Lan tỏa lối sống “xanh”
“Sống xanh” đang là một xu hướng được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng. Bằng việc thay đổi lối sống, nhiều người trẻ đang từng ngày lan tỏa nguồn năng lượng tích cực của mình, hướng cộng đồng tới những giá trị bền vững, hạn chế tác động làm biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Từ một “trào lưu”, “sống xanh” đang dần lan tỏa, trở thành một lối sống văn minh, tiêu chuẩn chung cho thời đại mới.
Từ những “mầm xanh” nhỏ
Một trong những trào lưu sống hiện đại được giới trẻ hiện nay yêu thích là “eat clean” - ăn “xanh” và uống “xanh”. Nguyễn Thu Phương, sinh viên năm cuối Đại học Ngoại thương (Hà Nội) chia sẻ: “Em bắt đầu “eat clean” từ hơn nửa năm nay và cảm nhận được những chuyển biến tích cực. Ăn “xanh” là ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm tươi sạch, nguyên chất, có nguồn gốc hữu cơ, khẩu phần ăn ít dầu mỡ để hạn chế các chất béo có hại, giảm đường, muối và các gia vị, hương liệu để giữ được vị ngon tự nhiên của thực phẩm. Nhờ phương pháp này, em cũng bỏ được thói quen ăn vặt và kiểm soát cân nặng tốt hơn”.
Không chỉ lựa chọn đồ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe, giới trẻ còn thể hiện trách nhiệm với môi trường bằng việc từ chối sản phẩm nhựa dùng một lần. Nguyễn Thu Hà sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách Khoa (Hà Nội) cho hay: “Em thường mang theo bình cá nhân, ống hút inox, ống hút tre... mọi lúc mọi nơi để sử dụng khi cần. Lúc đầu cũng bắt gặp cái nhìn đầy lạ lẫm từ những người xung quanh khi em từ chối lấy ly nhựa, ống hút nhựa, túi nilon từ người bán hàng, thế nhưng em nghĩ rằng mình cần kiên trì bởi mỗi người chỉ cần giảm bớt vài ly nhựa, ống hút nhựa, túi nilon... mỗi ngày sẽ góp phần rất lớn vào việc hạn chế rác thải nhựa, tốt cho môi trường”.
Sống “xanh”, với nhiều bạn trẻ còn là tái chế đồ vật đã qua sử dụng nhằm hạn chế đưa rác khó phân hủy ra môi trường. Có thể những người theo đuổi lối sống này dễ bị hiểu nhầm là sống tiết kiệm khi hạn chế mua những thứ không cần thiết và tìm cách tái sử dụng đồ vật. Tuy nhiên, hiểu đúng hơn thì sống "xanh" nghĩa là không lãng phí và có trách nhiệm hơn với những món đồ mình mua và sử dụng. Chẳng hạn như việc dùng khẩu trang vải để tránh xả rác ra môi trường, phong trào tái chế đồ cũ... Những bộ quần áo cũ, không hợp mốt được các bạn trẻ lập trang Facebook để chia sẻ, trao đổi. Những chai thủy tinh không bị vứt đi mà được hồi sinh dưới một hình dạng khác như đèn trang trí, lọ cắm hoa; những thùng xốp được giữ lại để trồng cây...
Góp thành những “mảng xanh”
Hiệu quả tích cực từ lối sống “xanh” đã trở thành một minh chứng thuyết phục cộng đồng cùng tham gia. Các hoạt động “tiêu dùng xanh” xuất hiện ngày càng nhiều và được xã hội quan tâm, hưởng ứng, điển hình là xu hướng tái sử dụng đồ dùng để hạn chế rác thải. Ai từng đến các cửa hàng của Starbucks hẳn sẽ biết một quy định thú vị mà thiết thực: Nếu bạn cầm theo bình nước cá nhân đến mua nước sẽ được giảm 10.000 đồng cho một đồ uống.
Từ phong trào dùng đồ tái chế của những người trẻ, trên mạng xã hội gần đây xuất hiện nhiều hội nhóm dạy nhau cách tái chế vật dụng cũ. Trên trang Facebook “Ý tưởng tái chế - Tái sử dụng”, các dòng trạng thái như: “Ai biết cách làm túi rác bằng giấy thì nhắn em nhá”, “Mọi người chỉ cách em trồng cây bằng hộp giấy đi”, hay: “Có ai biết cách làm túi từ quần jeans thì dạy em với”... xuất hiện ngày càng nhiều. Hiện tại trang này thu hút hàng nghìn thành viên, mỗi người một ý tưởng rồi rủ nhau cùng làm, tạo nên một "cộng đồng yêu thích tái chế online" với nhiều sản phẩm tái chế thiết thực, ý nghĩa.
Ra đời tháng 6-2020, Green Fair là dự án được thành lập với mục đích lan tỏa phong cách sống xanh. Thành viên là những học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn Hà Nội. Hoạt động chính là thu gom pin cũ, chai nhựa, giấy báo cũ... đổi thành quà. Mai Việt Hà, Trưởng ban Tổ chức sự kiện Green Fair 2023 cho biết, mục đích của hoạt động “đổi rác lấy quà” là tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn và truyền cảm hứng sống xanh. Bên cạnh đó, dự án còn kết nối cơ quan quản lý với địa phương, doanh nghiệp, các câu lạc bộ, hội nhóm làm công tác bảo vệ môi trường... “Pin cũ rất độc hại, nhiều người không biết điều đó nên thường vứt luôn vào thùng rác. Vì thế em thấy những chương trình như thế này rất thiết thực, pin sẽ có nơi xử lý đúng quy trình, không gây ô nhiễm môi trường” - Hà chia sẻ.
Còn tại Green Life, tổ chức bảo vệ môi trường phi lợi nhuận do sinh viên của nhiều trường đại học tại Hà Nội sáng lập, lại có hoạt động đổi rác lấy cây xanh và những sản phẩm thân thiện với môi trường. Vũ Thị Thu Uyên, thành viên của Green Life cho biết: “Dự án được thành lập với 3 giá trị cốt lõi là: “Tử tế với môi trường - Trách nhiệm với thế hệ tương lai - Kết nối cộng đồng”. Xuyên suốt những năm qua, chúng em đã hoạt động trên tinh thần ấy. Rất nhiều thứ thường bị vứt bỏ hằng ngày như chai nhựa, vỏ lon, túi nilon, giấy vụn... được chúng em thu gom lại để bắt đầu một "hành trình" mới”.
Cùng với hoạt động của các hội, nhóm, Thành đoàn Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng lối sống "xanh” như phong trào “Chống rác thải nhựa”; vận động đoàn viên, thanh niên và người dân hình thành thói quen 4T (Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế); vận động cộng đồng, dân cư cùng hưởng ứng làm vệ sinh môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, thu gom xử lý chất thải, rác thải nhựa; triển khai mô hình “Thôn bản không rác thải nhựa”, “Tuyến đường thắp sáng đường quê” bằng đèn năng lượng mặt trời; tổ chức các cuộc thi về tiết kiệm - tái chế - tái sử dụng như “Hành trình thứ hai của chai nhựa”, “Hành trình thứ hai của lốp xe”, “Bạt phố bỏ đi, vùng cao rất cần” nhằm thu gom bạt nhựa cho các điểm trường vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn... Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh khẳng định: “Bằng những hành động cụ thể, những mô hình thiết thực, đoàn viên, thanh niên và giới trẻ Thủ đô đã và đang chứng tỏ là lực lượng xung kích đi đầu, những hạt nhân quan trọng trong việc lan tỏa lối sống “xanh” trong cộng đồng, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh và hiện đại”.
“Sống xanh dễ lắm, quan trọng là bạn có chịu thay đổi nhận thức hay không”, đó là suy nghĩ chung của nhiều bạn trẻ hiện nay. Họ tin, chỉ cần mỗi người là một “mầm xanh” và lan tỏa màu xanh ấy tới cộng đồng, sẽ có nhiều hơn những “mảng xanh”, “cộng đồng xanh”.