Đi chơi chợ hoa Hàng Lược
Ngày tôi còn học cấp 1, cứ sau lễ cúng “ông Công ông Táo” là lại được bố cho đi chơi chợ hoa Hàng Lược. Có lần hai bố con ngồi xích lô, lần thì bố chở tôi rồi gửi xe đạp ở nhà một người bạn, lững thững đi bộ vào chợ. Ông dắt tay tôi đi khắp các đoạn phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Rươi... ngắm các loại hoa và cảnh nhộn nhịp bán mua trong tiết xuân se se lạnh.
Cả một đoạn phố Hàng Lược cơ man là cành đào với nhiều dáng vẻ, kích cỡ, màu sắc. Có lúc bố dừng lại ngắm rất lâu một cành đào có tán tròn, hoa mập mạp, nở đều, có nhiều nụ và lá. Ông ngắm trước ngắm sau, ngắm phải ngắm trái rồi hỏi giá. Và, dù ưng lắm nhưng ông không mua vì là đào phai, trong khi ông lại thích chơi bích đào.
Tầm từ trưa đến chiều, người đi chơi chợ đông dần. Dường như cả thành phố đổ về đây ngắm hoa và sắm hoa chơi Tết. Có ông già đội mũ phớt tay cầm cành đào giơ lên cao, lách người từ đám đông ra. Nhiều cặp mắt đổ dồn vào cành hoa của ông, xôn xao lời hỏi thăm: “Cành đào này bao nhiêu đấy bác?”; “Tán tròn, nụ nhiều, bác chơi đến hết rằm cũng chưa tàn!”; “Bác mua cành này đẹp và rẻ quá. Chúc bác đón Tết vui, hạnh phúc!”... Gặp nhau ở chợ hoa ngày Tết, dù không quen biết nhưng dường như ai cũng có cảm giác thân quen đến kỳ lạ.
Bố tôi là thầy giáo nên thỉnh thoảng đang rảo bước lại có người đến bắt tay, cất tiếng chào: “Chào thầy ạ! Thầy với em đi chơi chợ ạ?”. Bố tôi dừng lại nói đôi câu rồi đi tiếp. Có năm, hai bố con tôi cũng như nhiều người khác, đi chơi chợ chỉ ngắm hoa rồi về, không mua gì. Ông bảo chơi cành đào là phải chọn được cành có dáng đẹp, hoa đậm màu vì nó sẽ mang lại sự may mắn cho gia đình trong năm mới. Cũng có năm bố tôi không chọn được cành đào nào ưng ý, chỉ mua hoa lay ơn và hoa cúc về cắm chơi Tết. Theo ông, cái không khí chợ hoa Hàng Lược một năm chỉ có một lần, không đi để được tắm mình trong không gian ấy thì uổng phí lắm!
Kén hoa, kén cả người bán hoa
Tôi nhớ một năm cùng bố đi chợ hoa, ông chọn được một cành đào khá đẹp, dáng tròn đều, nhiều hoa nhiều nụ, có thể nói là đẹp nhất chợ, nhưng ông không mua, lại mua một cành đào khác bé hơn, không đẹp bằng cành kia. Tôi thắc mắc thì bố bảo: “Ông bán hoa ấy có gương mặt hơi ác, ăn nói chỏng lỏn, khinh người. Hoa đẹp nhưng mua của ông ấy chắc không may mắn!”. Tôi để ý bác đứng tuổi bán cành đào bé hơn mà bố tôi mua có khuôn mặt phúc hậu, giọng nói chất phác, nhẹ nhàng. Thì ra bố tôi kén cả người bán khi chọn mua hoa Tết.
Năm tôi học cấp 2 vẫn được bố cho đi chơi chợ hoa Hàng Lược. Hai bố con đang tha thẩn ngắm hoa, bỗng có chú bán đào cất giọng tươi tỉnh: “Con chào ông giáo! Năm nay ông chơi đào đi! Con cứ ngóng ông mãi mà không thấy!”. Bố tôi bảo năm ngoái đã mua cành đào của chú này nhà ở Nhật Tân, chú vẫn nhớ, nhận ra hai bố con mình. Chú bán đào tên là Tính nói nhỏ với bố tôi: “Con để dành cho ông cành đào này, dáng đẹp, hoa đậm đều. Ban nãy có người trả giá cao nhưng con không bán, cứ chờ ông”. Dường như bố tôi cảm động. Ông run run đón nhận cành đào, trả tiền không mặc cả rồi chúc chú cùng gia đình mạnh khỏe, đón Tết vui và nhiều may mắn.
Cận Tết năm sau đó, đến lượt bố tôi đi khắp chợ hoa Hàng Lược tìm chú Tính Nhật Tân nhưng tìm suốt cả ngày không thấy. Hỏi mấy người bán hoa cùng ở làng Nhật Tân, người ta bảo chú bị tai nạn giao thông hồi trong năm, không qua khỏi. Bố tôi bần thần, thơ thẩn chợ hoa cả buổi và năm ấy không mua cành đào, chỉ mua chục bông lay ơn cùng bó vi-ô-lét.
Do chiến tranh, dịch bệnh nên một số năm chợ hoa Hàng Lược không họp. Sau khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, nhất là từ giai đoạn Hà Nội được mở rộng, chợ hoa Tết được thành phố tổ chức tại hàng chục điểm trên khắp các quận, huyện, bán đầy đủ hoa đào, chậu quất, hoa mai cùng nhiều mặt hàng nông sản, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân đón Tết. Nhưng chợ hoa Hàng Lược, phiên chợ độc đáo có tuổi đời lâu nhất thành phố vẫn là điểm thưởng ngoạn, du xuân không thể thiếu bởi nét văn hóa truyền thống đồng thời là nơi lưu giữ kỷ niệm của nhiều thế hệ người Hà Nội.