Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Đan Phượng

Mạnh Dũng| 21/04/2023 07:01

(HNM) - Hơn 10 năm Hà Nội triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng liên tục giữ vị trí dẫn đầu toàn thành phố về kết quả đạt được. Đặc biệt, huyện đã có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu từ 2 lĩnh vực trở lên. Để đạt được kết quả đó, Đan Phượng đã có nhiều cách làm hay, là kinh nghiệm cho các địa phương khác học tập.

Hạ tầng giao thông đồng bộ tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng). Ảnh: Minh Phú

Số xã “về đích” nhiều nhất

Có thể thấy những năm gần đây, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Đan Phượng ngày một đổi thay tích cực, với những công trình hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí, phát triển kinh tế - xã hội của người dân.

Xã Thượng Mỗ là một trong những địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 trên 3 lĩnh vực: Y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo. Trong đó, đối với lĩnh vực y tế, Trạm Y tế xã được xây dựng mới năm 2019 trên diện tích gần 2.000m², gồm 13 phòng, với đầy đủ trang thiết bị, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Từ năm 2018 đến nay, Trạm Y tế xã đã quản lý sức khỏe cho 99,5% người dân trong xã… Thời gian qua, thực hiện kế hoạch của huyện Đan Phượng về mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, Trạm Y tế xã đã tuyên truyền cho người dân mắc những bệnh không lây nhiễm đến trạm để được khám, chữa bệnh, nhất là các bệnh tiểu đường và huyết áp.

Còn tại xã Trung Châu, năm 2022, địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, y tế. Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, xác định xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian qua, xã đã tham mưu huyện đầu tư cơ sở vật chất trường học, triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2. Đến nay, cả 4 trường học các cấp ở xã đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Xã cũng có Trung tâm học tập cộng đồng được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xếp loại tốt; có mô hình giáo dục thể chất cho học sinh rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền…

Cũng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022, xã Liên Trung đã được đầu tư xây dựng vườn hoa cây xanh khu trung tâm xã quy mô hơn 3ha, với số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Đây là một trong những vườn hoa cây xanh lớn nhất của huyện Đan Phượng, giúp nhân dân có thêm không gian xanh để nghỉ ngơi, thư giãn và thể dục, thể thao.

Không chỉ có những đổi thay về diện mạo, nét nổi bật ở các xã trên địa bàn huyện Đan Phượng là kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao. Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 trên địa bàn huyện đạt 73 triệu đồng (tăng 11,8 triệu đồng so với năm 2020), toàn huyện không có hộ nghèo. Trong đó, một số xã có thu nhập nổi bật, như: Liên Trung đạt 84,2 triệu đồng/người/năm, Tân Lập 82 triệu đồng/người/năm, Đồng Tháp 76,3 triệu đồng/người/năm… Đáng chú ý, hiện mỗi xã trên địa bàn huyện Đan Phượng đều có ít nhất 1 mô hình thôn thông minh. Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động giao tiếp, thương mại điện tử, dịch vụ xã hội và quảng bá thương hiệu, cải cách hành chính được thực hiện hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn không chỉ giàu đẹp mà còn văn minh, hiện đại.

Với kết quả đạt được, đến nay huyện Đan Phượng có tới 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nhiều nhất của thành phố Hà Nội.

Đầu tư trọng tâm, trọng điểm

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt chia sẻ, trong mỗi giai đoạn, huyện Đan Phượng đều đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và có những cách làm sáng tạo. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển thành quận.

Đi kèm với đó, Đan Phượng có chính sách hỗ trợ cụ thể. Chẳng hạn, huyện hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nông sản, như: Rau, cây ăn quả, thịt lợn, đậu phụ, rượu; hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP tại các xã: Thượng Mỗ, Trung Châu, Tân Lập, Đồng Tháp, Phương Đình, Liên Hà với tổng diện tích 60,9ha. Huyện cũng thực hiện hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho các nhà văn hóa quy mô thôn với mức 6-8 triệu đồng/nhà văn hóa/năm (tùy theo quy mô dân số). Hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Cuộc thi được nhân dân hưởng ứng tích cực, với tổng kinh phí xã hội hóa hơn 30 tỷ đồng và hàng vạn ngày công của nhân dân thực hiện chỉnh trang, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp. Đến tháng 3-2023, có 213 thôn, khu dân cư, tổ dân phố được trao thưởng vì có thành tích trong cuộc thi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, Đan Phượng lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án giao thông, nhà văn hóa, vườn hoa, sân chơi, trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, Đan Phượng đã có 54/55 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 33/55 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Duy trì 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và mô hình bác sĩ gia đình được triển khai hiệu quả... Nhờ đó, hầu hết các xã của huyện được đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu ít nhất 2 lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, y tế.

Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2023, huyện Đan Phượng phấn đấu hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu đối với 3 xã còn lại: Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2025, xây dựng và phát triển huyện Đan Phượng nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu chí quận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Đan Phượng