Hà Nội văn

Dưới giàn hoa thiên lý

Truyện ngắn của Đoàn Thị Thu Hương 08/10/2023 - 06:45

Mặt trời đứng bóng, nắng như đổ lửa nóng rát khó chịu, con đường bê tông phả lên mặt người từng đợt hơi nóng khô khốc, hừng hực. Mồ hôi đã nhễ nhại, chiếc xe máy chạy gần một buổi đường ròng rã dường như cũng biết mệt, bắt đầu nhả khói đen.

Hàng đã bán hết nhưng Nhâm chưa về ngay nhà, như một thói quen cô cho xe rẽ sang con ngõ trước mặt để đến ngôi nhà đó, ngôi nhà có giàn thiên lý nở đầy hoa.

a7b12b26b40e6050391f.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Nhâm là người miền biển, tuổi hai mươi hai rắn rỏi, nhanh nhẹn hoạt bát như bao cô gái ở vùng này. Học hết phổ thông, Nhâm quyết định ở nhà buôn bán như mẹ. Nhâm cảm thấy mình không có hứng thú để tiếp tục học cao hơn.

Phần nữa, Nhâm thương mẹ một mình phải vất vả xoay xở vựa cá tôm mỗi lần tàu của ba đi xa khơi về. Nói là phụ mẹ chứ thực chất cũng bởi Nhâm thích công việc buôn bán. Ba mẹ để Nhâm tự quyết định. Việc nhà cũng đầy ra, có Nhâm phụ giúp thì khỏi phải mướn người làm. Mà con gái ở đây cũng có mấy ai học cao đâu, thường xong cấp 3 thì ở nhà rồi lập gia đình, chờ chồng đi biển, mỗi khi tàu cập bến lại tất tả bán buôn, như mẹ, như chị Mai, như bao phụ nữ ở vùng biển này. Vậy mà họ vẫn sống tốt đó thôi.

Đó là ba nói thế, chứ chuyện lấy chồng Nhâm chưa hề nghĩ tới. Mà cái tính hoạt bát của Nhâm xem ra khá hợp với công việc buôn bán. Những đợt cá ba đánh bắt về Nhâm thay mẹ đứng ra lo xoay xở giao các mối quen rồi chạy chợ. Những ngày tàu ba xa khơi thì Nhâm lấy cá của tàu khác, của người làng để bán lại. Mẹ bảo Nhâm nhanh nhẹn, biết tính toán, buôn bán còn giỏi hơn cả mẹ.

Hơn năm nay, ngoài việc bỏ cá cho các mối lớn mà mẹ vẫn giao, Nhâm xin phép mẹ chạy xe máy theo chị Mai đưa đồ biển vào bán ở các xóm đồng, xóm cát miệt trong. Nhâm thấy chị Mai bao năm nay miệt mài công việc này nên muốn đi theo để học hỏi. Nghĩ đến việc được đi qua các vùng khác chứ không chỉ buôn bán quanh quẩn ở các bãi cá, ở chợ làng làm Nhâm thấy thích thú.

Chị Mai là người trong xóm đồng, lấy chồng ở ngay cạnh nhà Nhâm. Bao năm nay, đều đặn mỗi ngày một chuyến chị chạy xe máy đi đi về về trên con đường nhỏ giữa những đồi cát, rừng dương bạt ngàn, đem đồ biển bán cho người trong này. Cá tươi, cá khô, mắm ruốc..., những chuyến xe của chị lúc nào cũng lỉnh kỉnh các thùng hàng.

Chị nói với Nhâm, phụ nữ miền biển mình thường chỉ phụ thuộc kinh tế vào người chồng, cuộc sống cứ quẩn quanh chờ đợi. Chờ chồng, chờ những chuyến tàu xa khơi, cuộc sống gia đình phụ thuộc vào những mẻ lưới nên cũng khá bấp bênh. Mà biển thì đâu phải khi nào cũng cho nhiều tôm cá, có năm biển mất mùa hoặc gặp những ngày biển động thì cuộc sống cũng chật vật.

Cố gắng bươn chải thêm một tí, bán buôn dành dụm cũng để đỡ đần chồng mình chăm lo cuộc sống gia đình, để con cái không phải chịu cảnh thiếu thốn. Hơn nữa, chị là dân làm ruộng, sống ở miền biển nếp sinh hoạt vốn dĩ khác nhau khiến lòng chị thao thiết nhớ ruộng, nhớ làng.

Những chuyến xe chở hàng đi trên con đường làng rợp bóng mát rặng tre, đi qua những cánh đồng lúa xanh ngắt, rộng tít tắp đưa chị về gần với làng quê hơn. Nên dù chồng chị vì thương vợ ngược xuôi vất vả, đã nhiều lần can ngăn thì chị vẫn kiên trì với công việc này. Chợ búa nay đã mọc lên nhiều hơn nhưng những chuyến xe của chị bao năm nay vẫn không hề vơi khách. Một phần vì người ta ưng hàng của chị tươi ngon, một phần vì quý cái tính tình của người bán thật thà, chân chất. Chẳng cần rao cũng khỏi phải mời chào rổn rảng, hàng của chị vẫn bán chạy.

***

Hơn năm nay đi theo chị Mai tập tành bán buôn ở miệt này, Nhâm thấy thỉnh thoảng chị lại ghé qua ngôi nhà đó. Ngôi nhà nằm cuối ngõ, có rặng chè tàu bao quanh được cắt tỉa gọn gàng, thẳng thớm. Cổng nhà có giàn hoa thiên lý xanh um, tán lá sum suê ôm lấy vòm cổng. Mấy chùm hoa lúc lỉu rúc trong những tán lá dây leo chằng chịt, nhưng hình như chẳng mấy ai để ý mà hái xuống. Bên mép cổng, xưởng mộc nằm im lìm dưới tán cây mít già, thi thoảng có vài chiếc lá mít khô rơi xuống vọng âm thanh khẽ khàng lên mái tôn. Bên trong xưởng mộc, người đàn ông mặc bộ quần áo rộng xuềnh xoàng bạc màu che khuất thân hình rắn rỏi.

Mái tóc lâu ngày không cắt tỉa, bù xù vương mấy sợi gỗ bào, gương mặt cũng dính đầy bụi gỗ, mùn cưa. Nhâm để ý, cứ mỗi lần xe gần đến cổng nhà, chị tắt máy nhẹ nhàng dắt xe đi ngang qua xưởng mộc. Lần nào chị cũng nhìn vào bên trong, dù không chào hỏi nhưng hình như chị vẫn muốn để anh biết sự hiện diện của chị. Và nếu như chị đã không có lần kể thì Nhâm sẽ chẳng bao giờ biết được trước đây anh và chị đã từng thương nhau, từng tính chuyện cùng nhau xây dựng tổ ấm. Và rằng, sẽ chẳng ai biết được ngọn ngành sự việc nếu như người trong cuộc cố che giấu kỹ cảm xúc ở trong lòng.

Nhâm từng suy nghĩ như thế. Nhưng hình như giữa anh chị chẳng có chút gì là gắng gượng che giấu cảm xúc. Mỗi lần chị lướt qua xưởng mộc, anh chỉ ngẩng đầu lên khẽ nhìn rồi lại bình thản tiếp tục cặm cụi với công việc. Ánh nhìn không đủ lâu, không buồn, không vui mà cũng chẳng gợn chút giận hờn, trách móc. Chỉ là trên gương mặt đó cứ phảng phất nỗi cô đơn và nỗi buồn hoang hoải.

Năm đó, nếu không vì ba anh ngăn cấm, anh không vội vã nói lời chia tay rồi bỏ làng đi biệt thì có lẽ hoàn cảnh giờ đã khác. Mẹ anh đã kể với chị, trong bữa cơm ngày hôm đó, khi anh thưa chuyện với ba mẹ rằng muốn lấy chị làm vợ thì đã bị ba gạt ngay đi. Ba anh hắt bát cơm trên tay ra giữa sân, chiếc bát vỡ toang, những hạt cơm văng tung tóe, mấy mảnh sứ vụn vỡ nằm ngổn ngang trên nền gạch.

Ba anh đã khóc, ông chẳng chê trách chị điều gì, nhưng vì năm xưa ông nội chị bỏ làng đi làm tay sai cho lính Tây, rồi dẫn chúng về bắt bớ người làng. Ông nội anh cũng vì thế mà bị chúng bắt rồi giam cầm, tra tấn cho đến chết. Mất cha, ba anh ôm nỗi hận thù với cả dòng họ bên ấy. Nỗi đau còn đó, ba anh chưa thể nguôi ngoai thì làm sao kết nghĩa thông gia, thuận tình cho đôi lứa.

Anh cũng khóc, anh thương ba và cũng thương chị, thương cho chính bản thân mình không thể dứt khoát khi đứng giữa những rối rắm tình cảm. Mẹ dù thương anh, quý chị đến mấy cũng không thể nói đỡ, bởi hơn ai hết bà hiểu chồng mình vẫn còn ôm nỗi uất hận với cả dòng họ bên ấy.

Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn cứ còn âm ỉ. Và, nếu như lòng người chưa quên được thì nỗi đau sẽ không bao giờ chấm dứt. Sau bận đó, anh bỏ làng đi ra tận Hà Nam học nghề mộc rồi ở luôn ngoài đó. Có lẽ đó là cách duy nhất để anh trốn tránh tình cảm của bản thân, để chị có thể dễ dàng tìm kiếm hạnh phúc mới. Mãi đến khi ba mất, anh mới về nhà ở với mẹ, mở xưởng mộc.

Chị Mai nói chị cứ thấy áy náy, dù rằng chuyện đôi lứa không thành lỗi không phải tại chị. Đã gần mười lăm năm trôi qua mà anh vẫn cô đơn lẻ bóng, một mình cặm cụi nơi xưởng mộc làm ruột gan chị cứ thắt lại. Phần nữa, chị thương mẹ anh đáng ra tuổi này phải được sum vầy, đề huề con cháu nhưng giờ vẫn còn đau đáu chuyện của anh. Mỗi lần chị ghé thăm, bà vui lắm, tuồng như có đứa con gái lấy chồng xa lâu ngày về thăm. Bởi vậy, thỉnh thoảng chị lại ghé qua hàn huyên, động viên để bà cụ không cảm thấy buồn tủi, cô quạnh trong ngôi nhà rộng rãi mà vắng tiếng người.

Dưới bóng cây nhãn lồng bên thềm giếng, hai người phụ nữ một già một trẻ tỉ tê chuyện trò những câu chuyện không đầu không cuối. Nhưng chung quy lại họ cũng chỉ mong anh sớm yên bề gia thất, có vậy thì họ mới yên lòng, mới thôi áy náy.

Cuối tháng Bảy, miền Trung đoạn này nắng gắt mà thỉnh thoảng lại có những đợt mưa ngắn ngủi, vội vàng. Tiết trời ương dở nên cũng dễ sinh đau ốm. Hơn nửa tháng nay chị nghỉ chạy hàng vì con trai chị ốm phải ra vào bệnh viện mấy lần. Chị nhờ Nhâm thỉnh thoảng ghé qua ngôi nhà đó chuyện trò với bà cụ kẻo bà buồn, bà mong.

Tuần trước Nhâm đã ghé qua, hôm nay Nhâm lại sang lần nữa. Trời miên man nắng, xào xạc gió Nam, tán cây mít già không che hết nắng vẽ lên mái tôn nơi xưởng mộc những hình thù ngộ nghĩnh. Ngôi nhà vẫn thâm trầm vắng vẻ, nơi gian bếp nhỏ bà cụ lầm lũi cặm cụi với mớ rau, mớ cá để chuẩn bị bữa trưa, còn anh thì vẫn một mình trong xưởng mộc. Tự nhiên Nhâm thấy thương, cảm xúc lẫn lộn chen lấn khiến lòng cô nao nao. Lúc về, khi Nhâm dắt xe ngang qua xưởng, anh đứng nhìn ra khẽ mỉm cười chào Nhâm.

Nụ cười hiếm thấy trên gương mặt người đàn ông vốn cô đơn ủ rũ, dù chỉ là nét cười gượng gạo chào hỏi nhưng cũng đủ làm cho gương mặt anh trở nên tươi tắn. Đây cũng là lần đầu tiên Nhâm được nhìn rõ khuôn mặt anh, lần đầu tiên Nhâm thấy anh nở nụ cười. Bất giác mặt cô đỏ ửng mà lòng nghe xao xuyến.

Nhâm nhìn lên vòm cổng, giàn hoa lý vẫn xanh um, mấy bông hoa vẫn cứ đung đưa chờ người hái. Xe chạy trên con đường rợp bóng mát rặng tre, Nhâm mỉm cười mà lòng đan xen bao suy nghĩ, có lẽ ít bữa nữa Nhâm lại ghé qua hái mấy bông hoa lý cho bà nấu canh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dưới giàn hoa thiên lý