Hiệu quả từ chính sách tín dụng ưu đãi

Tiến Thành| 15/07/2022 07:00

(HNM) - Việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn được quận Ba Đình xác định là một trong những giải pháp hiệu quả, có ý nghĩa lâu dài. Qua đó, đóng góp tích cực vào việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận.

Giải quyết thủ tục vay vốn cho người dân tại điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội phường Thành Công (quận Ba Đình).

Trong 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp hàng nghìn hộ gia đình ở quận Ba Đình được vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Toàn quận đã có hơn 38.000 lượt hộ được vay vốn, trong đó có hơn 9.000 lượt hộ nghèo, gần 4.000 lượt hộ cận nghèo, hơn 2.000 lượt hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 22.000 lao động. Ngoài ra, có 20 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19…

Có được kết quả trên, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù phù hợp với hệ thống chính trị trên địa bàn được quận Ba Đình quan tâm, chú trọng. Điều này thể hiện ở chỗ, điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại 14 phường có những bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính. Điều này vừa tạo thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội, giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa bảo đảm hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại phường”.

Toàn quận còn có 123 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động tại các tổ dân phố, địa bàn dân cư. Về xây dựng mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Cựu chiến binh quận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Ba Đình Trần Xuân Vững cho biết, đến tháng 5-2022, dư nợ của các tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 49,5 tỷ đồng với 21 tổ, 653 tổ viên vay vốn. “Đến nay, Hội Cựu chiến binh quận đã có 40% tổ viên làm kinh tế giỏi, 50% tổ viên làm kinh tế khá; còn lại các tổ viên làm kinh tế đạt yêu cầu. Các tổ viên đều trả lãi theo định kỳ khi thanh quyết toán, không có tổ viên nào nợ đọng”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Ba Đình Trần Xuân Vững thông tin thêm.

Được tiếp cận vay vốn để sản xuất thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Chi hội Cựu chiến binh địa phương, ông Nguyễn Huy Tấn (phường Cống Vị) cho biết, mọi thủ tục liên quan đến vay vốn được tạo điều kiện thuận lợi, việc giải ngân nhanh chóng đã giúp gia đình ông tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh mô hình của Hội Cựu chiến binh quận, theo Chủ tịch UBND phường Thành Công Ngô Ngọc Lâm, đến năm 2022, các đoàn thể của phường đã bảo lãnh cho các hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội quận là hơn 34,3 tỷ đồng; trong đó có 2 tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý, 1 tổ của Hội Cựu chiến binh và 10 tổ của Hội Liên hiệp phụ nữ phường quản lý. “Đến nay, trên địa bàn phường không còn hộ nghèo, 8/8 hộ thoát nghèo bền vững từ năm 2018, cuộc sống ổn định”, ông Ngô Ngọc Lâm nói.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ba Đình Phạm Thanh Hà nhận định, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, giúp các đối tượng chính sách có điều kiện tự vươn lên, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn quận Ba Đình không còn hộ nghèo, chỉ còn 8 hộ cận nghèo/tổng số hộ dân trên địa bàn quận.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quận cho biết, đến cuối tháng 5-2022, tổng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội quận cho vay đạt hơn 302,5 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân/năm là 17,59%. Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm tập trung nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngân sách quận ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ chính sách tín dụng ưu đãi