Đặc sản Ba Vì nâng tầm thương hiệu

Sơn Tùng| 09/09/2022 07:18

(HNM) - Ba Vì là huyện miền núi của thành phố Hà Nội, có thế mạnh sản xuất nông nghiệp. Để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, Ba Vì đã có nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Nhiều đặc sản của huyện như sữa, chè, gà đồi, thịt đà điểu, lợn, mật ong... được nâng tầm thương hiệu và chất lượng nhờ tham gia OCOP.

Là một trong những sản phẩm được xếp hạng OCOP từ năm 2019, sản phẩm mật ong Vinh Hoa của hộ sản xuất Vinh Hoa đang dần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo chủ cơ sở sản xuất mật ong Vinh Hoa Chu Thị Vinh, mỗi năm, gia đình chị xuất ra thị trường khoảng 60-70 tấn mật ong. Ngoài cung cấp cho thị trường nội địa, sản phẩm còn được một công ty của Hàn Quốc chuyên làm bánh gạo mật ong tiêu thụ. Hiện, gia đình chị có 11 loại mật ong đều được công nhận đạt OCOP, giúp nâng tầm thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tại xã Minh Châu - một trong những vùng chăn nuôi bò tập trung lớn của huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội chuyên cung cấp bò giống, bò thịt cho nhiều địa phương trên cả nước. Hiện, tổng đàn bò có gần 5.200 con, trong đó, bò cái sinh sản khoảng 2.700 con, bò sữa hơn 2.000 con. Ngoài cung cấp bò giống, bò thịt, đây cũng là địa phương cung cấp nguyên liệu sữa tươi sạch cho Công ty cổ phần Sữa Chị Vàng Ba Vì - đơn vị áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, sản phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng cao. Công ty đã có 8 sản phẩm được thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Giám đốc Công ty cổ phần Bánh sữa Ba Vì Đào Công Trường cho biết, năm qua, công ty đã đầu tư hệ thống quản lý giám sát về chất lượng, xây dựng thêm nhà xưởng, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, máy móc phục vụ sản xuất với chi phí gần 4 tỷ đồng. Nhờ trang thiết bị hiện đại, trung bình mỗi ngày, công ty sản xuất được hơn 40 nghìn thành phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn theo nhu cầu thị trường. Về nguồn nguyên liệu, mỗi ngày, công ty thu mua tại địa phương 4 tấn sữa tươi. Nguồn sữa nhập vào đều được lấy mẫu phân tích độ khô, độ béo, vi sinh, tồn dư kháng sinh... bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Công ty mong muốn huyện, thành phố tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá để sản phẩm tiêu thụ mạnh trong nước và xuất khẩu.

Khai thác thế mạnh thổ nhưỡng, khí hậu, Ba Vì đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất rau tập trung, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, sản xuất rau an toàn. Các xã: Yên Bài, Ba Trại nay đã nổi tiếng về chuyên canh cây chè, bưởi Diễn... sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm chất lượng, có giá trị kinh tế cao, giúp người dân làm giàu ngay tại quê hương.

Hiện, huyện Ba Vì có hơn 100 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông, các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, Ba Vì sẽ chuẩn hóa sản phẩm, tiếp tục hỗ trợ người dân quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, khẳng định thương hiệu trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặc sản Ba Vì nâng tầm thương hiệu