Hà Nội văn

Gió qua phố cũ

Truyện ngắn của Lữ Mai 07/09/2024 - 07:46

Người đàn ông xa lạ ấy tìm đến Nhi, cứu vãn cuộc hôn nhân của cô. Giữa lúc kinh tế eo hẹp, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng đã đến mức không thể đối thoại quá vài phút thì Nghiên đề nghị Nhi giúp anh ta viết một cuốn hồi ký, mỗi tháng sẽ trả công một số tiền mà vợ chồng cô dành dụm cả năm cũng không thể có được.

Nghiên đẩy xấp tiền ứng trước về phía cô, thái độ dứt khoát: “Hợp đồng sẽ chấm dứt khi tôi thấy không còn gì kể cho cô nữa!”.

z5791394532560_34f510404cba.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Sau hôm ấy, ngoài lúc đến cơ quan, Nhi trở thành người làm công cho Nghiên. Mọi việc chủ yếu thông qua email, điện thoại... Nghiên hay gọi khuya, khi các con cô đã ngủ, chồng đang nằm trên ghế sô pha dán mắt vào tivi, không mảy may bận tâm. Nhi nghe điện thoại ngoài ban công để tránh làm ồn. Lần nào cô cũng mong mau chóng kết thúc cuộc trò chuyện để kịp ghi lại trước khi cơn mệt mỏi ập đến. Dẫu vậy, màu xanh màn hình máy tính như mảnh trời thất lạc hiện ra sau âm thanh khởi động nhanh chóng xua tan cơn mệt mỏi. Nhi chép vào hồi ký của Nghiên những chi tiết mới. Xong việc, cô còn dư tỉnh táo nấu cho chồng bát mì. Nhìn bát mì đầy màu sắc, anh ngước nhìn vợ: “Cảm ơn em! Ngồi xuống ăn cùng đi”. Nhi ngạc nhiên: “Ơ! Anh quên là em ăn khuya sẽ bị đau bụng à?”. Anh cười trừ trước khi xì xụp ăn.

***

“Chuyện bố tôi lấy vợ hai cả phố ai cũng biết. Nhưng lạ là mẹ tôi và dì hai vẫn chung sống hòa bình, chưa khi nào điều qua tiếng lại. Mẹ tôi người gốc Hoa, có cửa hàng bán vải vóc lớn nhất phố. Khi dì hai về, mẹ xởi lởi rủ dì làm chung. Càng nhiều người biết đến gia đình tôi hơn, bởi cha tôi giàu sang lại có hai người vợ sắc nước hương trời, buôn bán có duyên. Mẹ và dì thường mặc áo lụa, đeo kiềng bạc, dáng vẻ khoan thai...”.

“Tôi là con trai độc nhất trong một gia đình hiếm muộn nên rất được cưng chiều. Dì về nhà tôi năm hai mươi tuổi. Lúc ấy tôi mười lăm tuổi, đã cao lớn lộc ngộc nhưng sáng ra vẫn lười biếng cuộn tròn trong tấm chăn ngồi thu lu trên trường kỷ giữa nhà. Từ phòng ngủ của cha đi ra là dì rón rén bước đến bên tôi, ân cần pha nước ấm vào thau đồng để tôi rửa mặt”.

Tin nhắn từ Nghiên: “Sáng mai cô thu xếp đi cùng tôi. Tôi đón ở đầu phố”. Nhi thu xếp công việc rồi đến chỗ hẹn. Xe vun vút lao đi, phố xá liêu xiêu nhòe dần. Nhi thiếp đi lúc nào không hay. Lúc tỉnh dậy, cô thấy xe đỗ trước một hồ nước mênh mông. “Anh đưa tôi đi đâu thế này?”, Nhi thảng thốt hỏi. Nghiên ra khỏi xe, giấu đôi tay trong túi áo. Hồ nước rộng thấp thoáng rặng phi lao, cây bụi đìu hiu, tịnh không một bóng người. Khi cô không giấu nổi sự hốt hoảng trong ánh mắt thì anh mới lầm rầm: “Mẹ tôi nằm dưới ấy”.

Mẹ Nghiên đã thề hẹn với người tình năm xưa rằng bà sẽ phụng dưỡng chồng tới khi nào ông ta mất mới đi theo tiếng gọi tình yêu. Vì bà mang ơn người chồng đã cứu bà ra khỏi vũng lầy nghèo khó, lo ma chay cúng giỗ cho cha mẹ bà sau đợt dịch kéo dài ở ngôi làng ven chân núi. “Cô không cần viết chuyện này. Bỗng dưng muốn đưa cô đến đây thôi”. Giọng Nhi nhỏ nhẹ: “Tôi hiểu ạ!”. Nghiên đột ngột quay sang nhìn cô: “Ta làm bạn đi”. Hơi bất ngờ, nhưng Nhi im lặng.

Trên mặt hồ, từng con sóng lăn tăn tỏa theo đường đồng tâm càng lúc càng ma mị. “Cô lạnh không?”. Giọng Nghiên bớt xa lạ hơn nhưng ánh mắt vẫn đăm đăm nhìn hồ nước. Bao nỗi lo lan man trong đầu khiến Nhi không thể tập trung vào những điều anh nói. Khi lái xe về thành phố, Nghiên thầm quan sát cô qua gương rồi lặng lẽ quay đi khi thấy cô bất chợt nhìn sâu vào trong đó. Nhi còn đẹp lắm, tuy đường nét hơi buồn phiền, lắng đọng vẻ truân chuyên. “Vì sao anh chọn tôi để kể về hồi ức?”, cô hỏi. Nghiên nhìn gương mà đáp: “Vì tôi tin vào cơ duyên”. Chẳng hiểu sao câu nói ấy khiến Nhi rùng mình. “Cô tin không?”, Nghiên hỏi khẽ. “Trước thì có, giờ hết rồi”. Giọng Nhi nhẹ hơn gió.

***

“Tôi là con của mẹ với người thương lái. Cha tôi mắc chứng bất lực. Chẳng qua ông ấy giàu, của cải chất chồng từ nhiều đời trước. Cha qua đời đủ trăm ngày, dì hai cũng bỏ đi biệt xứ. Tôi khi ấy đã đôi mươi. Mẹ kể cho tôi câu chuyện quá khứ rồi nhìn tôi thất thần giữa ngôi nhà trống trải. Bà xin tôi đưa bà đi tìm người đàn ông kia. Sau mấy ngày lặn lội trên một thị trấn sát biên giới, mẹ con tôi mới tìm ra ông ấy. Ông khước từ tôi - đứa con ngoài giá thú. Ông đã có nhiều con cái, với nhiều bà vợ khác”.

Nhi đọc lại những dòng hồi ký trong lúc các con cô, đứa lớn đọc truyện cổ tích cho đứa bé nghe. Chồng Nhi đã bỏ thói quen chơi đùa cùng con vào buổi tối. Anh bảo, một ngày, học chính, học thêm đã quá đủ mệt với lũ trẻ. Buổi tối nên để chúng tranh thủ học bài rồi đi ngủ. Nghe vậy nước mắt Nhi bỗng dưng giàn giụa. Chồng cô xẵng giọng: “Em lạ nhỉ? Hơi tí là khóc. Nước mắt giải quyết được gì?”. Từ lâu rồi cô đã hiểu rằng anh không còn như thời hai người yêu nhau nữa. Bây giờ, mỗi người là một thế giới riêng. Được cái từ ngày bắt đầu viết hồi ký cho Nghiên, chồng cô không phải nhận việc làm thêm nữa mà dành thời gian cho những trận bóng đá trên tivi, những cuộc bia bọt với đồng nghiệp. Vậy cũng tốt - Nhi nghĩ - chỉ cần thấy chồng con vui là mình mãn nguyện.

“Mẹ cùng tôi trở về phố cũ, căn dặn bà vú già chăm sóc tôi để bà an tâm cho một chuyến đi dài. Lâu nay được sống trong sự bao bọc, tôi nghĩ hết sức đơn giản là mẹ đi lấy hàng. Đâu ngờ bà đã ra hồ nước, nơi bà và bố đẻ tôi gặp nhau lần đầu. Mẹ vĩnh viễn nằm lại dưới hồ, không dấu vết. Những đêm ngồi thu lu trên trường kỷ, nhìn di ảnh cha mẹ như đăm đăm nhìn mình, tôi lại ước có dì hai bên cạnh. Tôi nhớ dì. Nhớ cảm giác áo lụa loang loáng trượt qua tôi mỗi sáng thức dậy. Nhớ lúc dì nhìn tôi, mắt long lanh cười như đứa trẻ. Giữa dì và tôi như có sự gắn kết vô hình từ muôn kiếp”.

“Nhớ ngày đầu cha đưa dì về, tôi chói mắt trước tấm áo đỏ nhức nhối dì vận trên người. Mẹ đến bên dì thỏ thẻ: Người nhà ta không mặc áo đỏ bao giờ. Hai má dì ưng ửng, ngượng nghịu nép trong phòng cưới để mẹ ướm tấm áo lụa bạch lên người. Dì lặng lẽ cười nhưng khóe mắt hơi ngân ngấn, giọt nước mắt trong ngần như sương...”.

Tháng này Nghiên đưa số tiền nhiều gấp đôi: “Tôi ứng thêm cho cô, dạo này nhiều tâm sự quá”. Nhi nhận tiền trong nỗi băn khoăn khó cắt nghĩa. Cô lo có điều bất thường xảy đến. Hay không làm nữa? Bỏ cũng tiếc nhưng sẽ không phải thấp thỏm, không làm việc này thì làm việc khác. Ý định của Nhi bốc hơi ngay tức thì khi thấy chồng đếm tiền xoành xoạch, nét mặt hân hoan: “Đủ góp các khoản ở quê em ạ! May nhờ lộc giời cũng có được chút đỡ cho bố mẹ”. Nhi im lặng. Còn gì hơn ngoài sự im lặng. Bởi cô hiểu, nếu tranh luận sẽ chỉ thêm cãi cọ, mâu thuẫn và nước mắt. Kinh nghiệm ấy, Nhi rút ra được sau hơn mười lăm năm chung sống.

***

“Hôn nhân của tôi không có chỗ cho hạnh phúc. Trước khi lấy vợ, ngoài dì hai, chẳng ai biết tôi mắc bệnh giống cha. Chính dì là người phát hiện bệnh của tôi nhờ những buổi sáng bưng nước cho tôi rửa mặt. Tôi cũng không hiểu sao dì lại tinh tường đến vậy”.

Đêm trước, Nhi bồng bềnh mãi trong dòng hồi ký ấy. Cô tỉnh dậy lúc ánh nắng chiếu thành luồng bụi li ti xuyên qua cửa sổ. Cô ốm từ sau buổi chiều dầm sương bên hồ và từ chối chiếc áo khoác Nghiên đưa.

“Tôi đang đợi cô, đi với tôi về nhà cũ được chứ?”. Thấy Nhi xách túi đi ra cửa, chồng cô chau mày: “Đang đau ốm, cả nhà lại sắp về quê rồi còn đi đâu nữa. Nếu nghe tôi về sớm hơn đã không phiền phức thế này”. Lần đầu tiên anh tỏ thái độ khi cô bảo đi làm việc cho Nghiên. Nhi sững người nhìn chồng. Thân hình vững chãi năm xưa làm chỗ dựa, giờ ngang nhiên thành vật cản. Cô cảm thấy mình không đủ sức đứng vững. Định quay vào thì chồng bỗng đưa tay mở cửa, một cách dứt khoát, như muốn tống khứ cô ra khỏi nhà. Nhi lùi lũi rời đi. Dáng vẻ đầy cam chịu.

“Cô khóc đó sao?”, Nghiên hỏi rồi dừng xe đột ngột. Anh mở đĩa nhạc. Giai điệu xưa cũ, ủy mị. Những giai điệu quen thuộc với tuổi trẻ của Nhi. “Cô đẹp lắm. Đẹp như một bài ca”. Giọng anh chẳng có vẻ gì đùa cợt, trái lại, nghe còn rất thật lòng. Người đàn ông chưa bao giờ nghe cô tâm sự lại tỏ ra rất hiểu cô. Cô sụt sịt: “Tôi buồn. Và đơn độc”.

Nghiên nhìn sâu vào mắt Nhi, nhấn nhá từng lời: “Tôi chú ý đến cô từ nhiều năm về trước, ngày cô dẫn một đoàn khách tham quan tới phố này. Cô thuyết phục được bà vú già mở cửa ngôi nhà và sạp vải cổ xưa cho mọi người thưởng lãm. Cô nhớ không, cô thuyết phục bà ấy bằng những quan niệm của mình về ký ức. Tôi đã nhìn cô rất lâu, giây phút ấy tôi tin cô có thể giúp tôi xoa dịu được nỗi niềm quá khứ. Tôi nhận ra rằng, quan trọng là có ai đó lắng nghe ta, và đôi khi, đến điều đó cũng phải mua mới có được... Nhưng bây giờ, tôi lại thấy, chuyện giúp nhau chữa lành nó cũng mơ hồ lắm, chúng ta đều phải tự mình. Cô thấy có đúng không?”. Lời Nghiên trầm ấm, như gió qua phố cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gió qua phố cũ