Hà Nội 360

Họa sĩ Ngọc Linh: Yêu Hà Nội qua từng nét vẽ

Bảo Châu 23/10/2023 - 11:58

Họa sĩ Ngọc Linh là người thiết kế mỹ thuật cho 25 bộ phim nổi tiếng của điện ảnh cách mạng Việt Nam như “Vợ chồng A Phủ”, “Chung một dòng sông”, “Sao tháng Tám”...

Mới đây, ở tuổi 93, ông đã trình làng tập sách hội họa song ngữ Việt - Anh “Hà Nội tôi yêu - Hanoi My Love” (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam) gồm 134 bức tranh trực họa bằng sơn dầu trên những tờ vé số tiết kiệm cỡ 7 x 10cm đặc tả phong cảnh và phố xá Hà Nội. Mỗi bức tranh là một góc nhìn ẩn chứa tình yêu của ông với thành phố ngàn tuổi.

hoa-si-1.jpg
Họa sĩ Ngọc Linh (ngồi giữa) trong buổi ra mắt bộ sách hội họa "Hà Nội tôi yêu".

1. Sáng 5-10 vừa qua, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, rất đông người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến họa sĩ Ngọc Linh đã đến dự buổi giới thiệu sách “Hà Nội tôi yêu - Hanoi My Love”. Trong buổi gặp gỡ thân mật và gần gũi ấy, người họa sĩ già tuy đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng trên gương mặt lúc nào cũng rạng rỡ, hạnh phúc. Ở tuổi 93, họa sĩ Ngọc Linh sở hữu một gia tài tác phẩm đồ sộ và những tác phẩm có mặt tại buổi lễ trang trọng, ấm cúng này chỉ là một phần trong gia tài ấy.

Trong buổi lễ ra mắt sách, chị Vi Huyền Linh đã phát biểu thay cho ông nội của mình. Nói về sự ra đời của cuốn sách, chị Huyền Linh cho biết: “Bộ sách “Hà Nội tôi yêu” ra đời năm 1991 và được gọi là "bộ sách ông cháu", là sự tiếp nối truyền thống của gia đình. Vào năm 1991, khi cháu ngoại của họa sĩ Ngọc Linh là Nguyễn Hồng Anh cầm những tấm vé số của một người bạn trong lớp cuối ngày còn sót lại về đưa cho ông, ông như được tiếp thêm cảm hứng và sáng tác liên tục gần 140 bức tranh rất đẹp về Hà Nội. Vào năm 2023, thấy được tình cảm sâu lắng của ông nội mình dành cho Hà Nội, tôi quyết định biên soạn lại những bức tranh ấy để giới thiệu trong cuốn sách này. Điểm đặc biệt của bộ tiểu họa này là họa sĩ Ngọc Linh đã trực họa bằng chất liệu sơn dầu, ghi lại tình cảm của mình với một Hà Nội tươi mới, chuyển mình sau thời gian chiến tranh, đói nghèo. Họa sĩ Ngọc Linh đã thể hiện thế giới quan vô cùng tươi tắn về Hà Nội trong bộ sách này”.

Có mặt tại buổi lễ, Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định: “Đây là các tác phẩm đầy thi vị về Hà Nội. Trước đây, nếu người yêu hội họa từng có một Hà Nội thâm trầm, cổ kính trong tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái thì đến nay, với bộ tiểu họa “Hà Nội tôi yêu” của họa sĩ Ngọc Linh, chúng ta có một Hà Nội khác - một Hà Nội đẹp, cổ kính nhưng vẫn đầy tươi mới, trẻ trung, trong sáng. Đó là góc nhìn riêng của người họa sĩ lão thành này”.

Còn họa sĩ Trịnh Lữ - người viết lời tựa cho cuốn sách khẳng định: “Người xem không cần phải hiểu biết về hội họa cũng sẽ xúc động trước những bức tiểu họa lạ lùng này. Vì chúng có vẻ đẹp sâu nặng, trong sáng mà thâm trầm, kỹ lưỡng mà phóng khoáng, với nhiều bất ngờ. Ví dụ như đúng là chợ Đồng Xuân mà lại như đền đài, tháp Hòa Phong thì “chạy sang đường”, đứng ngay cạnh Bách hóa Tổng hợp..., nhưng chả chướng tí nào. Bộ tranh tiêu biểu cho “chất dân gian đương đại” của Ngọc Linh. Hà Nội đã có “phố Phái”, giờ lại có “phố Linh” - tung tăng như những khúc hát đồng dao”.

2. Họa sĩ Ngọc Linh từng làm 11 triển lãm mỹ thuật cá nhân tại Hà Nội và về Hà Nội. Ông dành tình yêu lớn với mảnh đất này, nhất là với “vùng lõi” của Thủ đô, chẳng thế mà trong tổng số gần 140 tác phẩm hội họa mini trong tập sách “Hà Nội tôi yêu - Hanoi My Love” có đến 80 tác phẩm vẽ về Hoàn Kiếm. Điều này khiến người người nghĩ ông là “giai phố cổ”. Thực ra không phải vậy.

Ông sinh ra ở Hà Nội nhưng quê gốc Lạng Sơn. Cha ông là cụ Vi Văn Huyền - con trai của Tổng đốc Hà Đông Vi Văn Định. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (năm 1946), ông đã theo gia đình lên ATK và trải qua nhiều công việc, học tập như y tá đoàn giải phẫu lưu động của bác sĩ Tôn Thất Tùng và Hoàng Đình Cầu phục vụ kháng chiến (1946); học viên khóa V, Trường Lục quân ở Phúc Trìu, Đồng Hỷ, Thái Nguyên (1949)...

Ngọc Linh đến với hội họa như một cơ duyên khi ông gặp họa sĩ nổi tiếng Trần Văn Cẩn và được danh họa phát hiện năng khiếu và hết sức động viên, khuyến khích ông lựa chọn con đường mỹ thuật. Ông vào học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) trong khóa học đặc biệt - khóa Mỹ thuật kháng chiến, và được lĩnh hội kiến thức từ các họa sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Sĩ Ngọc, Nguyễn Khang, Bùi Trang Chước...

Những thành viên trong lớp học này sau trở thành những tên tuổi trong nền mỹ thuật nước nhà như Trần Lưu Hậu, Mai Long, Ngô Mạnh Lân, Lê Lam, Thục Phi, Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa, Lưu Công Nhân, Linh Chi...

hoa-si-2.jpg

3. Năm 1955, họa sĩ Ngọc Linh về làm việc tại Xưởng phim truyện Việt Nam (sau là Hãng phim truyện Việt Nam). Tại đây ông có cơ hội được tham gia thiết kế những bộ phim nổi tiếng trong giai đoạn đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam, tiêu biểu là bộ phim “Vợ chồng A Phủ” của đạo diễn Mai Lộc (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tô Hoài) được chiếu vào năm 1972. Thời điểm đó, điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, họa sĩ thiết kế cũng gặp rất nhiều trở ngại.

Ông từng nhiều lần tâm sự với báo giới: “Khi nhận được kịch bản từ nhà văn Tô Hoài, tôi dành nửa năm nghiên cứu, trong đó có 2 tháng đi thực địa tại miền núi để tìm hiểu về thiên nhiên và con người Tây Bắc. Do điều kiện làm phim thời kỳ đầu vô cùng eo hẹp, tôi phải dựng toàn bộ không gian ngoại cảnh Tây Bắc tại Sơn Tây, bấy giờ là ngoại thành Hà Nội; còn nội cảnh được dựng toàn bộ trong khuôn viên Xưởng phim truyện Việt Nam. Toàn bộ đạo cụ được cắt dựng bằng giấy, từ những bình hoa, chiếc cối xay gạo trong nhà, rừng hoa đào rực rỡ tới căn nhà dài 25m của thống lý Pá Tra...”.

Nhìn lại quãng đường nghệ thuật mà họa sĩ Ngọc Linh đã đi qua, có thể thấy trí tưởng tượng và tinh thần lao động nghệ thuật trong ông hết sức dồi dào. Đó chính là tâm thế của một họa sĩ lớn, luôn khắc phục khó khăn để không ngừng sáng tạo trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào. Điều đó có thể thấy khi ông tiết lộ trong buổi ra mắt cuốn sách “Hà Nội tôi yêu - Hanoi My Love” là sẽ tổ chức một triển lãm khác vào năm 2024, đúng dịp sinh nhật tuổi 95 (tính theo âm lịch).

Họa sĩ Ngọc Linh (tên đầy đủ là Vi Văn Bích) sinh năm 1930 tại Hà Nội, quê gốc ở Lạng Sơn. Ngoài việc thiết kế phim, ông còn tham gia thiết kế nhiều vở chèo, kịch nói, nhạc kịch nổi tiếng, trong đó có tác phẩm “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ông từng giành một số giải thưởng như giải Hội họa cho bộ tranh tứ bình "Xuân - Hạ - Thu - Đông" tại Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva năm 1957, giải Nhì tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1993 với bức tranh lụa “Những nẻo đường nai đi”, giải Họa sĩ xuất sắc nhất cho phim “Sao tháng Tám” (đạo diễn Phạm Kỳ Nam) và “Bức tường không xây” (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi)... Năm 1993, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Ngọc Linh: Yêu Hà Nội qua từng nét vẽ