“Mái nhà chung” của người khuyết tật

Phương Thanh| 12/04/2023 06:23

(HNM) - Nhiều năm qua, Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ (Hà Nội) đã trở thành “mái nhà chung” gần gũi và thân thiết của hàng trăm hội viên. Nơi đây còn là điểm kết nối các tập thể, cá nhân có nguồn lực hỗ trợ người khuyết tật, để họ được đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm, tăng cường hòa nhập cộng đồng.

Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ Vũ Hữu Lào (ngoài cùng bên trái) trao đổi với đại diện đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật.

“Ngôi nhà thứ hai"

Văn phòng Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ hiện nằm khiêm tốn ở tầng 1, số nhà 16, ngõ 125 đường Thụy Khuê (Hà Nội). Dù nhỏ, hẹp nhưng nơi đây đã trở thành điểm đến gần gũi của 240 hội viên thuộc 8 phường trên địa bàn khi cần hỗ trợ thủ tục giấy tờ, tư vấn các nội dung liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người khuyết tật. Đây cũng là điểm gặp gỡ, kết nối giữa đại diện các tổ chức, cá nhân, các tổ chức phi chính phủ… với những mảnh đời khó khăn, thiệt thòi, hỗ trợ người khuyết tật trong công tác đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống trong quá trình hòa nhập cộng đồng.

Tiếp chuyện chúng tôi trong Văn phòng Hội - một căn phòng nhỏ xinh giản dị, chỉ đủ để kê tủ tài liệu, bàn làm việc, bàn tiếp khách, 1 chiếc ghế dài, vài chiếc ghế nhỏ - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ Vũ Hữu Lào chia sẻ: “Kinh phí hoạt động của Hội hạn hẹp, chỉ vài chục triệu đồng/năm nên việc có được một văn phòng thuê với giá ưu đãi là rất đáng quý. Điều quan trọng là Hội chúng tôi có địa điểm giao lưu, kết nối, hỗ trợ người khuyết tật cả về thông tin chính sách và sinh kế. Qua gần 8 năm hoạt động, hiện chúng tôi đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tương đối dày dặn về người khuyết tật trên địa bàn, làm cơ sở để can thiệp trợ giúp và thực hiện chính sách đối với người khuyết tật một cách kịp thời và hiệu quả”.

Được thành lập năm 2015, trong 8 năm qua, Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ đã tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, đồng thời, khuyến khích, động viên các hội viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Việc duy trì, điều hành hoạt động của Hội cũng gặp nhiều trở ngại do Ban Chấp hành đa phần là những người đi lại khó khăn, một số phải đi xe lăn; bản thân Chủ tịch Hội, ông Vũ Hữu Lào và Phó Chủ tịch Hội, ông Trương Đức Ngân, đều là thương binh tuổi cao, nhiều bệnh. Nhưng Hội vẫn được duy trì đều đặn trong hoạt động, cùng với đó là có nhiều nguồn hỗ trợ ổn định từ các tổ chức phi chính phủ của Đan Mạch, Phần Lan...

Giúp người khuyết tật tiếp cận các chính sách an sinh xã hội

Chủ tịch Vũ Hữu Lào chia sẻ, trong số 240 hội viên của Hội, chỉ có 60% hội viên được cấp Giấy xác nhận khuyết tật. “Không phải người khuyết tật nào cũng có đủ giấy tờ để xin được Giấy xác nhận khuyết tật, đồng nghĩa với việc họ sẽ không được thụ hưởng đầy đủ các chính sách về người khuyết tật như: Chính sách về trợ cấp xã hội; cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí; miễn giảm học phí khi đi học văn hóa, học nghề, miễn giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu tham quan, du lịch…”.

Đó là một rào cản lớn cần sự vào cuộc của các bên. Ở khía cạnh này, vai trò của Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ được khẳng định. Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ Trương Đức Ngân nói: “Đã có những trường hợp bị khuyết chân, phải ngồi xe lăn, nhưng không được cấp Giấy xác nhận khuyết tật vì bị mất giấy tờ, không đủ thủ tục theo quy định. Hội một mặt tăng cường trợ giúp pháp lý miễn phí cho người khuyết tật, mặt khác, chúng tôi vận động UBND các phường quan tâm giải quyết việc cấp Giấy xác nhận mức độ khuyết tật cho hội viên, hỗ trợ cho việc vay vốn ưu đãi của họ, góp phần chăm lo đời sống cho hội viên”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, thấu hiểu cái khó này, bà Hoàng Thị Hiệp - cán bộ chương trình Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp (REACH) cho biết: “Với chủ trương hỗ trợ 100% học phí cho thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm người khuyết tật, chúng tôi sẵn sàng căn cứ vào thực tế để thẩm định, đánh giá mức độ khuyết tật, thay vì chỉ dựa vào Giấy xác nhận khuyết tật. Chỉ cần Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ cung cấp và bảo đảm thông tin chính xác, đơn vị chúng tôi sẵn sàng cung cấp các khóa đào tạo nghề miễn phí dành cho hội viên người khuyết tật”.

Không ngừng nỗ lực, tích cực vận động nguồn tài trợ xã hội hóa, Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ đã và đang trợ giúp đáng kể cho người khuyết tật, xứng đáng là đơn vị được tặng nhiều cờ thi đua của thành phố Hà Nội và quận Tây Hồ trong công tác, tiêu biểu là được Đại hội đại biểu Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 5 (2022-2027) tặng Giấy khen Hoàn thành xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển Hội, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mái nhà chung” của người khuyết tật