Di sản

Bảo tồn hội làng trong phố: Phát huy giá trị lễ hội

Bảo Khánh (ghi) 20/11/2023 15:21

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo tồn, nhưng với những lợi thế đặc biệt mà chỉ các lễ hội ở khu vực nội thành mới có thì đây chính là nguồn vốn xã hội, là nguồn lực văn hóa quan trọng của Thủ đô.

Việc nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá giá trị của lễ hội không chỉ góp phần nhận diện, định vị bản sắc Hà Nội, mà còn giúp ích cho quá trình phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng thành phố sáng tạo. Hànộimới Cuối tuần xin giới thiệu ý kiến của một số nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa về vấn đề này.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng:
Lễ hội là một trong những nguồn lực văn hóa

638356091013500106-hong-1.jpg

Lễ hội truyền thống trong khu vực nội thành Hà Nội có lịch sử lâu đời, đa dạng về sắc thái và độc đáo về giá trị, tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt cho Hà Nội gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long. Lễ hội trong khu vực nội thành Hà Nội mang tính tổng hợp, biểu đạt sức sáng tạo văn hóa được tích lũy và trao truyền qua nhiều thế hệ, in dấu trong các nghi lễ, nghi thức tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn chương nghệ thuật, lễ phục, ẩm thực, trò chơi dân gian...

Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội và văn hóa của các quốc gia, việc phục hồi và phát huy giá trị của lễ hội truyền thống có vai trò quan trọng nhằm bảo lưu, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

221 lễ hội tại 12 quận của Hà Nội là một trong những yếu tố cấu thành nguồn lực văn hóa Thủ đô, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa Hà Nội phát triển tích cực trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện các cam kết sau khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Để lễ hội trở thành một sản phẩm ý nghĩa, một nguồn lực giá trị của thành phố sáng tạo, thời gian tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu, lựa chọn các lễ hội phù hợp về nội dung, quy mô và sự thuận tiện cho du khách để xây dựng thành sản phẩm du lịch; xây dựng tour du lịch tâm linh có sự kết hợp của các loại hình du lịch khác dựa trên nguồn tài nguyên và những lợi thế sẵn có của địa phương nơi diễn ra lễ hội nhằm phục vụ du khách nhưng không làm mất đi giá trị nguyên bản của lễ hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội:
Lễ hội truyền thống tạo nên vốn xã hội

638356091020520736-an.jpg

Việc thực hiện nghiêm cẩn các nghi thức truyền thống sẽ góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn lễ hội, đặc biệt là các lễ hội trong khu vực nội thành vốn phải chịu nhiều sức ép hơn so với các huyện ngoại thành. Tuy nhiên, không ít lễ hội đang phải đối mặt với nguy cơ biến dạng trong việc thực hành nghi lễ. Để hạn chế tình trạng này, các địa phương nên phối hợp với ngành Văn hóa, các nhà nghiên cứu và khảo sát thư tịch, chứng cứ vật thể, các nguồn sử liệu có liên quan để phục dựng, tổ chức lễ hội với các nghi thức gần sát nhất với truyền thống.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lễ hội truyền thống sẽ tạo nên vốn xã hội với 3 tiêu chí: Niềm tin xã hội, sự tuân thủ các chuẩn mực xã hội và sự kết nối các mạng lưới xã hội. Lễ hội là “mái nhà” tâm linh, tạo nên niềm tin xã hội khi người ta hướng về sự thành kính, thiêng liêng. Việc kết nối vốn xã hội sẽ tạo ra nguồn vốn văn hóa. Các lễ hội sẽ kiến tạo nên vốn văn hóa và giá trị văn hóa cho địa phương. Để bảo vệ và phát huy giá trị đầy đủ, không thể tách rời lễ hội truyền thống tại khu vực nội thành Hà Nội và lễ hội truyền thống của cả nước với những giá trị đã được tích lũy, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Tiến sĩ Đinh Việt Hà, Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam):
Tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp văn hóa

638356091027229338-dinh-vie.jpg

Khu vực nội thành Hà Nội từ xa xưa đã là nơi tập trung đông dân cư và cũng là nơi tụ hội của các giá trị văn hóa, di sản, tín ngưỡng, lễ hội cổ truyền. Các lễ hội truyền thống ở khu vực này nếu được khai thác tốt thì giá trị của chúng sẽ trở thành nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công nghiệp văn hóa.

Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo và phần việc xây dựng các trung tâm sáng tạo, thành phố thông minh..., qua đó khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô.

Trong không gian của các lễ hội, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề sẽ được trưng bày, giới thiệu với du khách, thúc đẩy tiêu dùng. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trong dịp diễn ra các lễ hội không những đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn góp phần quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ và ẩm thực truyền thống, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội, từ đó tạo điều kiện trao đổi, giao lưu hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Các dịch vụ văn hóa được tổ chức tốt sẽ làm phong phú thêm nội dung sinh hoạt lễ hội.

Hà Nội có tiềm năng lớn về du lịch, trong đó, lễ hội được xem như một bộ phận cấu thành tiềm năng ấy. Khách du lịch đến Hà Nội thường tập trung ở khu phố cổ bởi nơi đây hội tụ nhiều di tích lịch sử và các phố nghề xưa gắn với các lễ hội truyền thống. Ngoài ra, khu vực này còn có các địa điểm ẩm thực độc đáo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Thông qua các lễ hội truyền thống ở khu vực phố cổ, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian được giới thiệu tới du khách. Nhờ vậy, độ nhận diện văn hóa Việt Nam được gia tăng trong du khách quốc tế. Việc gắn kết hoạt động du lịch với văn hóa, đưa du lịch trở thành một mũi nhọn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa truyền thống và cả hiện đại của Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn hội làng trong phố: Phát huy giá trị lễ hội