- Thưa họa sĩ Công Quốc Hà, khi trở lại ngôi trường mình đã từng học tập để thực hiện triển lãm đánh dấu 50 năm sự nghiệp, cảm xúc của ông như thế nào?
- Tôi vào trường năm 1973. Trong triển lãm của tôi lần này có 3 mảng chính là hội họa, đồ họa và điêu khắc. Khi chọn địa điểm trưng bày triển lãm tôi quyết định chọn ngôi trường đã đào tạo mình trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, đó là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tôi xem đó như một lời tri ân đến thế hệ thầy cô giáo đã dìu dắt chúng tôi trở thành những người có chuyên môn, phục vụ nền mỹ thuật nước nhà. Tôi có rất nhiều triển lãm ở trong nước cũng như quốc tế, nhưng triển lãm “Nghệ thuật Công Quốc Hà - Nửa thế kỷ” giống như tình cảm của một người con đi xa gia đình 50 năm mới gặp lại người thân.
- Được biết, mấy tháng nay, khi về nước, họa sĩ Công Quốc Hà đã sáng tác rất nhiều. Có điều gì thôi thúc ông từ bên trong?
- Đúng thế, các bạn xem những tác phẩm trong triển lãm này thì sẽ thấy rất rõ điều đó. Những con đường mới mở, những khu đô thị mới cho tôi cảm xúc rất mới mẻ về Hà Nội. Nhìn tranh, các bạn sẽ thấy các con số qua những tháng năm khác nhau, đó như một cách tôi làm mới mình. Mình phải quên vinh quang ngày hôm nay, xếp nó vào quá khứ để lao động nghệ thuật vì ngày mai, cho tương lai. Ỷ lại vào những thứ đã đạt được là tự kìm hãm sức sáng tạo của mình.
Tôi học ngành sơn mài và chọn đây là chất liệu quan trọng trong việc sáng tác của mình. Tuy vậy, khi vừa trở về nước tôi sử dụng acrylic, một chất liệu tương đối hiện đại đem lại cảm xúc nhanh mạnh và phù hợp với đề tài tôi sáng tạo. Vì thế, ở triển lãm này, những bức tranh mới đa phần là acrylic.
- Bên cạnh những bức tranh về phố, họa sĩ còn có những bức tranh về thiếu nữ, tranh nude, được coi là hai mảng sáng tác rất rõ ràng của ông. Ông nói gì về những người phụ nữ trong tranh của mình?
- Những bạn yêu mến tác phẩm của tôi có thể thấy tôi dành tâm huyết vẽ về thiếu nữ. Tôi khai thác vẻ đẹp thiên phú, thanh tao của người phụ nữ, nhất là thiếu nữ Hà Nội trong tà áo dài dân tộc. Điều đó đem lại cho tôi dấu ấn riêng trong mắt những người thưởng thức nghệ thuật: Phong cách Công Quốc Hà với thiếu nữ, áo dài. Tôi khai thác vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ, sự kín đáo, thiên thần, thánh thiện. Thời sinh viên tôi có những người bạn là nữ. Những kỷ niệm đó thôi thúc tôi vẽ, cho tôi nhiều cảm xúc khi xây dựng các tác phẩm hội họa về thiếu nữ, đặc biệt là thiếu nữ Hà Nội. Người nghệ sĩ phải xuất phát từ xúc cảm chân thành thì mới có thể mang đến cho người khác cảm nhận về cái đẹp, cái thiện, cái mỹ.
- Một chút vương vấn, một chút hoài niệm nhưng trên hết, người xem vẫn luôn cảm thấy tinh thần tươi vui, lạc quan. Thiết nghĩ, trong cuộc sống bộn bề như thế này, để giữ được tâm thế lạc quan trong sáng tạo là điều không đơn giản...
- Thế hệ chúng tôi trải qua giai đoạn lịch sử rất khó khăn, bộn bề mọi mặt, nhưng ở bất cứ giai đoạn nào, khung cảnh nào cũng như điều kiện vật chất nào tôi vẫn rất lạc quan. Tại sao tôi không vẽ con phố buồn bã, âm u hay có điều gì không lạc quan? Đó là do tình cảm, do tâm thế tôi - một người rất lạc quan, luôn cố gắng hướng đến những điều tốt đẹp nhất. Tôi đem tất cả những điều đó vào tác phẩm. Tôi hoàn toàn cân bằng cuộc sống của mình bằng hội họa, bằng nghệ thuật. Hội họa cho tôi một đời sống phong phú và có lẽ không bao giờ cạn. Chính nghệ thuật giúp tôi thanh thản, vượt qua tất cả, và nó cũng trở thành niềm đam mê cũng như lý tưởng sống của tôi. Đơn giản, với tôi không có gì khác là làm việc và sáng tạo.
- Tổ chức triển lãm tại ngôi trường mình đã học 50 năm trước, ông có nhắn nhủ điều gì với thế hệ họa sĩ trẻ hiện nay?
- Các anh em nghệ sĩ trẻ bây giờ hay nóng vội nên rất nhiều cuộc triển lãm mở ra mà không đọng lại được gì nhiều cho người xem. Muốn xây dựng được một tác phẩm tốt thì mình phải đầu tư dài lâu về mặt thời gian, tình cảm, kỹ năng nghề nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Công Quốc Hà!