Đa dạng sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng
Thời điểm này, phía bãi sông Hồng thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, đã rất nhộn nhịp khi người dân ra chăm sóc, tuốt lá, đánh gốc đào. Bà Đỗ Thị Mai Lan, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Nhật Tân phấn khởi cho biết, vụ đào này Hợp tác xã có 76ha trồng đào, chủ yếu tập trung ở ngoài bãi sông Hồng.
Năm nay, làng đào Nhật Tân vẫn tập trung vào cây đào thế, đào bonsai; các loại đào cành có 2 dáng chính là tròn và huyền. Thị trường những năm gần đây chuộng đào cành dáng huyền nên người dân Nhật Tân làm nhiều sản phẩm này. “Chăm đào dáng huyền đòi hỏi nhiều thời gian. Thông thường, người trồng đào Nhật Tân phải “nuôi” cành, tạo dáng trong 2 - 3 năm thì mới có sản phẩm để bán” - bà Lan cho biết. Nhờ nghề trồng đào được duy trì và phát triển, trung bình mỗi năm “nông dân phố” ở Nhật Tân thu về trên dưới 40 tỷ đồng. Tuy vậy, theo bà Lan, đó là con số chưa thực sự đầy đủ, số tiền thực tế thu được từ trồng đào của cả phường có thể còn cao hơn nhiều.
Theo anh Đỗ Đức Chiến, một hộ trồng đào ở Nhật Tân, năm nay mùa đông đến muộn, nhiệt độ ấm hơn các năm nên người trồng đào bắt tay vào tuốt lá muộn hơn. “Chúng tôi có kinh nghiệm nhiều đời trồng đào nên biết chọn thời điểm tuốt lá, kết hợp với chăm sóc hợp lý để cây ra hoa đúng thời điểm. Đến đầu tháng 12, người trồng đào đã tuốt lá xong đối với đào thế, còn đào cành sẽ tuốt lá muộn hơn 10 - 15 ngày” - anh Chiến nói.
Ở “vựa hoa” lớn nhất nhì Hà Nội, người dân huyện Mê Linh cũng tất bật không kém để chăm chút cho những ruộng hoa; chỉnh hình, tạo kiểu cho những cây hoa thế. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hùng cho biết: Toàn huyện có khoảng 1.826ha trồng nhiều loại hoa. Do quá trình đô thị hóa nên diện tích hoa năm nay giảm khoảng 8% so với trước. Tuy nhiên, các hộ trồng hoa ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất nên chất lượng hoa tốt hơn, sản lượng hoa không biến động nhiều. Hoa Mê Linh tập trung ở các làng như Phù Trì (xã Kim Hoa) chuyên trồng hoa đào; Đại Bái (xã Đại Thịnh) chuyên hoa cúc, xã Mê Linh chuyên hoa hồng...
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh Nguyễn Viết Minh, trước đây, người dân xã Mê Linh chủ yếu trồng hoa cắt cành nhưng những năm gần đây đã chuyển mạnh sang trồng các loại hoa chậu, hoa hồng thế... cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần. Hiện cả xã có khoảng 400ha hoa, trong đó có khoảng 50ha hoa trồng tại địa phương, còn lại là người dân đi thuê đất ở các xã lân cận trong huyện và ở Mộc Châu (Sơn La) và Sa Pa (Lào Cai) để trồng hoa. “Nếu thời tiết và thị trường thuận lợi, một vụ hoa mang lại thu nhập rất lớn cho người nông dân. Do đó, nhiều người vẫn đùa vui “làm một vụ Tết, ăn cả năm”. Ước tính mỗi năm nghề trồng hoa ở xã Mê Linh mang lại thu nhập trên 200 tỷ đồng, trong đó vụ hoa Tết chiếm khoảng 40% tổng thu trong năm.
Anh Nguyễn Duy Thắng, người trồng hoa hồng ở xã Mê Linh cho biết, gia đình có 5 vườn với tổng diện tích hơn 9 sào trồng hoa hồng thế, hồng chậu. Vụ hoa Tết này, gia đình chuẩn bị đưa ra thị trường 10.000 cây hồng trồng trong các bịch, 1.400 cây hồng thế trồng trong chậu nhỡ, gần 100 cây hồng to trồng trong các chậu lớn.
Niềm vui xen lẫn lo âu
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Nhật Tân Đỗ Thị Mai Lan, năm nay Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên nhiều nhà vườn đã chuẩn bị sản phẩm để người dân chơi Tết sớm. Ngay từ những ngày đầu tháng 12, các nhà vườn đã bắt đầu có khách tới xem, ai cũng muốn chọn sớm sớm để được các dáng, thế vừa ý. Tuy vậy, “từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn còn nhiều thời gian, do đó, với những khách chọn cây sớm, các nhà vườn đều sẵn sàng đổi cho khách cây khác vừa ý hơn nếu cây đã chọn hoa nở chưa như ý” - bà Đỗ Thị Mai Lan cho biết.
Trong niềm vui chung của hàng trăm hộ trồng đào ở Nhật Tân, gia đình bà Đỗ Thị Mai Lan cũng có niềm vui riêng với hơn 1.000m2 trồng hoa đào đang phát triển tốt. Bà Lan cho biết, dự kiến, Tết này gia đình sẽ đưa ra thị trường hơn 500 cành đào với giá từ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/cành.
Còn theo tính toán của anh Nguyễn Duy Thắng (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), năm nay, dù kinh tế dần phục hồi nhưng đời sống người dân vẫn còn khó khăn, do đó, các sản phẩm hoa, cây cảnh có mức giá bình dân dễ tiêu thụ hơn. “Chuẩn bị cho vụ hoa Tết 2023, gia đình tôi tập trung vào các sản phẩm hồng bonsai trồng trong các chậu nhỡ nhiều chủng loại và màu sắc, như hồng trứng, hồng xanh, hồng bụi... với mức giá từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng/ cây. Tôi cũng hướng dẫn khách cách chăm sóc để sau khi chơi Tết, cây hoa hồng tiếp tục ra thêm nhiều lứa hoa khác, chơi được lâu hơn” - anh Thắng chia sẻ.
Trước câu hỏi rằng những năm gần đây, thị trường hoa, cây cảnh dịp Tết có thêm rất nhiều sản phẩm mới lạ, chưa kể còn nhiều loại hoa nhập khẩu, các làng hoa truyền thống có lo lắng sẽ phải cạnh tranh gay gắt, các hộ trồng hoa đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng vào thị trường năm nay.
Theo bà Đỗ Thị Mai Lan thì so với các loại hoa khác, hoa đào vẫn là loại hoa mà mỗi gia đình Việt đều muốn có. Đào Nhật Tân là loại đặc biệt khi đã có thương hiệu, chất lượng sản phẩm luôn vượt trội so với đào trồng ở các vùng khác. Hiện nay, đào Nhật Tân không chỉ được tiêu thụ ở thị trường Hà Nội mà còn được đưa đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tương tự, tại các nhà vườn trồng hoa ở Mê Linh, những chậu hồng, cúc, ly đẹp mắt, giá thành không quá cao nên sẽ phù hợp với mức chi của đại đa số gia đình, chắc chắn sẽ có sức cạnh tranh tốt trên thị trường.
Bên cạnh những tín hiệu khả quan của vụ hoa Tết 2023, một số người trồng hoa cũng bày tỏ sự lo lắng về tác động của thời tiết sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. Anh Đặng Minh Sơn người trồng hoa ly ở xã Mê Linh cho biết: “Vụ hoa Tết 2023, gia đình tôi đã xuống giống hơn 1 sào hoa ly. Năm nay, giá giống và chi phí phân bón đều cao hơn so với mọi năm. Mỗi củ giống hoa giá từ 18 nghìn đến 22 nghìn đồng, cộng với chi phí chăm sóc và phân bón nên mỗi cây hoa ly bán ra thị trường phải có giá từ 27 nghìn đến 30 nghìn đồng thì người trồng hoa mới có lãi. Tôi đang rất lo lắng bởi thời tiết ấm nên hoa nhiều khả năng nở sớm hơn so với dự định”.
Theo ông Nguyễn Viết Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh, chi phí đầu tư trồng hoa lớn hơn nhiều so với trồng cây rau màu nên rủi ro cũng cao hơn. Khi hoa nở không đúng thời điểm thì sẽ rất khó tiêu thụ, và giá bán hạ. Hiện một số nhà vườn ở Mê Linh đã đầu tư nhà lạnh để bảo quản hoa, song việc bảo quản cũng chỉ được 5 - 7 ngày và kho lạnh cũng hạn chế. Nhiều nhà vườn trồng hoa ly đã có giải pháp “đánh” cả vườn hoa, vận chuyển đến các vùng khí hậu lạnh hơn như Sa Pa (Lào Cai), gần đến Tết mới mang về Hà Nội để tiêu thụ. Từ ngày 9 đến 11-12, huyện Mê Linh tổ chức sự kiện Festival hoa Mê Linh với chủ đề “Mê Linh rực rỡ sắc hoa”. Đây là hoạt động thiết thực để quảng bá sản phẩm, tôn vinh người trồng hoa và mở hướng tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong dịp cuối năm.