Xưa và nay

Chùa Bà Tề

Thủy Hương 23/07/2023 - 15:36

Chùa Bà Tề còn có tên gọi khác là Đại Bi hay Hiệp Thuận, tọa lạc tại thôn Hiệp Thuận (xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội).

ba-te.jpg

Theo một số tài liệu, ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông này được thành lập từ thời Tiền Lê nhưng căn cứ theo niên đại của các hiện vật, đồ tế khí, tượng Phật hoặc phong cách trang trí nghệ thuật, có thể đoán định chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê (khoảng thế kỷ XVII) và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Những dấu tích kiến trúc hiện còn cho thấy lần trùng tu lớn cuối cùng vào khoảng thời Nguyễn.

Theo tư liệu, tên gọi chùa Bà Tề là do phiên âm từ từ gốc là “Padmâ”, tiếng Chăm gốc Phạn, nghĩa là “hoa sen”. Cái tên Bà Tề còn được các cụ già trong làng giải thích rằng, vào thời vua An Dương Vương, công chúa Ngọc Phi đã sinh ra tại đây. Công chúa là người có nhiều công lao lớn trong việc tạo nên vùng đất Hiệp Thuận trù phú. Khi mất, công chúa cũng hóa tại ngôi chùa này. Vì thế, để tưởng nhớ công lao của công chúa Ngọc Phi, dân làng gọi ngôi chùa này bằng tên Nôm là “Bà Tề”.

Chùa Bà Tề nằm chếch theo hướng tây nam, có kiến trúc đơn giản kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm tam quan, tiền đường, nhà thiêu hương, thượng điện, hai bên là hành lang và có 15 bộ cửa bức bàn. Tòa tiền đường 3 gian 2 chái với bộ khung gồm 4 hàng cột tròn và kết cấu bộ vì kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ”. Tòa thiêu hương nằm dọc, nối tiền đường với thượng điện bằng những bộ vì cũng được thiết kế giống như tiền đường cùng 4 hàng chân cột tròn kê trên tảng đá xanh. Tòa thượng điện cũng có kiến trúc khá giống tiền đường.

Trong chùa có nhiều pho tượng được tạo tác công phu, gồm 72 pho tượng bằng đất nung và gỗ sơn son thếp vàng, trong đó có nhiều bộ tượng gồm 2 chiếc như 2 tượng Cửu Long, 2 tượng Chuẩn Đề, 2 bộ tượng Văn Thù ngồi trên lưng sư tử, Phổ Hiền ngồi trên lưng bạch tượng cùng các pho tượng đáng chú ý khác như tượng A Di Đà, Quan Âm Nam Hải, Thế Tôn... Đặc biệt, phải kể tới 3 pho tượng Tam Thế bằng gỗ, được tạc theo phong cách nghệ thuật điêu khắc Champa với đường nét cầu kỳ, tinh xảo, sắc thái tượng vô cùng sống động. Mỗi pho cao 93cm, rộng 63cm, được đặt trên bệ tượng cũng mang phong cách Champa.

Ngoài ra, trong chùa còn có nhiều hiện vật quý khác như quả đại hồng chung khắc chữ “Bà Tề tự chung” đúc năm Gia Long thứ 12 (1813), khánh Bà Tề đúc năm Minh Mạng thứ 3 (1822), chân tảng đá chạm hình 16 cánh sen thời Lê cùng nhiều hoành phi, câu đối có giá trị...

Với những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và nghệ thuật, chùa Bà Tề đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1990.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chùa Bà Tề