Lối sống

Giọt mồ hôi người thợ áo cam

Huyền Hân 01/07/2023 07:02

Dù dưới cái nắng bỏng rát giữa trưa hay hầm hập khi đêm về, trong sự trông mong, thúc giục của khách hàng, những người thợ áo cam luôn có mặt kịp thời để khắc phục nhanh nhất các sự cố về điện. Mùa hè với họ là mùa “chiến đấu” căng thẳng và cứ liên tục như thế dù đêm hay ngày... Những giọt mồ hôi, những ngày làm việc đi sớm về khuya của người thợ điện đã giúp bảo đảm dòng điện thông suốt phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân...

tho-dien.jpg
Công nhân Công ty Điện lực Hoàng Mai (Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội) bảo dưỡng thiết bị.

Bát cơm ăn vội...

Từ 9h một ngày tháng 6, cái nắng như đổ lửa đã chiếu khắp các ngõ phố. Đường dây 474E2 cấp điện cho khu vực 3 phường Bồ Đề, Long Biên, Đức Giang (quận Long Biên) gặp sự cố do phụ tải tăng đột biến, gây mất điện. Hệ thống điện của một số hộ gia đình thậm chí bị chập cháy do dùng quá tải.

Nhận được tin báo, một tốp thợ thuộc Đội quản lý điện 1, Công ty Điện lực Long Biên lập tức có mặt khắc để phục sự cố tại ngõ 35 phố Bồ Đề. Cheo leo trên cột cao, đối mặt với nắng nóng thiêu đốt, cộng hưởng với sức nóng từ thân cột điện, thiết bị trên lưới, môi trường làm việc người thợ điện lúc này thật khắc nghiệt.

Hà Nội - nơi được ví như "chảo lửa", vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm luôn ghi nhận mức tiêu thụ điện tăng cao, khiến các thiết bị trên lưới điện phải vận hành trong tình trạng đầy tải, thậm chí quá tải. Các tình huống sự cố xảy ra tại quận Long Biên kể trên không phải là hiếm. Công việc của những người thợ điện vì thế cũng tăng gấp bội, đồng nghĩa áp lực, căng thẳng, vất vả nhiều hơn so với ngày thường.

"Với nhiều người, mùa hè thường là mùa của những kỳ nghỉ xả hơi, những chuyến du lịch vui vẻ bên người thân, gia đình. Còn với thợ điện, mùa hè là một “cuộc chiến” với nỗi lo xảy ra sự cố, mất an toàn vận hành lưới điện do quá tải vì nhu cầu sử dụng luôn tăng cao...", anh Nguyễn Duy Khánh, Phó Đội trưởng Đội quản lý điện 1, Công ty Điện lực Long Biên chia sẻ.

Anh Khánh kể: “Công việc thường ngày của Đội bắt đầu từ 7h30 và kết thúc vào khoảng 18h. Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng, anh em sẽ phải trực 24/24 giờ. Họ đã quen với guồng công việc kéo dài và chỉ “tạt qua nhà ăn vội bát cơm" để lại lên đường đi trực. Buổi tối là thời điểm đội thợ chia nhau đi cân pha, đảo pha, đo công suất xem lộ đường dây nào quá tải để kịp thời xử lý. Có điện thoại báo sự cố về đêm là thợ điện lại thức trắng. Màu áo cam, dù trong nắng gắt hay đêm hôm khuya khoắt, không mấy khi ráo mồ hôi...”.

Công nhân Lê Kim Thanh có hơn 20 năm gắn bó với ngành Điện, hiện công tác ở Đội quản lý điện 1, Công ty Điện lực Long Biên chia sẻ: “Đặt mình vào tâm lý của khách hàng, anh em thợ điện luôn bảo nhau nỗ lực cao nhất vì càng nắng nóng năng lượng điện lại càng vô cùng thiết yếu. Dù khó khăn nhưng cả đội vẫn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, và nhiều khi phải ứng xử vui vẻ để vượt qua tâm lý, thái độ căng thẳng của khách hàng...”.

Tắt khi không cần, để khi cần sẽ có điện

Không thể nhớ hết những lần “chinh chiến” xử lý sự cố điện về đêm, anh Trần Thanh Sơn, công nhân Đội quản lý điện 5, Công ty Điện lực Hoàng Mai, chia sẻ: “Thợ điện là vậy, mưa không biết chạy, nắng chẳng biết trốn. Có những khi đang sửa điện cho khách hàng ở đầu này của phường thì đã nhận tin nhắn khách hàng ở đầu kia phản ánh về sự cố. Việc này chưa xong, việc khác đã đợi. Nắng nóng mà không có điện cho khách hàng sử dụng, mình cũng nóng ruột vô cùng. Tâm trạng ấy đã biến thành phản xạ quen thuộc với anh em trong đội khi luôn trong tâm thế lên đường và xử lý các tình huống nhanh chóng nhất có thể”.

Tâm sự thêm về công việc, anh Trần Thanh Sơn kể, khi nhiệt độ ngoài trời những ngày qua khoảng 39 độ C, thì thợ điện phải làm việc trong buồng máy biến áp và tủ hạ thế chênh lệch cao hơn so với nhiệt độ ngoài trời gần 10 độ, tức là khoảng 49-50 độ. Công việc áp lực, vất vả nên trong những đợt cao điểm như vậy, cánh thợ trẻ luôn sẵn sàng xung phong nhận công việc khó, nặng nhọc để cho những người lớn tuổi làm phần việc nhẹ hơn. Đó cũng là cách họ san sẻ, động viên nhau vượt qua mỗi mùa nắng nóng, đặc biệt là cao điểm năm nay khi thiếu nguồn điện, buộc phải tiết giảm và tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện.

Đội trưởng Đội quản lý điện 6, Công ty Điện lực Hà Đông Vũ Chí Cương cũng kể về guồng quay công việc luôn "căng như dây đàn" suốt từ đầu hè đến nay. Công việc của Đội gặp nhiều vất vả khi phục vụ trên 24.000 khách hàng thuộc 3 phường Đồng Mai, Yên Nghĩa và Biên Giang. Với đặc thù địa bàn rộng, từ làng xã chuyển thành phường nên số lượng trạm biến áp ít, phần lớn bố trí ở ngoài làng, chân đê để kéo dây hạ thế vào trong khu dân cư. Một số tuyến cáp hạ thế trong các ngõ tiết diện dây nhỏ có nguy cơ đầy, quá tải vào giờ cao điểm.

“Từ đầu tháng 5 đến nay, cả Đội được huy động đi đo, kiểm tra mang tải, nhiệt độ tại tất cả các trạm biến áp đang quản lý vào buổi tối, kịp thời cân pha, san tải 10 lộ đường dây lệch tải, bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn cho hệ thống lưới điện quản lý. Cán bộ, công nhân viên của Đội cũng đã chụp hàng nghìn ảnh camera nhiệt tại tất cả các trạm biến áp, đường dây mối nối, chụp các tủ phân phối tại các tòa nhà, phát hiện kịp thời và xử lý 10 điểm phát nhiệt tại thanh tủ tổng 0,4kV và đầu cực hạ thế máy biến áp”, Đội trưởng Vũ Chí Cương thông tin.

Nhờ tinh thần làm việc này, trong các ngày nắng nóng cao điểm, trên địa bàn chưa có trường hợp nào bị sự cố do lệch pha hoặc quá tải. Bức thư cảm ơn của Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa Hoàng Thị Thu Trinh gửi tới cán bộ, công nhân viên Đội quản lý điện 6 chia sẻ sự cảm phục các anh đã không quản nắng nóng, bảo đảm nguồn điện ổn định trong suốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra tại trường là một trong những món quà ý nghĩa mà Đội nhận được sau những vất vả thầm lặng.

Không riêng Đội quản lý điện 6, trong những ngày thực hiện chủ trương tiết giảm điện, cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Hà Đông liên tục được huy động gắn loa lên xe máy, đi sâu vào từng ngõ ngách tuyên truyền việc tiết kiệm điện để người dân cảm thông, đồng hành. Ngoài thực hiện công việc theo kế hoạch trong giờ hành chính, các đội còn huy động một nửa quân số đi tuyên truyền tiết kiệm điện vào các buổi tối trong tuần.

Việc đi từng tuyến phố, gõ cửa từng hộ kinh doanh để tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện tiết kiệm điện như thế giúp cho mối quan hệ giữa người thợ điện và khách hàng gần gũi, thân thiết hơn. “Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh những tình huống phức tạp, đặc biệt khi tuyên truyền ở các nhà hàng ăn uống, quán nhậu. Nhiều chủ nhà hàng thiếu sự thấu hiểu đã không hợp tác, chia sẻ khó khăn với ngành Điện”, Đội trưởng Vũ Chí Cương kể.

Dù còn không ít trường hợp bức xúc khi mất điện hoặc còn chưa có ý thức tiết kiệm điện, nhưng phần lớn khách hàng đã thông cảm và chia sẻ với ngành Điện trong tình hình cung cấp điện khó khăn hiện nay bằng thông điệp: “Tắt khi không cần, để khi cần sẽ có điện”. Sự thấu hiểu quý giá này đã tiếp thêm tinh thần và sức lực, giúp người thợ điện có động lực làm việc tốt hơn trong “cuộc chiến” với mùa hè khốc liệt, dự kiến còn kéo dài phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giọt mồ hôi người thợ áo cam