Xưa và nay

Làng Táo chuyển mình từ nghề may

Mạnh Dũng 20/04/2024 - 08:38

Từ nơi thuần nông, không có nghề phụ, những năm qua, người dân làng Táo (xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã năng động tìm hướng phát triển kinh tế, phá được thế độc canh cây lúa để chuyển sang trồng hoa mang lại giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, địa phương còn “nhân cấy” thành công nghề cắt may, vừa được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”. “Đất có nghề, quê khởi sắc”, làng Táo đã có sự chuyển mình nhanh chóng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

lang-tao.jpg
Nghề cắt may ở làng Táo (xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Làng thuần nông trở thành công xưởng may mặc

Từ quốc lộ 32 vào làng Táo, xã Tam Thuấn, hai bên đường là những cánh đồng hoa huệ, loa kèn khoe sắc trắng tinh khôi, thơm ngát xoa dịu cái nắng chớm hè. Những năm qua, đây là nơi cung cấp một lượng lớn hoa tươi cho thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đi sâu vào trong, đường làng, ngõ xóm làng Táo đều được thảm bê tông, trải nhựa sạch đẹp. Phần lớn các ngôi nhà được xây dựng khang trang, trong đó nhiều nhà kiến trúc đẹp, nhiều ngôi biệt thự bề thế. Làng Táo đang trong những ngày diễn ra hội làng truyền thống (ngày 7 tháng Ba âm lịch). Đây cũng là ngày chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức đón nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”, niềm vui như được nhân đôi, không khí làng quê như vui hơn, chộn rộn hơn.

Hội trưởng Hội Cắt may làng Táo Nguyễn Văn Quỳnh hồ khởi khoe, làng quê có bước đổi thay nhanh chóng là nhờ nghề mới về làng. Theo anh Quỳnh, nghề cắt may được nhân dân địa phương phát triển từ khoảng những năm 2000. Khi đó, trong làng có một số người đi học nghề cắt may ở xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ), xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên)… trở về địa phương sản xuất rồi truyền dạy cho mọi người.

Bản thân anh Quỳnh cũng là một trong những người đầu tiên đi học nghề cắt may và mở xưởng sản xuất ở làng. “Tôi sinh ra ở thôn Táo, nơi đa phần người dân chỉ biết làm nông nghiệp. Mong muốn thoát nghèo, tôi đã đi xuất khẩu lao động 8 năm. Tuy kiếm được tiền nhưng cuộc sống tha hương cũng nhiều vất vả, nhớ nhà và người thân. Chính vì vậy, tôi quyết định trở về quê hương học hỏi, mua trang thiết bị về dựng xưởng may quần áo thời trang”, anh Quỳnh chia sẻ. Hiện anh Quỳnh là chủ cơ sở may BPR xã Tam Thuấn, tạo việc làm cho 50 đến 70 lao động địa phương.

Gần bước sang tuổi 40, anh Đỗ Danh Bình cũng là chủ một xưởng may lớn ở làng Táo với gần 20 năm gắn bó với nghề. Anh Bình đi học nghề may ở xã Tam Hiệp, đến năm 2007, khi đã thành thạo trong nghề thì về quê mở xưởng sản xuất. Thời gian đầu mới làm nghề còn nhiều khó khăn, nguyên liệu cắt may anh phải đi lấy từ xa, các đơn hàng cũng không có nhiều. Anh vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mày mò nghiên cứu hướng đi. Hiện xưởng sản xuất của anh đang có 20 lao động chuyên cắt và hoàn thiện sản phẩm. Còn phần may được anh liên kết với các xưởng may ở khu vực Ba Vì. Sản phẩm may xong sẽ được chuyển lại về Tam Thuấn để hoàn thiện, đóng gói trước khi đưa ra thị trường. Sản xuất ổn định, thợ cắt tại gia đình anh có thu nhập từ 450 đến 500 nghìn đồng/ngày công; đối với thợ đóng gói và hoàn thiện sản phẩm, chủ yếu là phụ nữ thu nhập đạt 180 đến 300 nghìn đồng/người/ngày công.

Trưởng thôn Táo 2 (làng Táo) Tạ Đăng Thân cho biết: Từ làng thuần nông, những năm gần đây, làng Táo đã trở thành một công xưởng may mặc lớn của thành phố. Nguyên, phụ liệu phục vụ nghề cắt may cũng luôn có sẵn tại địa phương nên các hộ sản xuất đều rất thuận lợi. Hiện một số sản phẩm của làng còn được xuất khẩu sang Lào, Campuchia... Từ khi có nghề may, đời sống vật chất, tinh thần của người dân làng Táo ngày càng được nâng cao. Làng Táo đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đưa xã Tam Thuấn được UBND thành phố Hà Nội công nhận là xã chuẩn nông thôn mới.

Tạo động lực mới cho phát triển

Nghề may ở làng Táo manh nha hình thành đến nay đã hơn 20 năm. Có lúc sản xuất rất “thịnh” nhưng cũng có lúc gặp nhiều khó khăn. Nhất là trong khoảng 3 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường gần như đóng băng, hàng sản xuất ra không tiêu thu được, nhiều xưởng phải ngừng sản xuất. Trong “cái khó” đã ló “cái hay” - đó cũng là thời điểm người sản xuất nhìn lại những hạn chế để tìm hướng đi mới hiệu quả hơn bằng cách đa dạng mẫu mã sản phẩm và khâu tiêu thụ.

Theo anh Nguyễn Văn Quỳnh, trước đây, anh chỉ bán hàng cho các đầu mối tại các chợ truyền thống nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, anh đã chọn kinh doanh thêm bằng hình thức thương mại điện tử. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay sản phẩm may mặc của cơ sở đã có mặt trên rất nhiều sàn thương mại. Kinh doanh trực tuyến không tốn chi phí, mức độ bán hàng bao phủ toàn quốc và phù hợp xu thế tiêu dùng hiện đại của giới trẻ nên sức tiêu thụ rất tốt.

Để phát triển, các hộ sản xuất ở làng Táo cũng nhanh nhạy trong nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, chủ động thay đổi kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm. Anh Đỗ Danh Linh, chủ cơ sở sản xuất trẻ thế hệ 9X ở làng Táo cho biết: Sản phẩm chính của gia đình là áo polo, áo chống nắng, quần áo gió, nỉ, thể thao. Đầu mùa xuân, anh cho xưởng cắt may áo chống nắng, áo phông; đến mùa thu may áo phao, áo chống rét… Trước mỗi vụ sản xuất, anh phải tìm hiểu thị hiếu thị trường để từ đó quyết định sử dụng chất liệu vải gì, màu sắc ra sao, thiết kế như thế nào… "Phải bắt kịp với xu hướng thời trang cao cấp, hàng may kỹ, chất liệu vải tốt, mẫu mã rất thời trang… mới tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, anh Linh nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn Nguyễn Văn Đính, làng Táo là sự kết hợp của 3 thôn: Táo 1, Táo 2, Táo 3, với hơn 2.500 nhân khẩu. Hiện cả làng có 153/627 hộ làm nghề may mặc, chiếm khoảng 24,4% số hộ. Trung bình mỗi tháng, làng Táo đưa ra thị trường khoảng 2 triệu sản phẩm may mặc các loại, doanh thu mỗi năm xấp xỉ 100 tỷ đồng. Nghề may chiếm 81,6% tổng giá trị sản xuất mỗi năm của làng. Đáng chú ý, làng Táo hiện có rất nhiều tỷ phú, đặc biệt là những người trẻ, năng động trong sản xuất, kinh doanh. Còn tính thu nhập bình quân của người thợ làm nghề đạt 120 triệu đồng/ năm. “Nhờ phát triển song hành sản xuất nông nghiệp và làng nghề, đời sống nhân dân làng Táo ngày càng được nâng cao. Hiện 100% đường làng, ngõ xóm nơi đây đã bê tông hóa, các trục chính được nhựa hóa, bảo đảm phong quang sạch đẹp, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của bà con trong làng phát triển mạnh”, Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn Nguyễn Văn Đính cho biết.

Về những dự định phát triển làng nghề cho tương lai, Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn Nguyễn Văn Đính cho biết: Thời gian tới, xã Tam Thuấn sẽ tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho làng nghề, lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao để tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm của thành phố. Đặc biệt, làng Táo có vị trí tiếp giáp với quốc lộ 32 nên giao thông rất thuận lợi. Nơi đây cũng kết nối dễ dàng đến chùa Thầy (huyện Quốc Oai) và di tích lịch sử đền Hát Môn (đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Phúc Thọ). Cùng với lợi thế có nghề trồng hoa, xã sẽ gắn kết với phát triển làng nghề cắt may để trở thành một trong những điểm đến du lịch.

Hội trưởng Hội Cắt may làng Táo Nguyễn Văn Quỳnh cho biết thêm: Hội đang có hơn 100 hội viên. Thời gian tới, Hội định hướng sẽ thành lập Hợp tác xã may mặc hoặc Hiệp hội may mặc làng Táo để có bước phát triển bài bản hơn, cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất. Các hộ sản xuất ở làng Táo mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ xây dựng điểm sản xuất tập trung để tách sản xuất ra xa khu dân cư. Bên cạnh đó là đầu tư bãi trung chuyển hàng hóa bởi hiện nay sức sản xuất trong làng rất lớn, trong khi đó, đường giao thông ngõ xóm vốn nhỏ, hạn chế khi vận chuyển hàng. Người dân cũng mong muốn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng một khu trưng bày bán các sản phẩm làng nghề… để du khách tới tham quan, mua sắm gắn với phát triển du lịch.

Trao Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho đại diện chính quyền và nhân dân địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cho biết, để làng nghề có bước tiến xa hơn, cấp ủy, chính quyền và các cơ sở sản xuất cần làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, xử lý tốt các vấn đề về chất thải, bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Cùng với đó, làm tốt công tác quy hoạch về hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, khu trung tâm giới thiệu sản phẩm của làng nghề, tạo điều kiện cho các hộ phát triển nghề…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Táo chuyển mình từ nghề may