1. Sân vận động (SVĐ) Hàng Đẫy được xây vào những năm 30 của thế kỷ trước với tên gọi SEPTO, ban đầu chỉ vài trăm chỗ ngồi.
Năm 1957 - 1958, SVĐ được xây dựng lại với quy mô khoảng 2,5 vạn chỗ, chính thức mang tên Hàng Đẫy. Sau đó, sân Hàng Đẫy đã trải qua một lần đổi tên, trở thành SVĐ Hà Nội. SVĐ này đã trải qua khá nhiều lần được cải tạo, nâng cấp nhằm phục vụ các giải thể thao lớn mà Hà Nội - Việt Nam đăng cai tổ chức. Hiện nay, Hàng Đẫy có sức chứa hơn 2 vạn người, “ngót” hơn so với trước nhưng vẫn đủ điều kiện tổ chức các trận bóng đá quốc tế.
Nói không quá, SVĐ Hàng Đẫy nuôi dưỡng tình yêu bóng đá trong nhiều người Hà Nội từ khi còn nhỏ. Trên mặt cỏ xanh của SVĐ huyền thoại, vào cuối những năm 60, đầu những năm 70 thế kỷ trước, chúng tôi lần đầu thấy Nguyễn Thế Anh (được biết tới nhiều hơn với biệt danh Ba Đẻn), Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Trần Văn Khánh, Nguyễn Văn Hùng, Từ Như Hiển, Lê Văn Đặng, Bùi Xuân Thêu, Vũ Mạnh Hải, Lê Thụy Hải, Nguyễn Cao Cường... chơi bóng. Sau đó là Quản Trọng Hùng, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Tuấn Thành, Nguyễn Hồng Sơn, Vũ Minh Hiếu, Vũ Như Thành... Họ là những ngôi sao bóng đá Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh..., những tinh anh bóng đá miền Bắc một thời. Sau năm 1975, khán giả tới sân Hàng Đẫy còn được chứng kiến tài nghệ của nhiều ngôi sao thuộc các câu lạc bộ bóng đá phía Nam.
“Thu gọn” lịch sử hơn nửa thế kỷ của một SVĐ kể từ ngày mang tên Hàng Đẫy với vài dòng thông tin, không đủ diễn tả những tầng ý nghĩa của SVĐ này đối với đời sống văn hóa tinh thần của những người Hà Nội yêu thể thao.
2. Lứa chúng tôi “ít hơn vài tuổi” so với sân Hàng Đẫy. Cuối những năm 1960, 1970, quãng 6 - 7 tuổi, lần đầu tiên tôi được người chú rể bên ông bà ngoại dẫn tới SVĐ. Tới giờ tôi vẫn còn nhớ rõ chú chở tôi tới sân bằng xe đạp, từ phía đường Cát Linh vào. Chỗ ngồi ở cửa 11 khán đài B, trong khu vực gồm cửa 9, 10, 11 luôn như “chảo lửa” bởi cổ động viên ở đó bao giờ cũng “sung” hơn khu vực khác. Hôm ấy là trận Thể Công gặp Sông Cấm - đội bóng có “hộ khẩu” Hải Phòng. Trời xanh hòa bình, sân cỏ xanh lá, áo đỏ Thể Công và kẻ xanh nõn chuối trên nền trắng là màu áo Sông Cấm Hải Phòng. Một lúc nào đó chú tôi chỉ xuống sân và nói “Ba Đẻn kìa!”. Lúc đó tôi không tin vào tai mình nữa, trí óc non nớt thoáng ý nghĩ "người trần mắt thịt" như mình làm sao được tận mắt chứng kiến “ông cầu thủ” có đôi chân vòng kiềng ma thuật chơi ở vị trí tiền đạo cánh trên sân. Sau đó tất cả thành mù mờ. Ai ghi bàn, Ba Đẻn có pha bóng ấn tượng nào cụ thể ngoài hình ảnh đôi chân như múa với tốc độ tên bắn ở sát đường biên trái? Không nhớ nữa, chỉ mang máng Thể Công thắng với tỷ số 6-0, và chắc chắn rằng kể từ buổi chiều hôm đó tôi trở thành cổ động viên trung thành của đội bóng áo lính.
Tôi tự nhận mình có nhiều kỷ niệm với sân Hàng Đẫy. Những gì đáng nhớ nhất đa số liên quan tới bóng đá, như Giải bóng đá quân đội các nước xã hội chủ nghĩa - SKDA (1984), Tiger Cup 1998 cũng như giải bóng đá hạng A ở miền Bắc trước năm 1975. Hồi đó giải miền Bắc thường được chia thành các giải khu vực với tên gọi Hồng Hà, Cửu Long..., có lẽ các đội không thể di chuyển quá xa trong điều kiện thời chiến và tình hình giao thông lạc hậu.
Với Ba Đẻn, “ấn tượng đầu đời” của tôi, số 11 Thể Công ngày nào trở lại trên sân cỏ thực sự một lần nữa, ấn tượng không kém, nhưng là qua hình ảnh “hậu duệ” của anh - Ánh Cường thuộc "lò" Hà Tĩnh, cùng lứa với Văn Quyến, Như Thuật nổi như cồn trong đội hình tuyển trẻ Việt Nam dự vòng loại U16 châu Á năm 2000. “Cường con” không có được sự nghiệp hoàn hảo như Ba Đẻn, dù cũng có đôi chân như múa sát đường biên với quả bóng dính trong chân. Đó là người duy nhất mà khi nhìn cậu ấy chơi khiến tôi nhớ ngay đến Ba Đẻn...
3. Sau lần đầu “gặp” Thể Công, tôi có thêm nhiều lần được người lớn dẫn đến sân. Ngoài chú tôi thì còn có anh của bạn tôi nhà ở phố Bạch Mai, người có “tài” trình bày với các chú bảo vệ để cho “mấy thằng nhà quê” vào sân mà không cần vé. Mà cũng chỉ quanh quẩn mấy cửa 9, 10, 11, cứ như thể không vào đó thì bị coi là không biết xem bóng đá vậy.
Lớn hơn một chút chúng tôi tự đến sân. Đi tàu điện từ hồ Hoàn Kiếm qua Hàng Gai - Hàng Bông - Cửa Nam tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì xuống để qua Hàng Cháo vào khán đài B cho tiện. Lúc đó sân Hàng Đẫy chứa được khoảng 3 vạn người. Khán đài A và B ít khi có chỗ trống. Không ít người phải đứng, chúng tôi nhỏ nên có vé hay không thì cũng được ngồi. Những trận không có Thể Công, tôi thưởng thức bầu không khí trên sân nhiều hơn bởi không nhất thiết dõi theo từng pha bóng. Cả biển người trên sân một chốc lại ồ lên, âm thanh từ bốn phía dội tới. Thỉnh thoảng có khán giả bật dậy, chỉ tay theo cầu thủ và bình luận. Các bác các chú khi ấy nói thì buồn cười lắm, có khi lôi cả chuyện trung phong Từ Như Hiển nhà ở phố Bà Triệu đoạn gần Trần Nhân Tông gia đình “toàn Việt kiều”, Cao Cường “nhà ta” đến quán cà phê trên phố Lý Thường Kiệt gần ngã tư giao Bà Triệu “tăm tia” chị Hương “lai Pháp” ra sao... Chuyện ngoài lề là thế, nhưng phải thừa nhận rằng khán giả hồi đó đều là người am hiểu, như chúng tôi thường nói là “có cảm giác bóng” chứ không rủ nhau ra sân chỉ để chụp ảnh “nuôi phây” như một số bây giờ.
Sau này nhiều người kể chuyện người hâm mộ đổi đồng hồ, lốp xe đạp lấy tấm vé vào sân Hàng Đẫy. Tôi không được chứng kiến những màn trao đổi đó, chỉ biết rằng không phải ai cũng có thể sở hữu tấm vé vào xem những trận đấu quan trọng. Khi ấy dù người quen có nỉ non cỡ nào thì các chú bảo vệ cũng để ngoài tai. Như dịp Thể Công tiếp đội bóng Trung Quốc sau khi chơi ngang ngửa với họ trên sân Bắc Kinh vào những năm 1970, chúng tôi chỉ có thể rủ nhau ra “ôm” cột điện ở số 1 phố Bà Triệu nghe bình luận viên Đình Khải tường thuật qua loa phát thanh. Từ nhà ở Lý Thường Kiệt đầu Bà Triệu ra đó tiện thôi, trời mưa cũng kệ...
Tháng 9-2003, SVĐ Quốc gia (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) khánh thành. Từ đó, những sự kiện thể thao lớn nhất được tổ chức tại đây. Nhiều người không còn năng tới Hàng Đẫy nữa dù đó là sân nhà của đội bóng con cưng Hà Nội FC với những “người hùng” bóng đá Việt Nam như Quang Hải, Văn Hậu, Đức Huy, Duy Mạnh... Nhưng sự thất thế về cơ sở vật chất và sức chứa so với SVĐ Quốc gia không làm lu mờ vị trí của Hàng Đẫy trong trái tim người hâm mộ. Đơn giản bởi ở đó và từ đó, nhiều thế hệ cổ động viên bóng đá Hà Nội đã tìm thấy tình yêu thể thao đích thực. Một thứ tình yêu không nhuốm màu tiền bạc, những trò cá độ.