Hà Nội văn

Con trâu cuối cùng ở làng

Truyện ngắn của Vũ Đảm 29/10/2023 - 16:41

Chị Liễn nghẹn ngào gọi điện cho tôi: “Cậu ơi! Con Một sừng vật vã mấy ngày nay mà chưa chết, nhắc đến tên cậu là mắt nó lại sáng lên, chắc nó mong được gặp cậu lần cuối”.

z4807867745126_3f3f27f44efc.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Một sừng! Chỉ nghe tên nó tâm hồn tôi đã xao động chứ đừng nói nó đang hấp hối. Hai năm vừa rồi vì vợ bị tai nạn mà tôi chưa về quê, chứ trước năm nào tôi cũng thu xếp cho vợ con bay ra ăn Tết, thắp hương ông bà, bố mẹ, thăm hỏi bà con và tất nhiên là vuốt ve, trò chuyện với Một sừng rồi dắt nó ra cánh đồng làng để nó thong dong gặm cỏ, còn tôi lại tha thẩn với những kỷ niệm tuổi thơ.

***

Hơn hai mươi năm trước, sau khi nghỉ, thôi không làm chủ nhiệm hợp tác xã thì bố tôi mua một con trâu. Ai cũng chê con trâu gầy nhẳng, sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Bố tôi chỉ im lặng vì ông biết xem tướng trâu, mông to ngực nở là rất khỏe, dáng đi vững chãi là rất hiên ngang, mắt to và sáng là rất nhân ái, không phản chủ. Nó gầy do chủ cũ lười, không chịu chăn dắt, chăm sóc nó.

Về nhà tôi mới có hai tháng, được bố con tôi chăm bẵm, con trâu béo khỏe hẳn lên, cày bừa gấp rưỡi, gấp đôi so với những con trâu khác. Còn sự hiên ngang của nó thì... Con trâu Mộng nhà ông Chu nổi tiếng to khỏe và hung dữ, bắt nạt tất cả những con trâu trong làng để chiếm hữu những bờ cỏ xanh mướt và dĩ nhiên cả những con trâu cái. Bọn trâu đực rất căm con Mộng nhưng đành ngậm ngùi. Trâu nhà chị Nuôi, nhà anh Bần từng bị con Mộng húc cho què chân, sứt mõm. Dường như con trâu nhà tôi nhận ra sự bất công này. Nó ngấm ngầm rèn sức bằng cách gặm thật nhiều cỏ, chạy như bay trên những thửa ruộng mới gặt.

Một buổi chiều, con trâu nhà tôi đến bên một con trâu cái mới lớn. Con Mộng ve vãn con cái này nhiều lần nhưng đều bị nó lồng lên, chạy ra xa. Thế mà trâu nhà tôi dám to gan chiếm “người tình” của nó. Mấy đứa bạn hò hét tôi dắt trâu về ngay kẻo tan xương nát thịt với con Mộng. Tôi sợ hãi chạy tụt cả quần đùi nhưng không kịp. Con Mộng không biết từ đâu lao đến với tốc độ kinh hoàng. Từ xa, tôi hét lên: “Trâu ơi! Chạy đi, chạy đi!”, nhưng con trâu nhà tôi không chạy.

Huỵch! Con trâu nhà tôi nhanh nhẹn xoay người tránh cú húc như trời giáng làm con Mộng mất đà ngã dúi dụi. Con Mộng điên tiết quay lại tấn công, con trâu nhà tôi khôn ngoan nép vào con cái để tránh đòn. Lũ trẻ reo hò ầm ĩ khiến cả làng kéo ra chứng kiến cảnh “đánh nhau vì gái” của hai con trâu đực. Sau một hồi mất sức, có vẻ con Mộng nhận ra vấn đề. Nó húc vào con trâu cái, quả nhiên con này vùng bỏ chạy. Con trâu nhà tôi còn đang bàng hoàng vì mất lá chắn thì ăn trọn cú húc vào bụng. Nó đau đớn vùng chạy, phía sau con Mộng tăng tốc khiến bùn đất tung tóe. Khoảng cách cứ ngắn dần. Con trâu nhà tôi bỗng quay ngoắt lại khiến con Mộng không kịp xoay xở, hứng ngay một cú húc rất mạnh vào cổ.

Đám đông phấn khích hò hét nhưng không ai dám vào can ngăn. Rắc! Tôi gào lên khi thấy một cái sừng của trâu nhà mình bị gãy. Con trâu nhà tôi vô cùng đau đớn. Con Mộng ngạo nghễ nhìn địch thủ. Bất thần con Mộng quay ngoắt lại húc nhưng con trâu nhà tôi vụt né người và dùng chiếc sừng còn lại cắm phập vào mắt con Mộng. Con Mộng đau đớn, máu phun ra từ con mắt bị lòi ra ngoài. Con trâu nhà tôi tiếp tục lao vào tấn công khiến con Mộng bỏ chạy.

Tôi dắt trâu về nhà. Chỗ sừng gãy lởm chởm được bố tôi cưa bằng phẳng. Từ đấy tôi gọi nó là con Một sừng. Cũng từ đấy con Mộng có biệt danh là con Chột và hết hung hăng. Đàn trâu được tự do gặm cỏ, yêu đương trên cánh đồng làng lộng gió.

Sau trận thư hùng ấy, nàng trâu cái kia ra sức ve vãn Một sừng. Cứ tưởng nó sẽ đáp lại một cách nồng nàn nhưng tuyệt nhiên không. Thì ra Một sừng đánh nhau không phải vì tranh giành gái mà để dạy cho con Mộng một bài học và đem lại sự tự do, công bằng cho lũ trâu làng.

Một sừng phải lòng một ả trâu mũm mĩm xinh đẹp, đen bóng và có cái đuôi dài sát đất ở bên kia sông. Lúc đầu tôi nghĩ là ngẫu nhiên nhưng sau mới hay Một sừng và Đuôi dài sinh ra cùng làng, sát nhà nhau, thời còn là nghé con chắc đã nảy nở tình cảm nên khi Một sừng bị bán sang làng tôi chúng vẫn không quên nhau. Rồi một chiều hè yên ả, Một sừng đột nhiên biến mất. Tôi hốt hoảng chạy lại bờ sông và sững sờ chứng kiến cảnh yêu đương của chúng. Con sông khá sâu, rộng tới mấy chục mét, với một con trâu nặng mấy tạ thì bơi qua không dễ dàng. Đúng là yêu nhau mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua!

Cũng một chiều hè, tôi đi học về, thấy trời nóng quá liền cởi quần áo nhảy ùm xuống sông và bị chuột rút. Dòng sông vắng lặng, trên bờ không một bóng người. Tôi kêu cứu trong tuyệt vọng, chìm dần... Tôi tỉnh dậy trong tiếng khóc nức nở của mẹ, của chị. Người cứu tôi chính là Một sừng! Đang cày đám ruộng gần nghĩa địa làng thì nhìn thấy tôi đi học về, linh cảm được điều gì nên nó chồm lên không chịu cày. Bố tôi quất roi rất mạnh, con trâu vẫn không chịu cày nên ông đành tháo gióng. Lập tức Một sừng phi về phía bờ sông, lao xuống và bàn tay chới với của tôi cuối cùng đã bám được vào chiếc sừng cụt của nó...

Sau lần đó, tôi và Một sừng trở thành đôi bạn tri kỷ. Chính vì đã cứu sống tôi nên khi lũ trâu làng lần lượt bị bán cho lò mổ vì sự cạnh tranh của máy cày bừa tư nhân thì Một sừng vẫn được bố tôi nuôi.

Tôi vào đại học, lập nghiệp, cưới vợ ở Sài Gòn, bố mẹ cũng lần lượt qua đời. Ở quê chỉ còn chị Liễn đã lấy chồng và Một sừng được giao cho con chị chăn dắt. Mỗi năm tôi lại gặp nó vào dịp Tết. Bây giờ thì Một sừng đang hấp hối, đang đợi tôi, tôi không thể không về.

***

Tôi trở về nhà lúc ba giờ chiều. Nước mắt tôi chan chứa khi thấy Một sừng gày gò nằm thoi thóp bên bụi tre:

- Một sừng ơi! Tao về với mày đây!

Nghe thấy tiếng tôi, Một sừng mở mắt, cố vẫy vẫy đuôi. Chị Liễn bảo gần một năm nay nó ít ăn, yếu hẳn đi. Thỉnh thoảng nó đi ra đầu làng nơi tôi đã chia tay nó để vào Nam lập nghiệp. Và dĩ nhiên Một sừng không thể không ra bờ sông, nhìn về phía bên kia ngóng gặp người tình nhưng chỉ là vô vọng khi Đuôi dài đã bị người ta giết thịt từ lâu.

Tôi ngồi xuống, vuốt ve chiếc sừng chiến tích, động viên nó gắng ăn uống để khỏe mạnh, để mỗi năm vào dịp Tết tôi và nó lại gặp nhau, cùng nhau lang thang trên cánh đồng quê lộng gió, giữa tiếng lúa xào xạc, tiếng vi vo sáo diều. Một sừng nghe chừng hiểu hết, nhưng tuổi tác và nỗi buồn mất đi người tình đã khiến nó mỗi lúc một yếu.

Gã đồ tể béo múp đeo kính đen dựng xe rồi đi lại vỗ vai tôi: “Nó còn đang thoi thóp, tôi trả ông một triệu. Chứ chết rồi có cho tôi cũng không thèm lấy”. Tôi bảo không, mấy năm trước họ trả chục triệu tôi còn không bán, Một sừng là ân nhân của tôi, tôi sẽ chôn cất nó. Gã đồ tể nói, nó là trâu chứ là người đâu mà chôn với chả cất, thôi tôi trả hai triệu! Chị Liễn cũng bảo bán đi chứ giờ thanh niên bỏ làng ra thành phố hết rồi lấy ai mà khiêng nó? Mà mộ người còn phải mua đất mấy triệu một mét vuông thì con trâu này bao nhiêu đất cho vừa? Tôi nói sẽ chôn Một sừng ở góc thửa ruộng của bố mẹ để lại cho vợ chồng chị cấy lúa bù cho việc chăn dắt Một sừng, cũng chính là mảnh ruộng mà bố tôi, tôi và Một sừng đã gắn bó bao năm, có cả mồ hôi, nước mắt và nụ cười.

Trời tối dần, Một sừng vẫn thoi thóp, tôi đút cho nó ít cháo loãng, nó cố gắng nuốt từng tí một. Tôi mừng thầm, ăn được, nó sẽ hồi sức, khỏe lại.

Cả đêm, tôi gần như không ngủ, chốc chốc lại ra xem Một sừng thế nào. Khoảng ba giờ sáng, tôi mệt quá ngủ thiếp đi. Lúc sáu giờ, chị Liễn chạy đến đập tôi dậy:

- Cậu Lâm! Dậy đi! Dậy đi! Con Một sừng biến mất rồi!

Tôi vùng dậy lao ra chỗ bụi tre. Một sừng đã mất tích! Tôi nghĩ ngay đến gã đồ tể, liền lấy xe máy của chị Liễn phóng ra chợ làng. Tuyệt nhiên không có ai bán thịt trâu. Tôi lại lao đến nhà gã, gã càu nhàu bảo tôi cứ về đi, tí nữa gã sẽ cho mấy thằng đệ đến làm thịt con trâu. Vậy ra gã không ăn trộm Một sừng!

Tôi phi xe máy về, chả hiểu thế nào mà lại lao ra cánh đồng làng. Từ xa nhìn xuống, tôi sững sờ khi thấy Một sừng đang nằm trên thửa ruộng của bố mẹ tôi.

Tôi khóc nức nở. Ôi Một sừng ơi, mày đã nghe hết những lời của tao với mọi người chiều qua, mày không muốn tao tốn kém, không muốn phiền phức đến ai nên mày đã cố lê ra đây để chết. Hèn chi tối qua mày gắng ăn nhiều cháo để lấy sức.

Một sừng đã chết nhưng đôi mắt nó vẫn mở. Tôi thì thầm với nó: Hãy nhắm mắt ra đi thanh thản; tao sẽ chôn mày ở góc ruộng, sát với con mương mày vẫn uống nước; tao sẽ xây mộ mày đàng hoàng, trên đặt một tấm bia ca ngợi chiến công của mày thời trai trẻ. Đôi mắt Một sừng vẫn không khép lại!

Chị Liễn cũng đã ra đây từ bao giờ, chị trách tôi tri kỷ gì mà không hiểu hết về nó. Nó muốn khi sống có ích cho con người, có lợi cho đồng loại nhưng khi chết thì bình dị, lặng lẽ. Gật đầu với nhận xét chí lý của chị Liễn, tôi ngồi xuống, hai tay vuốt lên mắt Một sừng:

- Một sừng ơi! Tao sẽ không xây mộ, cũng không khắc bia nữa mà chỉ chôn rồi lấp phẳng đi để thân xác mày hóa vào đất làm tốt tươi cho cây lúa. Mỗi khi về quê, tao sẽ ra đây, không cần thắp hương khấn vái, tao chỉ nói với chính tao, hay với ai đó tình cờ đi qua, rằng đây là nơi an nghỉ của con trâu cuối cùng ở làng!

Đôi mắt Một sừng từ từ khép lại!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Con trâu cuối cùng ở làng