Hà Nội văn

Xuân về nơi căn gác nhỏ

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thanh Nga 14/01/2024 - 06:28

Hắn đứng lên, không để ý nên cộc đầu vào trần nhà. Chiều cao của gian nhà là một mét rưỡi, trong khi hắn cao một mét bảy. Chưa bao giờ hắn đứng thẳng được trong nhà của mình.

Nói nhà cho có vẻ sang trọng, thực ra là gian gác xép cũ. Nhà có ba anh em trai, bố mẹ trước khi mất chia cho mỗi người một góc. Anh cả ở gian ngoài, anh hai ở gian trong, hắn trên gác xép.

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Thời buổi tấc đất tấc vàng, một mét vuông trong phố, nhất là phố cổ, càng trở nên quý giá. Nhưng lối vào căn gác xép của hắn hun hút sâu, ánh sáng mặt trời không bao giờ thèm ngó ngàng đến. Vì thế ban đêm hay ban ngày, mưa hay nắng trong nhà cũng phải bật cái đèn tuýp có ánh sáng mờ mờ, đục đục.

Ngày hắn cưới vợ, nền bê tông trải chiếu hoa thành giường tân hôn. Chiếc chăn con công màu đỏ cũng không giấu nổi góc riêng tư. Để giữ ý tứ đôi vợ chồng trẻ không dám cựa mạnh. “Vợ chồng mình cố gắng làm ăn rồi mua căn nhà rộng hơn”. Nghe hắn thì thào, cô vợ ngượng ngùng gật đầu.

Thảo vợ hắn bán bánh mì ở đầu phố. Dân đông, khách khứa ổn định nên cũng dành dụm được chút ít. Nhưng hắn quên lời hứa với Thảo từ khi đám bạn ma men rủ rê. Hắn đi thâu đêm suốt sáng. Hắn sợ trở về ngôi nhà chật hẹp, sợ nghe tiếng thằng con mấy tháng tuổi khóc ngặt nghẽo, đòi vươn ra khỏi căn gác nhỏ bé. Hắn trốn tránh thực tại bằng cách vùi đầu vào những cơn say.

Vợ hắn bế con đi tìm, dìu hắn về. Hắn loạng choạng leo chiếc thang gỗ và nằm vật ra, kéo tã của con đắp lên mặt rồi ngủ ngon lành. Vợ hắn nhìn lên cái trần nhà thấp tẹt, cay đắng khóc. Chỉ có thằng con bụ bẫm ngước nhìn mẹ với đôi mắt sáng trong. Nó bò lổm ngổm quanh nhà, sờ vào mặt bố rồi cười khanh khách.

Gia đình anh cả, anh hai đều mua nhà rộng rãi hơn để ở. Một phần ngôi nhà nằm trong diện bị giải tỏa, thu hồi để mở rộng ngõ đi thông sang khu phố sau, chừa lại mỗi cái gác xép của hắn. Giờ đây nó như chiếc lồng chim lơ lửng trên không. Bán chẳng ai mua, mà nếu bán thì vợ con hắn biết sống ở đâu?

Vợ hắn không bán bánh mì nữa. Có người rủ buôn hàng ở chợ Đồng Xuân kiếm tiền nhanh hơn. Thảo vốn nhanh nhẹn nên sau vài chuyến buôn vải bắt đầu có lãi. Ban đêm cô không đi tìm hắn nữa. Thảo dắt con rời khỏi ngôi nhà chật chội, tự tìm cho mình một tương lai sáng sủa hơn. Ngày tòa giải quyết ly hôn, hắn lếch thếch trở về “chuồng chim” của mình. Nhà chật mà lòng hắn trống rỗng. Vợ con không còn ở đây nghe hắn lải nhải hứa hẹn nữa. Trước đây, mỗi khi tỉnh rượu hắn lại hứa với Thảo rằng mình sẽ thay đổi. Đã bao lần cây bàng đầu phố rụng lá vào mùa đông rồi đỏ lá vào mùa thu, hắn vẫn say, say lại tỉnh, tỉnh lại say.

Bây giờ chẳng còn ai lo cho hắn. Hắn đi quanh những con đường trên phố cổ, ai gọi bốc vác thuê cũng làm, chỗ nào cần người trông xe thì tạt vào. Có tiền hắn lại uống rượu, đến bữa ăn cơm bụi qua ngày. Đấy là những ngày thường, phố phường còn đông đúc. Giữa đám đông hắn thấy mình có vẻ không cô đơn.

- Giai phố cổ, tổ bê tha!

Cô Lan bán hàng nước ở vỉa hè thường trêu hắn. Hắn gân cổ cãi:

- Lấy được giai phố cổ đã tốt. Cô không biết gì thì im cái mồm đi.

- Này! Anh nói năng cho cẩn thận, không là chiều nay tôi cấm cửa đấy nhé!

Hắn im bặt, chuồn đi thật nhanh kẻo chiều nay Lan không cho ngồi quán rít thuốc lào vặt, ghi chịu vài con đề thử vận may nữa.

Mấy hôm nay thật rét, hắn co ro trong chiếc áo đại cán của bố để lại. Hắn như người từ mấy thập niên trước xuyên không trở về, làm cho người qua lại trên phố phải ngắm nhìn rồi mỉm cười quay đi hờ hững. Những ngày cuối năm, người đi mua sắm tấp nập. Hắn không sợ gì bằng sợ Tết. Các hàng quán đóng cửa im ỉm. Hắn chẳng biết đi đâu, làm gì ngoài việc nằm lì trên căn gác, cắm mặt vào chiếc ti vi cũ kỹ, màn hình nhập nhoạng lúc được lúc không. Xem mãi cũng mỏi mắt, nghe mãi cũng chối tai. Những bài hát về mùa xuân không khiến hắn vui vẻ mà chỉ làm hắn thêm tổn thương. Bao năm nay hắn làm gì có “xuân”. Chả nhẽ cứ phải nhớ đi nhớ lại cái mùa xuân của hơn ba mươi năm trước. Được bố mẹ mua cho quả bóng bay, hắn chạy chơi cùng hai anh trai trên con phố nhuộm đỏ xác pháo. Ngày ấy vui lắm. Gần như cả phố ăn đụng thịt lợn nhà bác Toan. Bố hắn mua về chai rượu chanh vàng óng. Thứ rượu có vị ngọt chứ không cay như rượu hắn vẫn uống bây giờ. Giá như hắn không theo lũ bạn xấu lêu lổng. Giá như hắn giữ lời hứa với Thảo tu chí làm ăn thì đời hắn bây giờ sẽ là mùa xuân khác. Giá như... Hắn úp mặt vào gối rồi khóc, như đứa trẻ ngày nào khóc nhè bắt đền bố mẹ. Nhưng bố mẹ giờ chỉ là hai chiếc di ảnh treo ở nhà ông anh cả. Mùng một Tết hắn làm sao dám bén mảng đến nhà anh trai, vì sợ lại mang đến cho họ điềm xui xẻo.

Hình như nỗi sợ Tết làm hắn bị ốm. Người hắn toát mồ hôi, cái trán nóng hổi. Định lấy ca nước nhưng vớ nhầm ca rượu. Hắn uống một hớp rồi nôn sặc sụa. Miệng đắng ngắt nên lần đầu tiên hắn thấy sợ rượu. Lần đầu tiên hắn tự hỏi: “Tại sao rượu cay đắng thế này mà mình có thể nghiện được?”. Hắn lết cái thân thể mệt mỏi đi xuống cầu thang, tìm việc làm. Với hắn, không làm thì chết đói, chẳng ai từ thiện cho hắn mãi được.

- Anh ra phố Hàng Mã mà làm! Sáng nay tôi thấy ở đó nhiều hàng về lắm.

- Thế hả? Mà hôm nay cô Lan trông duyên thế! Quán nước cuối năm đông vui nhỉ?

Hắn tếu táo nói. Lan e thẹn nghiêng mặt đưa cốc trà nóng cho khách. Cô bán hàng nước ở đây được hơn mười năm rồi. Ngày ấy cô nuôi mẹ chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai rồi kiếm chỗ bán nước để có tiền trang trải viện phí. Mẹ cô đã mất ba năm trước, trong căn phòng trọ ở “xóm chạy thận”. Khuôn mặt có vết sẹo to do bị bỏng nước sôi từ nhỏ nên Lan thấy mặc cảm, ngoài ba mươi vẫn lẻ bóng một mình, trung thành với quán nước ở góc phố. Khách dừng chân ghé quán ấn tượng với nụ cười của cô. Mỗi khi cô cười, khuôn mặt ánh lên niềm vui, như chẳng còn vết sẹo.

Chiều cuối đông, vài đám mây xám nhởn nhơ trên bầu trời bàng bạc. Hắn vừa xong việc liền ghé vào quán, ngồi lên chiếc ghế nhựa màu xanh:

- Lan này! Từ nay tôi không bao giờ uống rượu nữa.

- Uống hay không kệ anh, liên quan gì tới tôi.

- Tôi bắt đầu “cưa cẩm” Lan có được không?

- Không! Tôi không thích giai phố cổ.

- Thôi được. Tôi không hứa nữa, tôi sẽ hành động cho em thấy.

Hắn đặt mạnh cốc nước xuống, đứng dậy dứt khoát rồi đi vào ngõ. Hắn leo lên cái thang gỗ để trở về gian gác nhỏ của hắn. Lan nhìn theo, từng bước chân chắc chắn chứ không xiêu vẹo như mọi khi hắn say sưa. Giọng nói của hắn tròn vành và ấm áp. Tất nhiên Lan cũng có cảm tình với hắn, ấy là những khi hắn không uống rượu, khuôn mặt thật hiền. Nụ cười hắn thật duyên dưới hàng ria mép gọn gàng, nam tính. Hắn nói chuyện rất hay, những câu chuyện từ bao cuốn sách hắn đã đọc ở thư viện ngày còn trẻ. Lan biết điều đó nhưng cô chẳng bao giờ để tình cảm của mình phát triển lên cả. Cô sợ mình không đủ sức cảm hóa một người nghiện rượu.

Thế mà từ hôm đó hắn bỏ rượu thật. Người trên phố không còn thấy hắn nghêu ngao hát, nghêu ngao chửi đời nữa. Họ chỉ thấy một anh chàng hiền lành chăm chỉ đi khuân vác thuê. Chiều về, hắn ngồi bên quán nước tỉ tê cho Lan nghe những câu chuyện từ xa xưa. Không chỉ chuyện trong sách, mà cả những câu chuyện trong lòng phố cổ bà nội từng kể cho hắn nghe, mà tới giờ hắn vẫn nhớ như in như tạc.

Lan điệu đà hơn từ ngày hắn chẳng còn say. Cô biết kẻ viền mắt đen, tô chút son cho môi thêm đỏ. Và những đêm gánh hàng nước trở về phòng trọ, cô thấy yêu đời, gánh chẳng còn nặng trên vai.

- Lan thấy không? Tôi bỏ rượu thật mà!

- Thì kệ anh! Liên quan gì tới tôi?

- Lan không đồng ý sớm là tôi quay về với vợ cũ đấy nhé!

- Thật không? Sao anh lại nói thế?

Chả là hôm trước, hắn tới thăm con trai. Thấy căn nhà hai mẹ con khang trang và sạch sẽ, hắn cảm thấy thật có lỗi. Lẽ ra hắn phải là người lo cho vợ con mà nay để cô ấy một mình bươn chải. Thảo không đi bước nữa. Chẳng biết có phải cô ấy vì khổ sở với hắn mà trở nên sợ đàn ông. Hắn tới gần Thảo rồi hỏi nhỏ:

- Anh muốn quay về với em có được không?

- Không! Với anh lòng tôi từ lâu đã nguội lạnh.

Hắn gật đầu, không nói thêm gì nữa, âu yếm con trai, dúi cho nó ít tiền. Lúc hắn toan ra về thì một người đàn ông có vẻ mặt điềm đạm đi vào. Hắn hiểu, Thảo đã tìm được chỗ dựa vững chắc, tốt hơn hắn. Lòng hắn cảm thấy có lỗi với vợ cũ, điều ít ỏi hắn có thể làm là cầu mong cho cô ấy được hạnh phúc.

Hắn nói với Lan, nửa đùa nửa thật:

- Thì đời anh chỉ có hai người đàn bà. Em không yêu anh thì anh tìm về với Thảo.

Lan ngừng tay pha nước, vẻ mặt có phần nghiêm túc.

- Chỉ cần anh bỏ rượu, còn lại, để em tính xem.

Hắn nhìn đối diện vào mắt Lan, bỗng thấy rưng rưng.

Từ dạo ấy, mỗi khi chiều buông hắn lại cùng Lan thu dọn hàng quán chở về khu nhà trọ. Thỉnh thoảng ngoái nhìn ngôi nhà cũ chật chội của mình, hắn chợt mỉm cười như đưa tiễn một đoạn quá khứ mà chính hắn muốn quên đi.

Chiều xuân nắng ấm, mái ngói phố cổ xô nghiêng, bám chặt nhau hơn trong màu rêu xanh sẫm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuân về nơi căn gác nhỏ