Giữ nét “duyên thầm” của hội làng trong phố
Tôi là người hoài niệm. Ở nơi phố thị Hà thành ngót 20 năm, vẫn cảm nhận về mạch làng giữa phố. Đó là những giếng làng, là những chiếc cổng rêu phong còn sót lại đâu đó trên vùng Yên Phụ, là nụ cười tươi rói của các bà, các mẹ mỗi khi nhắc về làng, về xã.
Đôi khi tôi bâng khuâng tự hỏi, làng Việt đẹp ở cái gì, phải chăng cái đẹp nhất là ở tính cố kết cộng đồng, là những nét văn hóa truyền thống. Và giữa nhịp đô thị hóa, khi những tòa cao ốc mọc lên khắp nơi, liệu nét xưa ấy có còn? Nhưng lời tự vấn ấy lại chẳng khó kiếm tìm câu trả lời khi tôi thấy được những lễ hội làng giữa phố, nơi bất kỳ ai cũng có thể thấy được sự hân hoan khi lòng người rộng mở, khi sự đoàn kết của người với người được thắt chặt hơn.
Trong lần kiếm tìm những nét xưa cũ ở phố thị, tôi tình cờ được Phó Trưởng ban Quản lý di tích phường Láng Thượng (quận Đống Đa) Trần Quang Huy dẫn đi trẩy hội chùa Láng. Khi ấy, giữa phố thị bụi bặm và ồn ào xe cộ ngược xuôi lại rộn ràng tiếng chiêng tiếng trống, người người tất bật ngược xuôi, rực rỡ các loại cờ, phướn đậm chất văn hóa làng quê. Ông Trần Quang Huy khoe, xưa hội chùa Láng diễn ra trong 10 ngày và được 9 làng tham dự. Đây là hội lớn nhất và hấp dẫn nhất phía Tây kinh thành Thăng Long, đi vào thơ ca dân gian: “Thứ nhất là hội Cổ Loa/ Thứ nhì hội Láng/ thứ ba hội Thầy”.
Lễ hội lớn, được xem trọng là vậy nhưng đã có những thời điểm, vì nhiều nguyên nhân nên hội bị gián đoạn. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và nhân dân địa phương, việc thực hành và đưa trở lại đời sống toàn bộ nghi thức dân gian có trong hồ sơ di sản của hội mới trở lại như nếp xưa. Ngày chính hội, người phố thị đi theo đám rước, được chiêm ngưỡng tục “độ hà” thể hiện đạo hiếu, nghi thức “đấu thần” - hội trận độc nhất vô nhị trong kho tàng lễ hội Việt Nam. Ngoài ra, các tích trò vui như đấu võ, chọi gà, cờ người, đập niêu... cũng thu hút người xem. Khi ấy, giao thông có đôi lúc ùn ứ nhưng chẳng mấy ai cảm thấy khó chịu, thay vào đó là cảm xúc, là ấn tượng khi ngẫu nhiên được thưởng ngoạn nét đẹp truyền thống trên phố thị.
Tôi từng đến không gian đình Đại cổ kính tại làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì) và được chứng kiến những chàng trai giả gái. Họ đeo trống trước ngực và liên tục múa trong tiếng thanh la và tiếng trống của đội nhạc. Những chàng trai này đang thể hiện điệu múa bồng để chuẩn bị trình diễn trong hội làng Triều Khúc.
Ông Nguyễn Duy Huệ, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Tân Triều, một người đam mê nghiên cứu múa bồng đã chia sẻ rằng, điệu múa ở Triều Khúc khác biệt với phong thái đầy mạnh mẽ và phóng khoáng. Trân quý hơn cả và khiến người Triều Khúc tự hào là loại hình nghệ thuật truyền thống này vẫn giữ được nét vốn có ban đầu, không bị mai một hoặc bị cải biến.
Đó là với những vùng “lõi” của đất kinh kỳ, tại ngoại thành Hà Nội, những lễ hội cũng đang được chung tay lưu giữ. Hội đền Và của Sơn Tây là một ví dụ. Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây chia sẻ, do là vùng lõi xứ Đoài nên Sơn Tây có được “vốn liếng” văn hóa dày dặn. Đây là nơi gắn liền với những di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng như làng cổ Đường Lâm, thành cổ Sơn Tây, chùa Mía, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam... Ở Sơn Tây còn có những câu chuyện bên dòng sông Tích, truyền thuyết về vị vua đánh hổ Phùng Hưng, ngôi đền Và ghi dấu Đức Thánh Tản Viên... Tất cả là vốn liếng giúp Sơn Tây đặt nền móng cho sự phát triển du lịch văn hóa, tâm linh.
Nhớ có lần tôi về một làng ở huyện Hoài Đức, chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng hơn chục cây số, để xem hội. Nhà nhà áp sát nhau, các con ngõ cũng trở nên chật chội. Không gian chung là đình làng và ao làng thì nhỏ hẹp. Người làng tụ hội về đây, tiếng hát chèo hay những tà áo tứ thân, nón quai thao chỉ lượn bay trên sân khấu hội, lọt thỏm giữa đám đông người xem, chỉ trỏ và bình luận.
Bài học ở việc phục dựng hội chùa Láng, quyết tâm giữ di sản của người dân Triều Khúc hay xa hơn là sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền thị xã Sơn Tây khi tổ chức hội đền Và cho thấy, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương thì còn cần sự quyết tâm cao của cán bộ, nhân dân. Đặc biệt, vai trò của nhân dân là không thể thiếu, bởi khi người dân hiểu biết về di sản văn hóa ở nơi mình sinh sống, họ sẽ cảm thấy gắn bó, trực tiếp tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản.