Hà Nội văn

Chiếc xe đạp của bố

Phố Hoa 24/06/2023 06:25

Những năm 1980, khoảng cuối thời kỳ bao cấp đời sống vẫn còn nghèo lắm. Giao thông đi lại ở nông thôn phần lớn là đi bộ, vận chuyển thì dùng xe ngựa hoặc xe bò kéo. Nhà nào khá giả lắm mới tích cóp tiền tậu một chiếc xe đạp nhưng cũng thường bọc bịt thật kỹ treo trong nhà cho đỡ xước sơn, ngày ngày ngắm nghía như một bảo vật, hãn hữu lắm mới dám mang ra dùng.

d7815edee930386e6121.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà

Ở Thủ đô khá hơn, hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một chiếc xe đạp, một số nhà giàu có hoặc có người thân đi du học, lao động nước ngoài về còn tậu hẳn xe máy để ngao du.

Nhà tôi thuộc thành phần “giao thoa” giữa nông thôn và thành thị. Mẹ tôi là nông dân, làm ruộng nuôi đàn con nhỏ ở quê. Bố tôi làm kỹ sư hóa trong một nhà máy ở ven đô. Nhờ cần kiệm, chịu khó tích cóp tiêu chuẩn tem phiếu mua từng chi tiết phụ tùng suốt thời gian dài, rồi cũng đến một hôm bố tôi đã sắm được chiếc xe đạp Favorit gióng ngang của Tiệp Khắc.

Không thể diễn tả hết được niềm vui sướng xen lẫn tự hào của chị em tôi khi gia đình sở hữu một chiếc xe đạp. Chiếc xe sơn màu sẫm, có treo cả biển số ở gióng xe. Bố đi làm cả tuần, từ sáng sớm thứ hai đến thứ bảy mới trở về nên cứ chiều cuối tuần bốn chị em lại tắm rửa sạch sẽ từ sớm, dắt tay nhau ra đầu làng ngóng bố. Gió từ hồ phả vào mặt mát rượi. Tít phía xa xa, cánh đồng lúa đang thì con gái rập rờn sóng sánh đưa hương lúa lùa căng lồng ngực đám trẻ con xóm nghèo. Chờ đợi mỏi mòn rồi cũng thấy. Bố tôi kia rồi! Vóc dáng gầy gò, nhỏ bé, ông đang còng lưng cố gắng guồng chân đạp thật nhanh để mau trở về với đàn con thơ đang hồi hộp ngóng trông.

Bố bóp phanh kêu kin kít cả một đoạn đường dài thì xe mới chịu dừng. Chúng tôi chạy ùa ra đón bố. Đứa bé bám áo, đứa lớn túm yên đòi trèo lên xe, đứa phàm ăn chỉ hong hóng dòm vào túi đồ của bố xem có quà gì. Trong đó hẳn là nhu yếu phẩm, đậu, thịt, đường, sữa, mắm, muối bố mua theo tiêu chuẩn cán bộ để dành mang về nuôi vợ con. Và nhất định không thể thiếu tờ báo Hànộimới, Nhân Dân biếu ông nội, báo Thiếu niên Tiền phong dành cho các con. Đó mới là thứ quà mà tôi mong đợi nhất mỗi tuần. Bố ưu tiên bế thằng út đặt lên yên xe rồi dắt về. Ba đứa còn lại bám xe ríu rít chạy theo sau. Tiếng cười nói râm ran rộn cả đường làng.

Lớn hơn, khi chúng tôi tập đi xe đạp thì cũng dùng chiếc xe của bố dù tập đi xe nam có gióng ngang khó khăn vô cùng. Trẻ con thấp bé, đôi chân còn ngắn, vậy mà chúng tôi cũng dùng một chân để đạp một bên bàn đạp, chân kia vắt qua gióng ngang rồi ngồi lên yên xe, cố nhoài chân ra để với. Cu em tôi không với được chân qua gióng bèn vặn eo cong người mà luồn một chân dưới gióng xe sang bàn đạp phía bên kia, thoăn thoắt như một nghệ sĩ xiếc tí hon. Thỉnh thoảng, những “nghệ sĩ xiếc nhí” cũng bị ngã lăn ra đường, xây xước chân tay nhưng niềm vui đi xe đạp át hết mọi đau đớn. Sau này trưởng thành, khi ôn chuyện thời bao cấp với bạn bè, mới hay thời chúng tôi, dường như đứa nào cũng từng có lần tập đi xe đạp nam như thế.

Đầu năm 1990, tôi có chuyến đi xa đầu tiên trong đời trên chiếc xe Favorit “huyền thoại” ấy. Bố đưa tôi ra Hà Nội sống cùng ông, mở đầu cho “công cuộc di dân” của cả gia đình sau này. Ngày lên đường, tôi vô cùng háo hức vì sẽ được ngồi xe đạp một quãng đường dài đến thế. Đồ đạc của một đứa trẻ cũng không nhiều, toòng teng một chiếc túi vải treo ở ghi đông. Sách vở thì ra đấy sẽ sắm mới. Tôi ngồi bám chắc lấy áo bố. Mẹ, chị, em và quê hương lùi dần lại phía sau hai bố con. Lưng áo bố dần ướt đẫm mồ hôi. Hương lúa vẫn quấn quýt, vấn vương theo từng vòng xe quay đều, quay đều cùng chiếc xe Favorit đưa tôi vào tương lai rộng mở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiếc xe đạp của bố