thoăn thoắt lấy xôi mang ra ủ vừa bật mí, mỗi ngày bà vẫn nấu khoảng 55-60kg gạo. Cả nhà có 4 người làm xôi, có những khi khách đặt hàng nhiều, bà không dám nhận thêm vì làm không xuể.
Giữ tinh hoa đất nghề
Xôi làng Phú Gia xưa, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đã nâng tầm lên nghệ thuật ẩm thực Hà thành với thương hiệu đã được công nhận, gìn giữ. Những bà, những chị bán xôi truyền thống chân chất nét người ven đô xưa được tôn vinh thành nghệ nhân đất nghề. Với uy tín và sức lan tỏa của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, nơi kết nối các dòng họ lớn như họ Công, họ Nguyễn, họ Hy… trên đất Kẻ Gạ trứ danh.
Là Phó Chủ tịch Hội, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến càng khéo léo truyền nghề cho lớp cháu con sau này. “Kể từ khi “buôn có bạn, bán có phường” theo về quy củ đến nay, Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các thành viên như chia sẻ kinh nghiệm làm xôi, bán xôi, hỗ trợ dùng điện một giá... Qua đó, giúp các thành viên gắn kết và cùng giữ nét truyền thống của làng”, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vui mừng chia sẻ.
Hằng năm, các thành viên trong Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng còn tham dự các lớp tập huấn do chính quyền địa phương và các ngành tổ chức về vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng có gần 400 hội viên tham gia. Xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của thành phố Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thượng Nguyễn Công Quảng đánh giá, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến là người nhiệt tình “truyền lửa”, đi đầu thực hiện các hoạt động của khu dân cư, của Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, của phường Phú Thượng và nhiều hoạt động giao lưu khác. Nhất là dịp người dân Phú Thượng tổ chức Lễ hội xôi đầu xuân hằng năm, bà Tuyến là người trực tiếp làm, hướng dẫn, chia sẻ, trình diễn nhiều món xôi ngon của Phú Thượng để du khách mọi miền Tổ quốc ghé thăm đều có thể thưởng thức và trải nghiệm.
Để nhận ra xôi Phú Thượng giữa nhộn nhịp, ồn ào đời thường không khó. Trong khi các nơi chỉ bán một loại xôi, người Phú Thượng thường bán 4-5 loại như xôi lạc, xôi gấc, xôi xéo, xôi ngô... Chỉ với khoảng 10 nghìn đồng, thực khách có thức quà sáng ấm lòng. Dù vốn chỉ là thức quà sáng giản dị, nhưng vì kết tinh cả giá trị tinh thần lẫn vật chất nên thực khách vẫn không quên những gánh xôi ẩn hiện trong phố từ lúc tinh mơ hay những đĩa xôi ngũ sắc sánh ngang các tinh hoa ẩm thực khác trên mâm cỗ của đất Kẻ Chợ…