Hà Nội - Thành phố sáng tạo cộng sinh

KTS Nguyễn Khánh Toàn| 23/10/2022 05:20

(HNMCT) - Hà Nội luôn mong muốn tìm kiếm những ý tưởng mới nhằm cải tạo không gian công cộng, đưa giá trị truyền thống vào các thiết kế đương đại. Báo Hànộimới Cuối tuần xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của kiến trúc sư Nguyễn Khánh Toàn về một số ý tưởng nhằm làm nổi bật khả năng sáng tạo, cộng sinh, hướng tới sự phát triển bền vững trên nền hệ giá trị truyền thống, sự hài hòa giữa yếu tố tự nhiên và nhân tạo.

Việt Nam là một trong những trung tâm cộng sinh lớn trên thế giới, bởi thế, đặc trưng nổi bật của văn hóa Việt Nam chính là văn hóa cộng sinh - điều đã được chứng minh suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Hà Nội là mảnh đất hội tụ, kết tinh, lan tỏa văn hóa nhiều vùng miền, cũng là nơi thể hiện sinh động tinh thần cộng sinh. Cùng với danh xưng Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, chúng ta cũng đang hướng tới việc xây dựng một Hà Nội - Thành phố sáng tạo để góp phần nêu bật giá trị đặc trưng và tiềm năng to lớn của mảnh đất Rồng bay. Cộng sinh, trong trường hợp này, còn được hiểu là phép cộng hài hòa giữa những điều khác biệt để cùng phát triển.

"Đất lành chim đậu", chúng ta phải làm gì để Hà Nội là Thành phố sáng tạo cộng sinh, nơi muôn hoa khoe sắc, giúp đời sống mọi mặt của Thủ đô phát triển mạnh mẽ trên nền tảng sáng tạo? Để làm được điều đó, tôi đề xuất một số ý tưởng:

Một số hình ảnh mô phỏng các ý tưởng "Bia tiến sĩ", "Giếng làng", "Giàn tránh nắng" của KTS Nguyễn Khánh Toàn.

Ý tưởng "Giếng làng"

Nhìn về xa xưa, các công trình mà ông cha để lại đều cho thấy sự gần gũi, thân thiện với môi trường tự nhiên. Chẳng hạn, như đã thành quy ước, mỗi khi nhắc đến hình ảnh làng quê Việt, êm ả thanh bình là ta lại thấy hiện lên bóng dáng cây đa, giếng/ bến nước, sân đình. Ở "bộ ba" ấy dường như có sự sắp xếp chẳng phải vô tình. Giếng nước, cái tự nhiên có sự can thiệp của con người nhưng vẫn long lanh, như gương soi, làm gạch nối liên kết cây đa - yếu tố thiên nhiên nguyên bản, và sân đình - nơi phô diễn cuộc sống con người trong vòng xoay thế tục. Yếu tố thiên nhiên đã được người xưa trân trọng, không chỉ ở việc đưa lên vị trí chủ đạo mà còn về số lượng trong nhận thức tổng hòa.

Ngày nay, giếng làng không còn giữ vai trò quan trọng như xưa, nhưng với tư cách là nhân chứng lịch sử, là biểu tượng cộng sinh giữa các thành phần, nơi ghi dấu nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chúng ta có thể có những cách tiếp cận mới để lưu giữ hình ảnh không gian đó phù hợp và phát huy khả năng tương tác với cuộc sống hôm nay. Chẳng hạn, có thể tận dụng các khoảng trống không gian ngoài trời ở những khu chung cư mới xây dựng để thiết lập thiết chế văn hóa có ý nghĩa khơi gợi hình ảnh giếng làng xưa, nơi lưu giữ hồn quê Việt. Những không gian này sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi cộng đồng giao lưu học hỏi hay là nơi giới thiệu quảng bá sản phẩm, trình bày các ý tưởng sáng tạo, nơi họp tổ dân phố... Đó cũng có thể là nơi mà những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục sử dụng như một lớp học để dạy chữ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt...

Trong không gian đó, trên những bức tường gạch trần có thể là công thức toán, lý, hóa, những câu danh ngôn với mục đích đưa tri thức đến gần hơn với những người yếu thế trong xã hội. Bên cạnh đó, lớp tường gạch trần sẽ là nơi phù hợp cho các loại cây dây leo dễ dàng bám dính, phát triển; phía trên là các giàn cây cho hoa hoặc quả. Có lẽ, không gian “Giếng làng” này sẽ góp phần vào việc cân bằng cuộc sống, giảm căng thẳng cho cư dân khi phần lớn thời gian trong ngày chúng ta thường ở trong những “cái hộp”, vốn là nơi ít có sự giao tiếp với thế giới tự nhiên. Việc quản lý, vận hành và bảo trì sẽ thuộc về trách nhiệm của ban quản lý các khu chung cư đó.

Một số hình ảnh mô phỏng các ý tưởng "Bia tiến sĩ", "Giếng làng", "Giàn tránh nắng" của KTS Nguyễn Khánh Toàn.

Ý tưởng "Bia Tiến sĩ"

Có thể làm gì để đưa kiến thức lĩnh hội được trong nhà trường ra ngoài cuộc sống, để việc học tập trở nên hấp dẫn, học mà như chơi, từ đó tăng khả năng sáng tạo trong mỗi đứa trẻ, giúp người lớn luôn song hành cùng với trẻ em trong việc học tập? Có thể làm gì thêm cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phải chịu thiệt thòi trong xã hội có một chút cơ hội, dù là nhỏ thôi, tiếp cận và trang bị cho mình thêm chút kiến thức phổ thông, để các em có thể thay đổi số phận khi có điều kiện.

Có thể nghĩ tới việc đưa kiến thức lịch sử, những giá trị văn hóa thông qua câu ca dao tục ngữ, những câu danh ngôn tiêu biểu hay lời của tiền nhân tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, một cách tự nhiên, ở không gian đặc biệt ngoài nhà trường. Đó sẽ là sự bổ sung hợp lý, thậm chí tạo hiệu quả lớn hơn so với việc chỉ dựng tượng danh nhân mà nhiều khi chúng ta còn không biết mặt.

Nguyễn Du từng muợn Kiều mà tỏ bày tâm sự của mình rằng: Thác là thể phách, còn là tinh anh. Cái “tinh anh” đó chính là tư tưởng, là cốt tủy, là cái hồn mà chúng ta mong muốn giữ gìn, phát huy. Cùng với việc tìm hiểu về diện mạo, trang phục của danh nhân, chúng ta dành tâm sức cho việc lan tỏa tinh thần mà tiền nhân để lại. Có thể khắc cái “tinh anh” đó lên một tảng đá đẹp trong công viên, vườn hoa, quảng trường, nơi đặt tên phố, nơi dựng tượng danh nhân. Cũng có thể dịch tuyên ngôn của danh nhân nước Việt ra nhiều thứ tiếng, qua đó truyền tải thông điệp của tiền nhân đến muôn đời sau, với bạn bè thế giới... Như vậy thì lịch sử và văn hóa sẽ thấm hơn - trong không chỉ lớp trẻ mà còn trong cả người lớn chúng ta.

Cũng có thể làm theo cách đó nhằm khắc ghi vào lòng cư dân thành phố thành tựu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên như toán học, hóa học, vật lý, sinh học... Hãy chọn không gian phù hợp rồi khắc "tinh anh" lên những mảng tường, phiến đá trong vườn hoa, công viên, sân chơi, nơi tập trung đông người. Điều đó vừa mang ý nghĩa tôn vinh những nhà khoa học lớn của Việt Nam và thế giới, vừa giúp kích thích trí tò mò, khả năng khám phá trong mỗi con người.

Kiến tạo "bia tiến sĩ" của thời đại mới, đó cũng là một cách góp phần xây dựng và thúc đẩy xã hội học tập suốt đời. Những “bia tiến sĩ” ấy góp phần mang tri thức đến gần hơn với mọi người dân - bất kể hoàn cảnh, điều kiện, từ đó góp phần làm cho cuộc sống thêm nhiều điều mới mẻ, ý nghĩa.

Một số hình ảnh mô phỏng các ý tưởng "Bia tiến sĩ", "Giếng làng", "Giàn tránh nắng" của KTS Nguyễn Khánh Toàn.

Ý tưởng "Giàn tránh nắng"

Có lẽ, trong chúng ta ai cũng từng không ít lần phải tránh nắng dưới những tán cây hoặc nương nhờ bóng râm của các cầu vượt dành cho người đi bộ ở các nút giao thông giữa trưa hè nóng nực - điều ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến vấn đề an toàn giao thông đường bộ. Để nhanh chóng thoát cái nắng nóng và bầu không khí oi ả thường thấy trong mùa hè Hà Nội, thậm chí không ít người đã vượt đèn đỏ - nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.

Để khắc phục vấn đề này, có thể thiết kế những giàn tránh nắng băng qua đường ở những khu vực ngã tư, nơi người dân dừng xe chờ tín hiệu giao thông (ưu tiên cho xe đạp và xe máy). Những công trình này cần được thiết kế phù hợp để không làm ảnh hưởng tới tầm nhìn cũng như chiều cao của các phương tiện cơ giới - điều hoàn toàn khả thi với kỹ thuật xây dựng ngày nay. Trên các mái che nắng, có thể trồng các loại cây - hoa phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương; bố trí điểm treo biển quảng cáo, áp phích phục vụ cho mục đích kinh doanh thương mại cũng như tuyên truyền, cổ động của chính quyền sở tại...

Mỗi người góp ý tưởng sáng tạo vì sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Với suy nghĩ ấy, xin được đưa ra mấy ý tưởng trên với mục đích giúp môi trường sống của chúng ta tốt đẹp hơn, sao cho Hà Nội là Thành phố sáng tạo cộng sinh, nơi muôn hoa khoe sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - Thành phố sáng tạo cộng sinh