Đấu vật xứ Đoài ngày xuân

Đặng Bằng| 28/01/2023 06:05

(HNM) - Theo lời kể của các cụ cao niên, ngày xưa (ít nhất là từ năm 1945 về trước) ở xứ Đoài vào mùa xuân rất nhiều làng tổ chức hội vật. Hội vật ở các làng thường diễn ra suốt ba tháng xuân, nhưng nhiều nhất là trong tháng Giêng. Tất cả càng làm đậm thêm không khí sôi động tại các lễ hội, thường ở hội làng hoặc hội vùng, tôn vinh thêm tinh thần thượng võ.

Những làng hay mở hội vật mùa xuân là những làng có truyền thống vật, võ. Ở đó có lò vật do một người có uy tín, biết chuyên môn hoặc đã giành được nhiều giải ở các hội làng… đứng ra tổ chức. Sau vụ mùa, tiết mùa đông se lạnh là lúc các lò vào mùa luyện tập để sang xuân thi đấu. Mỗi lò vật thường có những bậc thầy truyền dạy kinh nghiệm, thủ pháp, miếng đánh vật riêng…

Ngày xưa chưa có nhà thi đấu như hiện nay nên nơi tổ chức đấu vật thường là các bãi đất rộng ở cửa đình, chùa hoặc nơi thoáng rộng gọi là sới vật. Trên bãi đất đó, sới vật được rải cát hoặc đất mầu cho phẳng và mịn. Xung quanh sới vật cắm cờ hội tung bay trong gió xuân. Người xem hội đứng xung quanh reo hò, cổ vũ.

Về nghi lễ, những làng giữ phong tục cổ truyền xưa kia thường trước ngày mở hội vật các vãi (các cụ bà) tổ chức cúng cháo. Trên đàn lễ thường có xôi, chuối, vài ba chục bát cháo hoa…, nhằm dâng cúng thần linh và các vong hồn ngụ ở đó âm phù cho các đô vật bình an, lễ hội suôn sẻ… Các đô vật của làng khi đi thi đấu ở làng khác hoặc xa xôi ngoại huyện thường có lễ Thành hoàng làng, cầu mong chuyến đi “chân cứng đá mềm” và giành được giải.

Đấu vật cũng như đánh gậy, kéo co, đá cầu… khi ở đó, người xưa quan niệm đam mê đấu vật vì tinh thần thượng võ. Họ coi đó là niềm vui thú dân gian, chứ không phải là nghề kiếm sống, đặc biệt trước đây giải thưởng chỉ mang tính động viên tinh thần là chính.

Giải thưởng thường có giải phụ (lèo) và ba giải chính. Giải phụ giành cho người thắng một keo vật. Giải chính giành cho người thắng ba keo, sau đó thách đố có người nào vật keo thứ tư không? Nếu không có ai theo mới giành được giải. Giải chính gồm một bánh pháo và một khoản tiền. Về giá trị kinh tế không đáng kể, nhưng tiếng đồn đô vật giỏi còn mãi với dân làng.

Về làng Phú Ổ (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) người làng vẫn kể chuyện đô vật Nguyễn Văn Ngạn. Cụ Ngạn sinh năm 1860. Năm 20 tuổi đô Ngạn đã có sức vóc hơn người, lại chịu khó luyện tập, nên sớm nổi tiếng.

Vào hội vật đô Ngạn thường hay dùng miếng xuống bò, nằm sấp xuống sân vật cho đối thủ xoay xở. Đối thủ sơ ý hoặc bị xuống sức là đô Ngạn bất ngờ vùng dậy, quật ngửa đối phương. Nhiều đô vật quanh vùng biết cụ hay dùng miếng võ ấy mà không hóa giải nổi, đành thua cuộc. Người đương thời gọi cụ là “đô trâu”, “Trâu lồng” để khâm phục tài nghệ.

Cụ giáo Khương Duy Anh năm nay 83 tuổi, nhà gần chùa Tây Phương, người viết nhiều cuốn sử xã, sử làng kể chuyện đô vật Lê Văn Ái nổi tiếng gần xa. Cụ Ái sinh năm 1885 tại làng Yên, xã Thạch Xá.

Thời thanh xuân, nghe tin làng Quế Dương (huyện Hoài Đức) mở hội vật, cụ Ái dẫn đầu 5-6 đô vật cùng làng đi hội. Cũng kể thêm, Quế Dương là làng có truyền thống thượng võ, có đình vật thờ Tổ nghề vật, có nhiều đô vật nổi tiếng.

Vào sới vật, đô Ái vật với đối thủ là người làng Quế Dương. Sau mấy hồi trống, đô Ái đã đè ngửa, khiến đô của Quế Dương, mấy năm trước đó chưa “lấm lưng, trắng bụng” với các đô quanh vùng, vào cảnh “lấm lưng, trắng bụng”. Cả hội vật bỗng ồn ào, náo loạn. Thì ra đối thủ là con của Lý trưởng Quế Dương.

Một số đô vật cùng lò với đối phương xông vào đánh đô Ái. Đô Ái chỉ dùng chiếc ô để chống đỡ mà không ai dám liều vào tấn công. Lý trưởng làng Quế Dương vội vàng xuống giảng hòa. Ông lý trưởng đích thân mời đô Ái cùng các đô vật làng Yên uống rượu bữa chiều hôm ấy và xin kết nghĩa anh em…

Ở xứ Đoài hầu như làng nào cũng có những đô vật nổi tiếng như đô Ban, đô Đức ở Phùng Xá; đô Sáu ở Đồng Bụt; đô Khinh ở Yên Nội (huyện Quốc Oai)… Những đô vật này đã tham gia hội làng, hội vùng cách ngày nay 40-50 năm, nhưng nhiều người còn nhớ.

Ngày xuân tiếng trống hội vật rung lên như thôi thúc dân làng đi xem đấu vật. Gần sới vật, hàng quà, hàng bánh, hàng đồ chơi… la liệt bày ra. Người xem vật ngồi, đứng vòng trong, vòng ngoài chăm chú xem vật và reo hò vang dội khi các đô vào miếng đánh vật và thắng cuộc.

Trong những quán trà, quán rượu người ta vẫn kể chuyện cụ Nghè Nguyễn Văn Bân, người xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1901), làm tới chức Hồng lô tự khanh, sinh thời đã mời các đô vật làng Yên vào Kinh thành Huế để vật biểu diễn cho vua quan Triều Nguyễn xem đặc sắc môn vật xứ Đoài.

Người ta cũng còn nhớ những năm 60 của thế kỷ XX, giữa lúc chiến tranh chống Mỹ, hội vật toàn miền Bắc vẫn được tổ chức và đô vật của làng Phú Ổ là Cấn Minh Thuận đã giành giải Nhì nức tiếng gần xa.

Ngày nay ở xứ Đoài nhiều làng đã được đầu tư xây dựng sới vật trị giá hàng tỷ đồng. Sới vật mới có sân thi đấu phủ bạt chuyên dụng, trên có mái che, xung quanh sới vật xây bậc ngồi xem như kiểu các sân vận động. Hội làng, ngày thì xem đấu vật, tối xem hát chèo… thật là vui. Hội vật thành phố Hà Nội cũng thường hay tổ chức ở các huyện thuộc xứ Đoài xưa - vốn có rất nhiều người ham mê và am hiểu môn vật, võ.

Ông Nguyễn Văn May ở xã Bình Phú (huyện Thạch Thất), người thường tham gia vào Ban tổ chức hội vật, mấy năm nay sưu tầm được nhiều bài thơ của người xem hội gửi Ban tổ chức, trong đó một bài thơ có đoạn:

“Làng ta mở hội mừng xuân
Để cho thiên hạ xa gần đến xem
Đi thì ba, bốn anh em
Mùng bảy còn thèm, mùng tám lại đi
Con trai, con gái đương thì
Vào xem đấu vật, ôm ghì vui thay!
Trời mát thì vật cả ngày
Hội làng trống giục làm say lòng người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đấu vật xứ Đoài ngày xuân