Hà Nội 360

Họa sĩ Tô Chiêm: Vẽ là được sống cho chính mình

Thúy Đinh 14/08/2023 - 06:39

Sinh năm 1955, họa sĩ Tô Chiêm tốt nghiệp khoa Đồ họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh được nhiều độc giả biết đến trong vai trò họa sĩ vẽ minh họa tại NXB Kim Đồng, vẽ minh họa báo chí...

Gần đây, họa sĩ Tô Chiêm dành thời gian chuyên tâm sáng tác hội họa, tham gia nhiều triển lãm nghệ thuật trong Nam, ngoài Bắc. Tranh của Tô Chiêm khá hợp với vẻ ngoài xù xì, thô mộc của anh, nhưng sâu xa, người xem vẫn cảm nhận được ý tứ, sự rung động “khe khẽ” khó biểu đạt bằng lời.

to-chiem.jpg
Họa sĩ Tô Chiêm.

- Thưa họa sĩ Tô Chiêm, thời gian gần đây anh tham gia khá nhiều triển lãm cùng bạn bè, đồng nghiệp. Phải chăng anh đang muốn bộc bạch nhiều hơn?

- Sau dịch Covid-19, tôi muốn tham gia các hoạt động nghệ thuật để “xốc lại” tinh thần. Trong số tác phẩm mà tôi giới thiệu tại triển lãm mới nhất của mình là “Giao hòa - thu 2023” có 2 - 3 bức được vẽ từ năm ngoái (2022), còn phần lớn là tranh vẽ trước đó, ví dụ như bộ tranh: “Phố mưa”, “Phố bệnh”, “Phố thu” được vẽ vào dịp cuối diễn ra dịch Covid-19... Đáng lưu ý, 3 bức tranh phố được vẽ trong xúc cảm lo lắng trong những ngày cao điểm của dịch Covid-19. Bạn có nhớ Tết năm kia, trong đêm giao thừa, sấm chớp, mưa rào như mưa mùa hè. Cảm giác trong đêm 30 Tết ấy cứ theo tôi mãi, khiến tôi vẽ bức tranh “Phố bệnh” với ánh sáng vàng trong đêm mưa.

- Trừu tượng và biểu hiện, đâu là niềm yêu thích của anh?

- Tôi không vẽ chuyên trừu tượng nhưng thi thoảng, nếu đủ cảm xúc thì cũng vẽ trừu tượng. Tranh trừu tượng của tôi nằm rải rác trong suốt chặng đường sáng tác. Có tác phẩm tôi vẽ từ những năm 1990. Nhìn lại những tác phẩm ấy, có thể thấy tôi vẽ khác bây giờ. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi cảm xúc, tư duy của họa sĩ có sự thay đổi theo thời gian. Nếu như khi còn trẻ tôi vẽ trừu tượng thiên về màu sắc nhiều hơn thì bây giờ, tôi lại chú ý hơn về nội dung, ý tưởng. Với mỗi họa sĩ, tác phẩm của họ là cảm xúc. Họ trưng bày cảm xúc của mình chứ không nương vào mục đích khác. Khi sáng tác, họ tập trung vào cảm xúc của mình. Có những cảm xúc không tốt nhưng nó là thật, và tôi trân trọng điều đó.

Tôi sợ nhất là phải vẽ cái gì thật giống chính nó. Nhiều người có yêu cầu như vậy nhưng tính cách điệu trong tranh của tôi hơi nhiều, tôi không đáp ứng được nhu cầu ấy của đối tác. Ví dụ như khi vẽ hoa, các bạn sẽ thấy nó không hẳn là một loài hoa cụ thể. Tôi tâm niệm phải vẽ làm sao để không giống ai. Đến giờ, tôi có thể yên tâm về con đường mình đi. Nếu có ai đó nói tranh của bạn giống người này, người kia thì cũng phải xem lại, thậm chí nên xếp bút. Nghệ thuật là sáng tạo! Tôi thích vẽ theo kiểu kéo không gian lại gần mình.

- Việc có người cha là một họa sĩ nổi tiếng có phải là điều may mắn và cũng vừa là một áp lực để anh có được con đường đi riêng của mình?

- Tôi vốn hơi ngỗ ngược. Có thể nói người thầy đầu tiên chính là cha tôi. Thế nhưng tôi không vẽ theo ông, cũng không vẽ theo các thầy mà tự tìm đường riêng, cái gì phù hợp thì mình theo. Cách vẽ của bố tôi hiện thực pha với dân gian. Còn cách vẽ của tôi lại khác. Có lẽ điều đó khiến cho mình vui bởi không bị “cái bóng” của ông trùm lên nhiều quá.

- Anh làm việc tại NXB Kim Đồng, gắn bó với công việc minh họa và biên soạn sách vốn đòi hỏi sự cẩn trọng và nghiêm ngặt về mặt thời gian, chất lượng... Nhưng có vẻ khi “chạm” đến tuổi già, sự tự do trong sáng tác hội họa của anh càng nhiều hơn?

- Có lẽ là như vậy và tôi cũng mong là như vậy. Đến thời điểm này, tôi muốn làm việc gì đó tập trung hơn, sâu hơn. Tôi muốn đưa ý tưởng, cảm xúc của mình lên mặt tranh. Cuộc sống của tôi giờ đây cũng tạm ổn, có lẽ nên nghĩ một chút về mình chăng? Bởi lẽ, thế hệ chúng tôi lớn lên trong thời gian đất nước còn gian khó, vừa mới hòa bình, thống nhất. Khi bắt đầu đi học, thời sinh viên cũng rất vất vả, gần như không có màu, sơn dầu để vẽ. Chúng tôi phải vẽ bằng loại sơn do nhà trường tự nghiền. Những chất liệu khác cũng không dễ tìm kiếm. Thế nhưng, trong những ngày tháng gian khổ ấy, chúng tôi vẫn học, vẫn vẽ một cách say mê và cũng làm được những điều có ích cho chính mình, cho xã hội. Nhìn lại, chúng tôi thấy rằng giai đoạn khó khăn ấy còn vượt qua được thì những gì còn lại trong cuộc đời cũng có thể vững vàng đối diện. Khi đã “chạm” đến tuổi già, chúng tôi mong muốn được làm điều gì đó cho mình.

- Anh là người kín tiếng, không ồn ào, ít thể hiện. Liệu có thể coi mỗi triển lãm, mỗi lần xuất hiện trước công chúng là một lần phiêu lưu với anh?

- Có một câu nói rằng: Thượng Đế tạo nên cuộc sống trên trái đất, còn người họa sĩ cũng tạo không gian, thiên nhiên riêng của mình. Tôi cảm nhận nó như thế nào thì tôi sẽ vẽ ra như vậy. Đó là quyền lớn nhất, đặc biệt nhất của người họa sĩ. Việc sáng tác là tự thân, đừng bắt chúng tôi phải theo người này, giống người kia. Còn với người xem, tôi tôn trọng cách mà họ cảm nhận về thành quả lao động sáng tạo của người họa sĩ.

- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Tô Chiêm!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Tô Chiêm: Vẽ là được sống cho chính mình