Kiểm tra, giám sát đi đôi với tập huấn
Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố tiến hành kiểm tra tại bếp ăn tập thể Trường Mầm non Phương Tú (huyện Ứng Hòa). Qua kiểm tra, nhìn chung nhà trường bảo đảm an toàn trong khâu lựa chọn, chế biến thực phẩm; ký hợp đồng với cơ sở kinh doanh, cung cấp nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, người tham gia chế biến tại bếp ăn bán trú phù hợp quy định và có cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, hằng năm, nhà trường đều tổ chức tập huấn cho giáo viên, nhân viên các kiến thức về an toàn thực phẩm. Bếp ăn được thực hiện theo quy trình một chiều, có kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn… Tuy nhiên, nguồn nước phục vụ bếp ăn của nhà trường phụ thuộc hệ thống lọc và nước đóng bình do điều kiện hệ thống nước sạch của huyện Ứng Hòa còn nhiều hạn chế.
Tương tự, kiểm tra tại Trường Mầm non xã Trung Tú, bà Lê Thị Vọng - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, nhận thức việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là bảo vệ sức khỏe cho cả cô và trò khi tới trường, các khâu từ bữa bán trú đến nước uống, nhà trường đều chọn đơn vị cung cấp uy tín, được cơ quan chức năng chứng nhận.
Còn tại thị trấn Vân Đình - một trong những địa phương có số lượng hộ kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống lớn với hơn 100 hộ, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đơn vị đẩy mạnh. Đi đôi với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho gần 100 hộ dân trong tháng 5-2023…, thị trấn cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra. Theo đó, từ đầu tháng đến nay, thị trấn Vân Đình tiến hành kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhà hàng… Qua đó đã xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng đối với 1 cơ sở có dụng cụ chế biến không bảo đảm, không có xô đựng rác theo quy định…
Bà Nguyễn Thị Thúy, hộ kinh doanh thực phẩm tại thị trấn Vân Đình kiến nghị, huyện Ứng Hòa cần tăng cường hơn nữa thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; thường xuyên hướng dẫn các chủ cơ sở về cách bảo quản thực phẩm, quy trình sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn. Người tiêu dùng cũng cần được cung cấp thông tin về cơ sở thực hiện tốt hoặc không tốt về an toàn thực phẩm.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vân Đình Nguyễn Hữu Bảy, để việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn hiệu quả, thị trấn mong huyện và các đơn vị chức năng sớm hỗ trợ địa phương xây dựng tuyến phố điểm về an toàn vệ sinh thực phẩm để người dân cam kết thực hiện, người tiêu dùng tin tưởng.
Tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm
Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2023, UBND huyện Ứng Hòa đã ban hành các văn bản, thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, tiến hành kiểm tra công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của ban chỉ đạo an toàn thực phẩm các xã, thị trấn; trực tiếp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Qua kiểm tra 61 cơ sở thực phẩm trên địa bàn huyện, có 57 cơ sở đạt, chiếm 93,44%; 4 cơ sở chưa đạt, chiếm 6,56%. Có 4 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 9,5 triệu đồng…
Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các xã, thị trấn cũng tiến hành kiểm tra 252 cơ sở, trong đó có 239 cơ sở đạt, chiếm tỷ lệ 94,8%; 13 cơ sở không đạt, chiếm 5,2%. Đa số cơ sở vi phạm do chưa cung cấp được giấy khám sức khỏe định kỳ, điều kiện vệ sinh cơ sở chưa bảo đảm, chất lượng thực phẩm chưa được chú trọng…
Để bảo đảm việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa chia sẻ, các cơ quan chức năng của thành phố sớm ban hành hướng dẫn việc xây dựng mô hình nhà trạm, lắp đặt nhà trạm, danh mục các thiết bị phục vụ xét nghiệm nhanh hằng ngày tại nhà trạm, chợ dân sinh và các nội dung liên quan tới hoạt động nhà trạm; đề nghị Sở Công Thương hướng dẫn cụ thể về quy trình xác nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ, đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm theo đề án quản lý cơ sở kinh doanh trong chợ và cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, để bảo đảm công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm từng bước đạt hiệu quả cao, huyện kiến nghị cấp trên tăng cường công tác đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng lãnh đạo quản lý và kiến thức chuyên môn cho đội ngũ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cấp huyện, cơ sở...
Qua kiểm tra thực tế công tác an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1 Vũ Cao Cương đề nghị, UBND huyện Ứng Hòa tiếp tục bám sát chỉ đạo của cấp trên, triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; huy động tối đa sự vào cuộc của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương để tuyên truyền, phổ biến quy định về an toàn thực phẩm, kiến thức lựa chọn, bảo quản, chế biến, tiêu dùng thực phẩm...