Cộng đồng mạng

Vì một cộng đồng mạng văn minh

Bảo Minh 17/09/2023 - 07:04

Thời gian qua, nhiều nhóm anti-fan trên mạng xã hội không dừng lại ở việc đóng góp, phê bình mà đã đi quá giới hạn, gây ra hậu quả nặng nề về vật chất lẫn tinh thần cho nạn nhân.

Ranh giới của cảm xúc yêu ghét với việc vi phạm pháp luật là rất gần, đòi hỏi cộng đồng mạng thận trọng khi tham gia các nhóm anti-fan nhằm tạo nên cộng đồng văn minh trên cả mạng xã hội lẫn ngoài đời.

minhhoa.jpg
Hãy là người ứng xử văn minh trong đời sống và trên mạng xã hội.

Dễ dàng lập nhóm

Xã hội ngày càng phát triển, hiện đại, con người càng được tự do bày tỏ quan điểm, cách nhìn của mình về một vấn đề nào đó. Vì thế, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều nhóm anti-fan - được hiểu như là nhóm người hâm mộ của một cá nhân, tổ chức này sử dụng mạng xã hội để chống lại một cá nhân, tổ chức khác không cùng quan điểm, lợi ích. Một số nghệ sĩ tên tuổi từng trở thành nạn nhân của các nhóm anti-fan, như Hương Giang, Sơn Tùng M-TP, Hải Tú, Jack... hay gần đây nhất là Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi. "Làn sóng anti" đối với Huỳnh Trần Ý Nhi lên cao, mỗi ngày có hàng chục bài đăng chỉ trích, đòi tẩy chay, đòi tước vương miện của "nàng hậu" do cô có những lời phát ngôn thiếu chuẩn mực và những lần "vạ miệng" trên sóng truyền hình, livestream của cô...

Theo đánh giá của một số chuyên gia xã hội học, hiện có 2 dạng anti-fan là "anti-fan công khai" dưới hình thức các hội, nhóm (Group), Fanpage, và một dạng nữa là "anti-fan ẩn danh". Các group anti-fan bị thao túng bởi những cá nhân có ảnh hưởng (KOLs). Mỗi khi KOLs hay nghệ sĩ mà họ yêu mến, thần tượng bị bất cứ cá nhân, tổ chức nào xâm hại về mặt hình ảnh, danh dự hay động chạm đến lợi ích thì nhóm này sẽ sử dụng các group mạng xã hội tấn công, lăng mạ một cách mù quáng, không cần biết đúng, sai, phải, trái. Hành vi của nhóm thường được đánh giá là "lên đồng tập thể" do bị kích động.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nhìn nhận, nhóm "anti-fan ẩn danh" có thể xem là "nhóm lợi ích mạng xã hội", cần có chế tài, phương án xử lý dứt điểm bởi tính bài bản và có kế hoạch rõ ràng của những thành viên tham gia. Nhóm anti-fan này thường không đại diện cho bất cứ cá nhân, tổ chức cụ thể nào, mà chỉ là các nhóm "anti-fan giấu mặt" hay "anti-fan được thuê” để có hành vi định hướng dư luận theo cách hiểu sai vấn đề, tấn công vào danh dự, uy tín cá nhân, tổ chức, khiến dư luận hiểu không đúng bản chất sự việc. Nhóm này được xem là đại diện của một dạng "truyền thông đen", "truyền thông tiêu cực". Xét về mức độ vi phạm pháp luật, nhóm anti-fan này hoạt động tinh vi và có chiến lược bài bản hơn nhóm kia. Và, những cá nhân giữ vai trò định hướng trong nhóm thường không xuất hiện công khai.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc xuất hiện nhiều nhóm anti-fan trên mạng đã tạo ra một môi trường tiêu cực, không lành mạnh đối với sự hình thành nhận thức, văn hóa ứng xử, nhân cách của mỗi người, đặc biệt là giới trẻ. Những người trong nhóm này thường chú trọng vào việc chỉ trích, thậm chí phỉ báng người khác thay vì đóng góp có tính xây dựng.

Các hành vi của nhóm anti-fan không chỉ gây tổn thương đến danh dự và uy tín của cá nhân bị nhắm vào, mà còn có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng về tâm lý và sức khỏe của nạn nhân. Các hành vi như đưa tin đồn sai sự thật hoặc lăng mạ có thể tạo ra áp lực và sự căng thẳng tột cùng cho nạn nhân, ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của họ. Ngoài ra, việc tham gia vào các nhóm anti-fan đã thu hẹp tầm nhìn của người tham gia. Bằng cách tập trung vào việc thảo luận và lan truyền thái độ căm ghét, người tham gia có thể trở nên mù quáng và thiếu khả năng xem xét các quan điểm và sự quan tâm của người khác.

Tạo môi trường trực tuyến tích cực

Đưa ra một vụ việc cụ thể, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng, vụ bà Nguyễn Phương Hằng "tố" các nghệ sĩ làm từ thiện trên mạng xã hội đã khiến tình hình an ninh trật tự bị ảnh hưởng. Sự việc này có sự góp mặt đắc lực của nhóm anti-fan giấu mặt.

"Việc cá nhân thần tượng một nghệ sĩ hay người nổi tiếng là hành vi dân sự được pháp luật cho phép. Song, theo tôi, bất cứ cá nhân nào tham gia vào nhóm xã hội trên mạng xã hội, dùng group này tấn công cá nhân, tổ chức khác thì đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Phương thức hoạt động chủ yếu của các nhóm này là đưa ra những comment (bình luận) mang tính quy chụp, tạo tin fake (tin giả) để hạ uy tín, danh dự của những cá nhân mà họ tấn công. Nguy hại hơn, một số nhóm anti-fan còn lan truyền thông tin về đời tư của người bị tấn công trong các nhóm kín nhằm mục đích loan tin giả, xúc phạm, cướp đi danh dự của họ, đẩy nhiều gia đình vào tình trạng bế tắc, nhiều cá nhân bị chấn thương tâm lý đến mức phải tự sát hoặc trầm cảm, xa lánh xã hội" - nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang chia sẻ.

Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, việc xuất hiện các nhóm anti-fan đã gây ra hệ lụy xấu, thậm chí gây ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an ninh quốc gia. Vì vậy, các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan an ninh mạng cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm minh những nhóm anti-fan nào có đủ cơ sở xác định là vi phạm pháp luật để làm gương, từ đó góp phần làm trong lành "bầu khí quyển mạng xã hội".

PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích, ranh giới giữa cảm xúc yêu ghét và vi phạm pháp luật là rất mong manh, và việc vi phạm pháp luật có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng như bị khởi kiện, phạt tiền hoặc thậm chí là chịu án tù. "Bởi vậy, mỗi người nên thận trọng khi tham gia vào các nhóm anti-fan và hạn chế những hành vi tiêu cực, có tính chất thù địch trên mạng. Thay vào đó, chúng ta nên tạo ra một môi trường trực tuyến tích cực, lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau. Điều đó tốt cho mỗi cá nhân và toàn xã hội" - ông Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm đó, nhà thơ Lữ Mai cho rằng, những nhóm anti-fan đã đi ngược lại với văn minh của nhân loại. "Chúng ta không hài lòng với bất cứ ai thì có thể đối thoại, thậm chí đệ đơn kiện nếu đối tượng đó có dấu hiệu xâm phạm tới danh dự, lợi ích của mình; việc lập nhóm giấu mặt, giấu tên trên mạng xã hội đã tạo ra tiền lệ xấu trong cách đối xử giữa con người với con người và giữa con người với xã hội. Chúng ta được sống trong thời kỳ tự do nhưng phải tự do trong khuôn khổ pháp luật để góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh. Thay vì là những "anh hùng bàn phím", chúng ta hãy góp công xây dựng "xã hội ảo" và xã hội thực thực sự tiến bộ, văn minh, góp phần lan tỏa những điều tử tế trong xã hội" - nhà thơ Lữ Mai khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì một cộng đồng mạng văn minh