Xóm vạn chài ''chuyển mình''

Nguyễn Mai| 13/06/2023 11:12

(NSHN) - Huyện Đan Phượng có 2 xóm chài, đó là Vạn Thắng Lợi thuộc xã Hồng Hà và Vạn Vỹ thuộc xã Trung Châu. Tuy ở địa giới hành chính khác nhau nhưng 2 xóm chung nguồn cội, chung đình làng.

Vạn Vỹ hôm nay đã đổi thay rõ nét khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ tái định cư, đầu tư cơ sở hạ tầng, tu bổ cải tạo công trình tâm linh… Vẫn mưu sinh chủ yếu nhờ sông nước nhưng biết cách làm kinh tế, đời sống người dân có nhiều đổi thay...

Dù đã lên bờ nhưng đa số hộ dân vạn chài vẫn kiếm sống bằng nghề sông nước, chủ yếu là đánh bắt cá tự nhiên và đi tàu sông.

Dân chài đã an cư

Có lẽ, hiếm có ngôi làng nào lại đặc biệt như làng Vạn Vỹ ở Đan Phượng. Nó lạ bởi tuy định cư ở 2 xã khác nhau nhưng vẫn chung làng, thờ chung đình.

Theo giới thiệu của ông Trần Việt Lượng (xóm Vạn Thắng Lợi, xã Hồng Hà), những cư dân đầu tiên của làng Vạn Vỹ vốn là người xã Phương Đình, kiếm sống dọc sông Đáy (đoạn gần cầu Phùng) di cư tới. Ban đầu, họ không trú ngụ ổn định. Dọc sông Hồng từ Phúc Thọ xuống Đan Phượng, mỗi nơi họ ở một thời gian với nghề đánh bắt tự nhiên.

Khoảng năm 1954, những hộ dân chia làm hai ngả. Một số hộ ngược lên xã Trung Châu thành xóm chài Vạn Vỹ (còn gọi là xóm Đoàn Kết); một xuôi xuống xã Hồng Hà thành xóm chài Vạn Thắng Lợi và sinh sống ổn định đến nay. 

Nếu như trước kia, nhắc đến Vạn Vỹ, nhiều người nghĩ ngay đến những con thuyền lênh đênh sông nước, nơi nghèo khó, trẻ em không được đến trường thì trở lại làng chài Vạn Vỹ hôm nay, rất nhiều đổi thay bao trùm lên vùng quê này. Điều dễ nhận thấy đầu tiên ở Vạn Thắng Lợi và Vạn Vỹ đó là cả 2 xóm đều đã có những hộ dân lên bờ, xây dựng xóm làng khang trang.

Hiện nay, làng chài Vạn Vỹ ở cả 2 xóm với hơn 150 hộ dân, hơn 600 nhân khẩu. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cả 2 xóm đều được bố trí đất tái định cư, xây nhà trên bờ. Cụ thể, từ năm 1960 đến nay, xã Hồng Hà đã 4 lần bố trí đất tái định cư cho các hộ dân vạn chài. Đối với xã Trung Châu, cuối năm 2018, huyện và xã cũng đã giao đất (có thu tiền sử dụng không qua đấu giá) cho 32/57 hộ dân, giúp người vạn chài dần an cư, ổn định cuộc sống.

Khu tái định cư của các hộ dân Vạn Vỹ trên địa bàn xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) đã có 7 hộ xây dựng nhà.

Hai bà Nguyễn Thị Phú, Trần Thị Mậu là chị em dâu đều đã xây dựng nhà khang trang trên đất tái định cư.

Ở khu tái định cư cho các hộ dân vạn chài xã Trung Châu, những ngôi nhà 2-3 tầng đã được các hộ xây dựng khang trang. Hai bà Nguyễn Thị Phú, Trần Thị Mậu là chị em dâu với nhau, năm nay đều đã ở tuổi “thất thập”. Bà Mậu cho biết: Gia đình xây dựng nhà từ năm 2019 - là hộ đầu tiên ở khu tái định cư này làm nhà. Còn gia đình bà Phú thì dựng nhà năm 2020. “Chúng tôi đều đã nhiều tuổi nên ở nhà cơm nước và trông cháu. Các con vẫn sinh sống trên thuyền để tiện đi đánh cá”, bà Phú nói.

Xóm chài Vạn Thắng Lợi (xã Hồng Hà) dường như khang trang hơn. Cả Vạn Thắng Lợi có 82/98 hộ dân, đã “lên bờ” xây nhà. Nhiều ngôi nhà của người dân được xây dựng với thiết kế đẹp mắt. Hệ thống giao thông trong xóm đều đã bê tông sạch đẹp. Từ cách đây hàng chục năm, xóm Vạn Thắng Lợi đã được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở và khuôn viên nhà văn hóa. Mới đây, nhà văn hóa tiếp tục được tu sửa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân.

Điểm sáng trong phát triển kinh tế

Không chỉ được Nhà nước quan tâm hỗ trợ tái định cư và xây dựng hạ tầng khu dân cư hoàn thiện, đời sống kinh tế của các hộ dân xóm chài Vạn Vỹ và Vạn Thắng Lợi những năm gần đây tiếp tục có nhiều bứt phá.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trung Châu Bùi Văn Hưng, dù đã lên bờ nhưng đa số hộ dân vạn chài vẫn kiếm sống bằng nghề sông nước, chủ yếu là đánh bắt cá tự nhiên, nuôi cá lồng và đi tàu sông. Riêng xóm chài Vạn Vỹ hiện có khoảng 40 hộ làm nghề chài lưới. Những năm gần đây, cả khúc sông Hồng - đoạn từ Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) qua thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ đến hết địa phận huyện Đan Phượng chỉ còn 2 xóm chài thả lưới nên nguồn lợi thủy sản tự nhiên khá dồi dào. 

Nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên sông Hồng khá dồi dào.

Anh Nguyễn Văn Thanh - người dân xóm chài Vạn Vỹ cho biết, thời điểm này, cá sông khá nhiều. Người dân Vạn Vỹ trông nước thủy triều để đi đánh cá và đoán được những luồng cá lớn. Mới đây, vợ chồng anh Thanh chỉ quăng lưới một buổi đã được cả tạ cá vền. Cá được một số hộ dân vạn trong xóm thu mua, chế biến thành món chả cá vền ngon nổi tiếng, bán ra thị trường. 

Người Vạn Vỹ nắm bắt được đặc tính của từng loài cá, biết những đoạn ghềnh như Bá Giang, Chu Phan - nơi thường có các loại cá quý ẩn nấp. Nếu may mắn đánh được các loại cá chiên, lăng hoa, ngạnh, chạch, tôm càng xanh… cũng kiếm được tiền triệu mỗi ngày. 

Không chỉ đánh bắt thủy sản, nhiều hộ dân Vạn Vỹ và Vạn Thắng Lợi còn đầu tư tàu sông trọng tải lớn chở cát sỏi nên kinh tế khá… Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, tính riêng xóm Vạn Thắng Lợi đã có hơn 30 hộ mua sắm tàu trọng tải lớn để làm dịch vụ vận tải đường sông. Mỗi tàu như vậy thu hút 4-5 lao động làm việc. Đã có hộ dân xóm chài thành lập doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến bãi, xây dựng… tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Xóm chài được đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã. 

Hiện, cả xã Trung Châu và Hồng Hà đều đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Kinh tế phát triển, các xã đều không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt hơn 72 triệu đồng/người/năm. Trong thành tích chung của các địa phương có sự đóng góp từ sự nỗ lực "chuyển mình" của người dân xóm vạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóm vạn chài ''chuyển mình''