Sống đẹp

Lan tỏa nét đẹp văn hóa xe buýt

Bài và ảnh: Nguyễn Công 05/11/2023 - 10:09

Để tăng số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ xe buýt, trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cấp phương tiện, ứng dụng công nghệ và xây dựng văn hóa xe buýt.

Bởi, muốn hình thành một cộng đồng văn hóa khi tham gia giao thông, những hình ảnh đẹp trên xe buýt cần được lan tỏa, biểu dương kịp thời.

xe-buyt.jpg
Nhân viên bán vé giúp đỡ người cao tuổi lên xe buýt.

Hành động đẹp sẽ tạo thiện cảm

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh người lái xe và nhân viên bán vé trên tuyến xe buýt số 74 Bến xe Mỹ Đình - Xuân Khanh (BKS 29LD-02956) dừng xe để khiêng xe lăn cho một người đàn ông khuyết tật xuống điểm dừng.

Tìm hiểu, được biết anh Phạm Sỹ Long (sinh năm 1988, quê Hà Tĩnh) bị liệt toàn thân và phải ngồi xe lăn loại duỗi thẳng hai chân, vì vậy việc lên xuống xe buýt rất khó khăn, phải có ít nhất hai người trợ giúp. Không ngần ngại, tài xế Lê Văn Thìn và nhân viên bán vé Đoàn Văn Tiến đã cẩn thận dừng hẳn xe và đưa anh Long xuống điểm dừng an toàn.

Anh Long cho biết: “Tôi thỉnh thoảng vẫn ra Hà Nội thăm người thân và thường sử dụng xe buýt công cộng. Tôi rất xúc động vì xe buýt không bao giờ từ chối những hành khách “cồng kềnh” như tôi, các nhân viên còn hỗ trợ tôi lên xuống xe cẩn thận, bày tỏ thái độ niềm nở, trân trọng hành khách”.

Cũng nhờ mạng xã hội mà những hình ảnh đẹp như nhân viên xe buýt tuyến 56 bế hành khách khuyết tật xuống điểm dừng vào nơi an toàn, hay người lái xe tuyến 52B đi chậm trên cầu Vĩnh Tuy để chắn gió bão cho các phương tiện xe máy khỏi bị đổ ngã trong thời tiết dông lốc.

Hay như ngày 30-9, vợ chồng anh Nguyễn Thiên Việt và chị Dư Thị Thắm (trú tại quận Hà Đông) để quên chiếc ba lô trên xe buýt số 33, trong ba lô có 5 triệu đồng tiền mặt, 5 cuốn sổ tiết kiệm với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng.

Ngay sau khi phát hiện hành khách để quên ba lô trên xe, nhân viên bán vé Dương Hoàng Minh (56 tuổi) lập tức trình báo sự việc về trung tâm điều hành của Trung tâm Tân Đạt (trực thuộc Transerco). Qua xác minh, Trung tâm Tân Đạt đã trao lại chiếc ba lô còn nguyên tài sản cho vợ chồng anh Việt tại trụ sở trung tâm vào lúc 13h cùng ngày.

Sau khi nhận lại chiếc ba lô, anh Việt có ý tặng anh Minh một ít tiền để cảm ơn nhưng anh Minh đã từ chối, khẳng định đây là trách nhiệm của mình. Anh Minh cho biết: “Tôi chỉ làm đúng trách nhiệm trả lại tài sản cho hành khách để quên, đây là số tiền mồ hôi, công sức của họ, tôi rất vui vì đã giúp họ nhận lại được tài sản”... Những hành động đẹp ấy đã dần tạo nên cảm nhận tích cực của người dân đối với dịch vụ xe buýt công cộng.

Nhà văn Nguyễn Văn Học (công tác tại Báo Nhân Dân) nhận định: “Xe buýt vốn là một loại hình dịch vụ có sự giao tiếp trực tiếp giữa người với người nên thái độ phục vụ đóng vai trò rất quan trọng để thu hút và giữ khách hàng. Những hành động đẹp trên xe buýt không chỉ xuất phát từ trách nhiệm công việc mà còn xuất phát từ cái tâm phục vụ hành khách. Một nụ cười, một câu nói cảm ơn hoặc xin lỗi có thể tạo cảm giác gần gũi, thân thiện. Việc không tham đồ để quên của hành khách tạo ra sự tin tưởng về lòng trung thực. Những hành động đẹp như vậy sẽ ăn sâu vào trí nhớ của hành khách và lan tỏa nét văn hóa ấy đến cộng đồng”.

xe-buyt-1.jpg
Đại diện Trung tâm Tân Đạt trao trả tài sản cho hành khách để quên trên xe buýt.

Bộ quy tắc “gối đầu giường”

Để tăng cường xây dựng văn hóa xe buýt, không dừng lại ở công tác tuyên truyền, đào tạo, mới đây, ngày 16-10, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã triển khai “Bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách trên xe buýt” nhằm nâng cao chuẩn mực đạo đức, hành vi, lối ứng xử văn minh, thân thiện trên xe buýt.

Anh Nguyễn Văn Bình, lái xe trên tuyến buýt 6D Bến xe Giáp Bát - Tân Dân cho biết: “Tôi rất vui khi Tổng Công ty triển khai Bộ quy tắc ứng xử và được dán công khai trên xe buýt để hành khách cũng nắm được. Chúng tôi hiểu rằng, văn hóa ứng xử không chỉ đơn thuần là chấp hành nội quy mà còn phải coi khách hàng là trung tâm để phục vụ với tất cả sự tận tình và trách nhiệm”.

Chị Hồ Diệu Huyền (ở xã Chương Dương, huyện Thường Tín), người đã có hơn 10 năm sử dụng dịch vụ xe buýt, nhận xét rằng: “So với 10 năm trước, chất lượng dịch vụ xe buýt Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt, hiện đại và thuận tiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có hình ảnh chưa được thân thiện của công nhân lái xe và nhân viên bán vé, làm cho hành khách không có thiện cảm. Tôi hy vọng, với Bộ quy tắc mới được triển khai này, những hình ảnh chưa đẹp trên xe buýt sẽ không còn tồn tại, đồng thời hành khách cũng nên hợp tác, cảm thông và tự nâng cao ý thức khi đi xe buýt, từ đó sẽ sớm định hình cách ứng xử văn minh trên xe buýt”.

Bên cạnh đó, để xây dựng văn hóa ứng xử trên xe buýt thì cần có sự chung tay của hành khách. Transerco mong muốn hành khách đi xe buýt hãy giữ gìn trật tự và tôn trọng nội quy chung. Đồng thời, hành khách hãy nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em và có hành vi, lối giao tiếp lịch sự, chấp hành theo sự sắp xếp, điều hành của nhân viên phục vụ trên xe.

Theo đại diện Transerco thì hiện nay, tổ chức Đoàn Thanh niên của đơn vị đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên của Tổng Công ty triển khai dán Bộ quy tắc ứng xử trên 84 tuyến buýt của 7 xí nghiệp có hoạt động vận tải hành khách công cộng trực thuộc Tổng Công ty. Ngoài ra, tại 23 nhà chờ xe buýt BRT và tại các bến xe lớn như bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Đan Phượng đều có dán Bộ quy tắc ứng xử; Transerco còn tuyên truyền trên mạng xã hội để đưa nội dung Bộ quy tắc tiếp cận đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Được biết, hằng năm ngành Giao thông - Vận tải Thủ đô vẫn đều đặn tổ chức các hội thi lái xe buýt giỏi, an toàn và hội thi nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện, trao những giải thưởng, phần quà động viên, khích lệ để đội ngũ lái xe, nhân viên bán vé nâng cao chất lượng phục vụ, chung tay xây dựng văn hóa ứng xử trên xe buýt.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Thông cho biết: “Xe buýt là loại hình vận tải hành khách văn minh và hiện đại nên ngoài chất lượng dịch vụ, hành khách còn quan tâm đến thái độ phục vụ trên không gian xe buýt. Những năm gần đây, văn hóa ứng xử trên xe buýt được nâng lên rất nhiều, hành khách được phục vụ chu đáo. Những hình ảnh đẹp trên xe buýt của đội ngũ phục vụ cũng như hành khách rất đáng được lan tỏa trên các phương tiện truyền thông, góp phần tăng số lượng hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa nét đẹp văn hóa xe buýt