Hiện nay, nhiều hộ sản xuất miến dong ở Minh Khai đã lấy chất lượng làm tiên phong, không chạy theo số lượng, mà luôn bảo đảm an toàn thực phẩm. Các mặt hàng miến đều phải tươi, ngon, sạch và có một hương vị riêng.
Bà Nguyễn Phi Thanh Vân, cơ sở sản xuất bún, bánh Đỗ Danh Trí (xã Minh Khai) cho biết, xã Minh Khai vốn có nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bún, phở. Kế thừa và phát huy làng nghề của địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm bún, phở của gia đình cũng đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để sản xuất các loại bún, phở có nguồn gốc thực vật và các loại rau, củ quả. Không chỉ tạo nên những sản phẩm màu sắc bắt mắt, mà sản phẩm còn tuyệt đối an toàn do không sử dụng các chất phụ gia. Năm 2021, cơ sở cũng đã đăng ký 2 sản phẩm: Bún gạo lứt và phở gạo lứt tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm và đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thuận, ở xã Minh Khai, để nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở sản xuất bún miến của gia đình đã đưa công nghệ mới trong nấu bún, làm miến với hệ thống máy móc hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, chất lượng bao bì của thương hiệu miến Trung Kiên của gia đình được bao gói bằng túi PE, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Nhờ đó, sản phẩm được khách hàng tin tưởng và đánh giá cao về chất lượng.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Minh Khai Phí Thị Biển cho hay, để làng nghề phát triển bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã xây dựng chi hội thay đổi hành vi bảo đảm an toàn thực phẩm và tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ, không sử dụng chất cấm và chỉ sử dụng các nguồn nguyên liệu an toàn, truy xuất được nguồn gốc.
Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai Nguyễn Chí Thao cho biết, hiện toàn xã có 24 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 16 sản phẩm miến dong, bún khô các loại và 8 sản phẩm thuộc loại gia vị. Các hộ trên địa bàn xã rất chú trọng tới vấn đề chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu sơ chế nguyên liệu đến chế biến, đóng gói sản phẩm đưa ra thị trường.
Bên cạnh đó, xã Minh Khai là một trong những địa phương đi đầu của huyện xây dựng nhãn hiệu tập thể "Bún miến phở khô Minh Khai" để nâng cao vị thế cho sản phẩm làng nghề và lan tỏa thương hiệu làng nghề ra các nước. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Minh Khai đã xuất khẩu bún khô, miến dong đến các thị trường quốc tế, như: Hàn Quốc, Hà Lan, Nga…
Các hộ sản xuất trong làng cũng đã thành lập Hiệp hội Sản xuất bún miến Minh Khai. Với sự đầu tư bài bản về khoa học, kỹ thuật và hệ thống máy hiện đại để nâng cao công suất sản phẩm, cũng như chất lượng sản phẩm, hy vọng trong thời gian tới, nghề miến dong ở Minh Khai sẽ trở thành một điểm sáng kinh tế của nông thôn mới Hà Nội; đồng thời, gắn phát triển kinh tế làng nghề với du lịch sinh thái, thu hút khách du lịch tới tham quan, mua sắm.
Có thể nói, từ những nông sản thuần Việt, người dân làng nghề xã Minh Khai đã sáng tạo ra nhiều loại sản phẩm từ bún, miến như miến sắn dây, miến đỗ xanh, bún khô, bún gạo… Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh của làng nghề miến dong Minh Khai ở thị trường trong nước và thế giới, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã.